Đến Sài Gòn, đi chợ Campuchia

(Dân trí) - Từ xưa đến nay chợ được xem như là nơi tập trung nhiều nguồn văn hóa, nơi có thể tìm thấy đầy đủ hương vị riêng biệt của từng vùng đất. Và gần đây, một khu chợ nhỏ trên đường Lê Hồng Phong đã được nhiều người biết đến với tên gọi thân thuộc... chợ Campuchia!


Vị trí tuy không “đắc địa”, nằm sâu trong một con hẻm, nhưng cũng không quá khó khăn cho du khách khi có nhu cầu tìm đến. Chợ Campuchia có tên như vậy vì nơi đây đa số là người Việt gốc Campuchia tụ họp lại đề buôn bán và sinh sống từ những năm 1970.

Đến với khu chợ bạn sẽ thấy sự khác biệt đầu tiên về ẩm thực, mùi thơm từ món bún Num- bò- chóc tỏa ra ngay từ đầu hẻm, mùi thơm của chè, mùi của các loại khô cá biển hồ… và nhiều loại món ăn khác. Khi chúng tôi tò mò bước vào quán bún Num- bò- chóc của cô Diệu - một trong những quán "thâm niên" của khu chợ này, sự niềm nở của chủ cửa hàng khiến cho chúng tôi không thể từ chối gọi một tô bún mắm. Hình ảnh song sánh màu vàng của nước lèo nấu lên từ rất nhiều gia vị như sả, tỏi, nghệ... tất cả được  bằm nhỏ  nấu chung với mắm bò-hóc. Điểm xuyến vào đó là màu xanh của đậu đũa, có hương vị thanh thanh của quả chúc, một loại quả đặc trưng tạo nên hương vị cho nồi nước lèo. Đặc biệt, những miếng cá lóc được ướp sẵn gia vị từ trước tạo nên một sự hấp dẫn khi nhìn vào. Khi ăn bún Num bò chóc không thể quên ăn kèm với rau. Những loại rau như bông điên điển, rau muốn, rau cần nước, rau ranh giới, rau căng tạo nên một món ăn hấp dẫn từ hương vị đến màu sắc. Mỗi tô bún có giá bán khoảng 25.000đ dến 40.000đ  tùy theo yêu cầu của khách.

Một sạp bán khô tại chợ Campuchia.
Một sạp bán khô tại chợ Campuchia.

Nhiều đặc sản khô bày bán trên sạp
Nhiều đặc sản khô bày bán trên sạp

Lạp xưởng Campuchia (Vùng biên giới An Giang còn gọi là Tung-Lò-Mò)
Lạp xưởng Campuchia (Vùng biên giới An Giang còn gọi là Tung-Lò-Mò)

Các cửa hàng bán bún Num- bò- chóc thường được bắt đầu từ 5 giờ sáng để có thể kịp giờ cho nhu cầu của khác hàng vào sáng sớm. Không chỉ là những khách hàng thân quen hay ăn ở đây, mà có cả những vị khách từ các quận khác tìm đến để thưởng thức. Cô Châu, một khách quen cho biết : “tuy nhà xa từ quận 11 nhưng sáng nào tôi cũng tới đây ăn bún Num- bò- chóc, khi tôi ăn tại chỗ, khi mua mang về cho gia đình”.

Một tô bún Num-bò-chóc không thể thiếu món rau sống ăn kèm
Một tô bún Num-bò-chóc không thể thiếu món rau sống ăn kèm

Thực khách thưởng thức món Num-Bò-Chóc
Thực khách thưởng thức món Num-Bò-Chóc

Quả Chúc dùng làm hương vị đặc trưng cho món Num-Bò-Choc
Quả Chúc dùng làm hương vị đặc trưng cho món Num-Bò-Choc

