Đi du lịch 3 ngày, chàng trai bất ngờ bị kẹt ở Tà Xùa hơn nửa tháng vì dịch
(Dân trí) - Mỗi ngày ở Tà Xùa, Công đều dành 4-5 tiếng cho việc đọc sách rồi ngồi ngắm cảnh, nghe nhạc, hôm nào trời đẹp thì ngắm sao đêm rồi vào lều đốt nến thơm, viết nhật ký.
Ngày 15/7, Phạm Hoàng Công (Hà Nội) bắt đầu chuẩn bị đồ đạc để đi Tà Xùa (Sơn La), anh chọn đến đỉnh núi không có nhiều khách du lịch và người dân để cắm trại từ 3-4 ngày. Nhưng chưa kịp về thì Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 6 giờ ngày 24/7 nên anh đã kẹt ở Tà Xùa hơn nửa tháng nay.
"Khi Hà Nội thông báo giãn cách mình cũng hơi buồn một chút, nhưng thay vì suy nghĩ quá nhiều về nó thì mình chọn cách ở lại để tận hưởng thiên nhiên, khí hậu và có thời gian cho bản thân để nhìn nhận lại mình", Công chia sẻ.
Những chuyến đi ngắn hay dài ngày Công đều mang đủ đồ vật quan trọng cho cắm trại, nhưng lần này điều anh không nghĩ đến đó là quần áo trong balo có đúng 3 bộ và một khăn tắm, đồ dùng cá nhân.
Đồ cắm trại anh mang theo gồm một lều có sức chứa 4 người, tấm tarp chống mưa nắng, túi ngủ, bộ bàn ghế dã ngoại có thể thu gọn tiện lợi, bộ nồi, dao dĩa, võng, gối hơi, đèn chiếu sáng, đèn trang trí, sạc dự phòng loại 120.000mAh nếu sạc điện thoại và đèn tích điện thì dùng được khoảng 20 ngày nên cũng không lo về điện.
Công chia sẻ, ở Hà Nội bận rộn nên thấy thời gian trôi qua rất nhanh nhưng ở Tà Xùa thì hoàn toàn khác. Anh duy trì thói quen hàng ngày bằng việc dậy từ 6 giờ sáng vệ sinh cá nhân, đánh răng rửa mặt. Sau đó nấu đồ ăn sáng, hôm thì ăn trứng, hôm thì mình mua bột mì làm bánh, lúc nấu ăn tiện đặt nước pha trà rồi ngồi ngắm cảnh đọc sách.
Cảnh đẹp và không khí trong lành nên Công thường ngồi đọc sách đến 10 giờ mới chuẩn bị nấu cơm trưa. Bữa tối anh thường chọn ăn uống đơn giản, 2 củ khoai tây và ít đồ nướng nhẹ, ăn xong uống cốc trà nóng rồi đi ngủ.
Vì ở vùng cao nên về đêm khá lạnh, nhưng mang theo túi ngủ nên giúp anh giữ ấm và ngủ ngon giấc. Công mua thực phẩm ở các quán tạp hoá trong bản để tự nấu ăn, mỗi lần đi mất khoảng 10-15 phút.
"Thường thì mọi người nghĩ ở một mình trên núi sẽ buồn nhưng mình lại thấy rất vui, vì mình chọn chỗ cắm trại có view đẹp nhất ở Tà Xùa nên ở hơn nửa tháng cũng không thấy chán, chỉ hơi nhớ nhà nhớ việc thôi", chàng trai hài hước nói.
Công có sở thích cắm trại từ đầu năm 2016, ngày đó thì anh có là trưởng một nhóm phượt ở Hà Nội, đa số là các bạn sinh viên chơi với nhau nên cứ có dịp mọi người lại rủ nhau rong ruổi khắp các tỉnh Tây Bắc để tìm hiểu văn hoá, ẩm thực và cảnh đẹp của Việt Nam.
Theo Công, camping (cắm trại) là một cái thú chơi không mới và cũng không cũ ở Việt Nam. Anh cho rằng đây là hoạt động rất lành mạnh và gần gũi với thiên nhiên, tiết kiệm. Nó hay ở chỗ nơi nào mình cũng có thể đi, cũng có thể nghỉ lại và tận hưởng một vài ngày.
Nhớ lại hồi tháng 3/2021, Công có chuyến đi cắm trại ở trong rừng thông trên Mù Cang Chải (Yên Bái), chuyến đó là lần đầu chàng trai đi một mình, lại ở trong rừng nên cũng hơi bỡ ngỡ nhưng đến nơi thì cảnh đẹp làm anh quên hết âu lo lúc ban đầu.
Chỗ Công cắm trại là một rừng thông già, ở giữa rừng có một cái hồ nước do suối chảy xuống và đọng lại, trên bờ có bãi cỏ xanh mướt nên anh quyết định hạ trại ở đấy, mọi thứ đều bình thường cho đến khi trời tối mưa rào ập xuống nhưng may không bị ướt, ngập.
Hà Nội lại tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 15 ngày nhưng Công vẫn không lo lắng, anh cho rằng đây là cơ hội để mình thử thách bản thân và khám phá những điều mới mẻ: "Bản thân mình là người thích thử thách và những thứ mới mẻ nên quyết định tiếp tục ở lại, mình coi đây là chuyến đi cắm trại để đời của mình để sau này còn có câu chuyện mà kể cho bạn bè, gia đình nghe", Công chia sẻ.