Đến Hội An thưởng thức món bánh đập giòn tan
(Dân trí) - Đến với Hội An, dù chưa biết món bánh đập có hương vị như thế nào nhưng chỉ cần nghe tên, không ít du khách đã thấy vui tai và tò mò về món bánh này.
Bánh đập thường được bán ở những quán ven đường làng, ngõ xóm, hay được quẩy trên đôi thúng nhỏ đi bán dạo trên các nẻo đường quê, góc phố. Khách ăn cũng không cần ngồi ghế hay bàn sang trọng mà chỉ cần có một chỗ ngồi sạch sẽ thoáng mát trên vệ đường là có thể thoải mái thưởng thức món bánh đập thơm ngon. Một tay vừa bưng chén mắm, tay kia vừa bẻ bánh vừa chấm và đưa lên miệng.
Bánh đập có nhiều ở miền Trung nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở Hội An.
Là món ăn dân dã, rẻ tiền nhưng bánh đập lại được rất nhiều người ưa thích. Đến với Hội An, dù chưa biết được món bánh đập có hương vị như thế nào nhưng chỉ cần nghe tên, du khách đã thấy vui tai và tò mò về món bánh này.
Sở dĩ người ta gọi món bánh này là bánh đập bởi nó được làm từ 2 miếng bánh tráng nướng mỏng kẹp với miếng bánh ướt cùng hình tròn chu vi chừng 10 cm . Sau đó dùng lực nắm tay đập bánh cho lớp bánh tráng nướng vụn ra, dính quện vào lớp bánh ướt. Một kẹp bánh đập phải đảm bảo bánh tráng nướng xong được bảo quản kỹ trong bì bóng để giữ nguyên độ giòn và bánh ướt vừa mới ra lò còn nóng hổi.
Nhìn chiếc bánh đập đơn giản là thế nhưng khi đã thưởng thức rồi mới cảm nhận được cái ngon, cái hấp dẫn, sự độc đáo riêng có của nó.
Trong quá trình làm món bánh đập thì quá trình tráng bánh được coi là khâu quan trọng nhất. Các nguyên liệu chính để chế biến món bánh đập bao gồm: gạo trắng thơm dẻo, hành lá, đậu xanh nhuyễn. Tuy nhiên để tăng thêm phần hấp dẫn, khi ăn món bánh đập cũng không thể thiếu tôm chấy, mỡ hành và chén mắm nêm.
Đối với bánh tráng nướng thì người ta sẽ tráng bột mỏng trên nồi hấp khoảng 1 đến 2 phút. Sau khi bánh chín mang đi phơi khô và nướng chín trên bếp than hồng. Với bánh ướt thì ngâm gạo khoảng chừng nửa ngày nhằm cho hạt gạo nở mềm. Sau đó đem đi xay nhuyễn thành bột nước, ủ bột từ 3 giờ trở lên để bột lắng trong nước. Dùng gáo dừa để quậy bột và múc bột bánh cho vào nồi hấp khoảng nửa phút. Sau khi chín, dùng que tre mỏng để dỡ bánh.
Nước chấm được coi là thứ làm nên hấp dẫn cho món bánh đập. Công thức pha chế nước chấm bánh tráng đập rất dễ nhớ. Nước mắm cái, loại mắm chế biến từ cá cơm ướp muối, thêm vài thìa đường, thơm (dứa) băm nhuyễn, dầu và hành phi vừa tới.
Những chiếc bánh đập giòn tan luôn hấp dẫn mọi du khách khi tới hội an.
Khách ăn cay, có thể nêm một nhỉnh tương ớt, cũng pha chế thủ công nhưng rất ngon theo bí quyết gia truyền của những hiệu tương ớt có tiếng ở Hội An. Công thức pha chế như nhau những mỗi người mỗi cách nêm gia vị mắm mới pha chế dậy mùi rất quyến rũ. Vì lẽ đó “nhắc tới thấy thèm”.
Theo lời kể của nhiều người thì bánh đập Bà Già, Cẩm Nam (Hội An), là quán bánh đập đầu tiên xuất hiện ở vùng này. Cách đây cũng chừng 30-40 năm, bánh đập Bà Già ăn nên làm ra, kéo theo mấy chục quán khác mọc lên nối dài ven sông Hoài, đoạn ngang qua Cẩm Nam (TP Hội An). Từ đó, Cẩm Nam nghiễm nhiên trở thành “làng bánh đập” nổi tiếng ở miền Trung.
Dù sau này khá nhiều quán mọc lên, nhưng những người thủy chung vẫn chọn quán Bà Già làm điểm dừng chân, dù quán có chút lụp xụp, và dù chủ quán đã mất từ nhiều năm trước, rồi đến lượt con gái-con dâu trở thành bếp chính…
Có thể nói, ai đã từng đến với Hội An thì không thể bỏ qua món bánh hấp dẫn và điều chắc chắn là khi đã thưởng thức du khách sẽ bị nó mê hoặc. Ăn món bánh đập không chỉ để thưởng thức cái giòn tan lẫn vào vị nước chấm mà còn giúp du khách cảm nhận được chút hương vị miền quê bình dân.
Nhữ Trang (tổng hợp)