Kế tiếp, du khách có thể bước tiếp đến quán chè Phnôm- Pênh, món chè đặc trưng của xứ Chùa Tháp. Có mặt tại quán chè của chị Nguyễn Thị Có, một quán chè được mở bán từ lâu với các loại chè như: chè hạt me, chè bánh trứng, chè xôi sim, chè thập cẩm có nhiều màu sắc bắt mắt khiến cho người ăn có cảm giác thích thú … Nhưng đậm chất Campuchia nhất thì phải kể đến loại chè bò-bứ-chong-cha (người Việt gọi là chè bí đỏ). Món chè này được làm từ thốt nốt, trứng gà và bao bên ngoài là vỏ quả bí đỏ ăn kèm thêm với nước cốt dừa. Cho một miếng Bò- pứ-chong-cha vào miệng, thực khách sẽ cảm nhận được vị béo béo của trứng, vị bùi bùi của bí đỏ và vị ngọt của nước cốt dừa. Mỗi loại chè có giá bán từ 10.000đ đến 15.000đ trên 1 chén. Khách đến đây không chỉ thưởng thức hương vị của chè Campuchia mà còn tìm lại một chút gì đó gợi nhớ nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Đặc sản Bò-pứ-chong-cha
Đặc sản Bò-pứ-chong-cha

Hai chén chè có màu sắc bắt mắt
Hai chén chè có màu sắc bắt mắt

Quán chè 40 năm được thừa kế từ mẹ của chị Có
Quán chè 40 năm được thừa kế từ mẹ của chị Có

Cách đó vài sạp hàng là gian bán đồ khô với các đặc sản khô được lấy tận nguồn Campuchia. Những miếng khô cá lóc có màu vàng tươm nằm ngay ngắn trên sạp, những xâu cá chẽn xông khói được treo lơ lửng ngang với tầm mắt của khách hàng. Đặc sản khô cá chẽn này được chủ cửa hàng gợi  ý cho khách chế biến cùng lá Sầu Đâu. Lá sầu đâu không phải là món dể ăn bởi vị đắng của nó, nhưng nếu ăn quen rồi sẽ trở “ghiền” bởi chính cái hậu ngọt thanh của nó. Không chỉ hương vị mà ngay cả tên gọi cũng làm cho du khách tò mò khi nhắc đến “vũ nữ thân gầy” (khô nhái ) một cái tên nghe lạ tai hứa hẹn một món khô chiên dòn chấm mắm me có vị độc đáo mà khi nghĩ đến thôi đã thấy thòm thèm.

Một đặc sản khác chính là cá Tra Biển Hồ - loại cá được du khách “săn lùng” mua nhiều nhất. Những con khô cá Tra thật “bắt mắt” được trưng bày ở nơi dễ thấy nhất của từng cửa tiệm, thường thì khách hàng hay mua loại cá này làm quà biếu, có giá 200.000 đồng/kg. Song, với  phương châm phục vụ “Được lòng người mua vừa lòng người bán”, tại các sạp, chủ tiệm luôn sẵn lòng chiều khách với những nhu cầu đưa ra theo sở thích như: cá Tra có thể cắt bỏ đi phần mỡ (nếu ai chỉ thích ăn phần thịt) hoặc chỉ bán riêng phần mỡ cho những người ưa chuộng vị béo ngậy của loài khô cá này. Và cũng tại từng cửa tiệm, chủ sạp sẵn lòng đóng gói, hút chân không cho từng loại sản phẩm mà khách đã chọn mua, nhằm giúp bảo quản các loại khô trong thời gian dài ngày hơn...

Khô cá tra phồng (Cá tra Biển Hồ)
Khô cá tra phồng (Cá tra Biển Hồ)

Vũ nữ thân gầy (khô nhái chào hàng trên bó lá sầu đâu)
Vũ nữ thân gầy (khô nhái chào hàng trên bó lá sầu đâu)

Khô cá chẻn 
Khô cá chẻn 

Có thể nói, từ những hương vị riêng biệt của từng các món ăn đã giúp cho những ai một lần đặt chân đến khu chợ này, sẽ có cơ hội biết thêm về nét văn hóa của đất nước có biểu tượng Ăng-Ko hùng vĩ.​

Phạm Nguyễn - Tuyết Hà