1. Dòng sự kiện:
  2. Du lịch nghỉ lễ 2/9
  3. Đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam

Đến An Giang thưởng thức thốt nốt một lần là nhớ mãi

(Dân trí) - Thốt nốt là một loại cây đặc trưng ở vùng Bảy Núi (An Giang) với hình dáng bên ngoài giống cây dừa và lá cọ. Là loại cây trái ngon mà du khách đến đây nhất định phải thưởng thức, dù chỉ một lần cũng nhớ mãi thứ đặc sản của vùng biên.

Cây thốt nốt được trồng nhiều ở vùng Bảy Núi (An Giang)
Cây thốt nốt được trồng nhiều ở vùng Bảy Núi (An Giang)

Thốt nốt không chỉ được ăn tươi mà còn được dùng để nấu chè, làm đường và làm món bánh bò thốt nốt ngon khó cưỡng. Được trồng nhiều ở An Giang, thốt nốt là loại cây có lá dùng để lợp nhà, làm thảm, thân để đun củi, còn hoa, quả được chế biến thành nhiều món.

Với người dân An Giang, cây thốt nốt là nét đặc trưng về văn hóa. Thốt nốt thuộc loại cọ, thân thẳng, cao khoảng 30m, có đường kính thân cây khoảng 30cm, lá xanh um mọc như lá dừa, lá cọ. Thốt nốt đơm hoa kết quả quanh năm nhưng nhiều nhất từ tháng giêng đến tháng sáu âm lịch.

Thốt nốt được biết đến bởi rất nhiều công dụng, lá cây dùng để lợp nhà, làm thảm, đan rổ, đan nón lá hoặc làm giấy. Thân cây dùng để làm củi, nhưng phần được sử dụng nhiều nhất là hoa, quả và rễ cây.

Người dân An Giang thường leo lên cây, buộc một ống nhỏ vào đầu mỗi cụm hoa. Ống này nối vào một ống tre hoặc bình chứa to hơn. Sau đó, họ dùng dao cắt một đoạn để nước trong đầu hoa chảy ra. Cứ sau mỗi đêm, nước ngọt tinh túy từ chùm hoa lại nhỏ xuống, được chừng hơn một lít. Đây là loại nước quý do có vị và mùi rất thơm.

Quả thốt nốt trông rất đẹp mắt
Quả thốt nốt trông rất đẹp mắt

Chị Nguyễn Thu Tâm, một người chuyên nấu đường ở xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên cho biết, trung bình cứ 10 lít nước thốt nốt nấu được 1- 2kg đường thành phẩm, giá bán tại chỗ dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Đường thốt nốt có 2 loại sản phẩm chủ yếu, gồm: Đường thô (nguyên chất) đựng trong keo nhựa và đường tán (đã qua chế biến) được gói trong những chiếc lá thốt nốt. Tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, có rất nhiều lò đường được chế biến theo kiểu truyền thống. Toàn vùng hiện có khoảng 2.000 hộ dân đang khai thác, đáp ứng việc làm cho khoảng 6.000 lao động nông thôn, với 80% trong số này là người dân tộc Khmer.

Theo người dân địa phương, nước lấy từ hoa có thể uống ngay hoặc cũng mang đi nấu đến khi cô đặc sẽ được đường thốt nốt, loại đường thường được nấu chè có mùi thơm và vị ngọt trứ danh rất tiêu biểu của vùng đất An Giang. Một số người không uống ngay, cũng không nấu đường mà ủ với men để cho ra món rượu thốt nốt có vị ngọt thanh, thơm nồng, uống ngon mà cũng rất dễ say.

Thốt nốt được chế biến thành đường và trở thành một đặc sản của An Giang
Thốt nốt được chế biến thành đường và trở thành một đặc sản của An Giang

Vài tháng sau khi trổ hoa, thốt nốt bắt đầu kết quả. Trái thốt nốt non có màu xanh, mọc thành buồng, trái to bằng nắm tay, mỗi buồng có đến vài chục quả. Trái già chuyển sang màu nâu cánh gián bóng nhẵn, bên trong mỗi quả có 5-6 múi trong và dây như miếng rau câu, trong múi có nước ngọt như nước dừa nhưng mùi vị lại đặc biệt và rất riêng.

Không chỉ uống nước và ăn ngay phần cơm nằm trong trái, các đầu bếp gia đình còn sáng tạo phần cơm để nấu chè, hoặc vắt nước dừa thật béo, pha vào ít nước đường rồi trộn cùng với mùi thốt nốt thơm dẻo để bán như món chè, rất được các cô cậu học trò ưa thích.

Những năm gần đây, đặc sản đường thốt nốt còn vươn ra các nước trong khu vực bằng con đường ký gửi cho các doanh nghiệp, hoặc thông qua người Việt ở nước ngoài về thăm quê hương vào dịp lễ và Tết cổ truyền của dân tộc hàng năm. Bên cạnh đó, với hơn 5 triệu lượt khác đến An Giang tham quan và hành hương nhiều năm, thì nhu cầu thưởng thức và làm quà đối với đặc sản đường thốt nốt của địa phương là rất lớn.

Đức Hiệp