Để khách Tây cuốc đất, cho trâu đi bừa... hướng đi mới của ngành du lịch?
Mới đây, cộng đồngmạng lan truyền những hình ảnh clip du khách Tây hào hứng cuốc đất, chotrâu đi bừa, tưới rau, gặt lúa... Du lịch nông nghiệp tại Việt Nam ngày càng cósức hút đối với du khách quốc tế, ngay cả những du khách nội địa sống ở vùng đôthị cũng muốn thử trải nghiệm cuộc sống nông thôn.
Điểm chung của các video này, đó là khung cảnh làng quê Việt Nam rất bình dị, các nhóm du khách nước ngoài hăm hở cởi trần cho trâu đi bừa trên ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái), hay các du khách vui vẻ hái bơ, thu hoạch rau, hái chè ở Mộc Châu (Sơn La)...
Trong những năm qua, Việt Nam đã có những sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp các vùng miền trải dài từ bắc tới nam, tạo được ấn tượng cho cả du khách trong và ngoài nước như tour tham quan làng rau Trà Quế (Quảng Nam), tour du lịch canh nông Đà Lạt (Lâm Đồng), tour du lịch miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long...
Trong đó, làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã tận dụng lợi thế của một làng quê thuần nông để làm du lịch từ cây lúa, tạo nguồn thu ổn định cho người dân tham gia bảo vệ làng cổ. Đến Đường Lâm mùa lúa chín, du khách thỏa sức thưởng ngoạn cánh đồng lúa chín, thi làm hình nộm, ngủ đêm trên cánh đồng để hưởng thụ hương lúa vào đêm, ngắm trăng Đường Lâm, đốt lửa trại, thả đèn đom đóm, ăn đồ nướng, biểu diễn thời trang rơm, thi hát đối và giao lưu với người dân địa phương...
Hầu hết các du khách trong và ngoài nước biết đến các tour du lịch nông nghiệp đều bày tỏ sự tò mò. Trên khắp các trang mạng xã hội, không ít người chia sẻ những hình ảnh và clip thú vị về các hành trình tham quan du lịch nông nghiệp. Facebook Huong Kim Dich cho rằng, du khách Tây chi một khoản tiền nhỏ mà có được niềm vui không đâu có: được cày cuốc với trâu trên ruộng bậc thang, làm nông theo kiểu ngày xưa. Nhờ đó mà bà con đỡ vất vả làm việc nhà nông, lại gia tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, nhiều ý tưởng cũng được cộng đồng mạng đưa ra như mùa làm cỏ thì có tour lội bùn làm cỏ, mùa lúa chín có tour cầm liềm gặt lúa... Đáng chú ý, nhu cầu thực phẩm và thưởng thức không gian xanh ngày càng tăng cao nên không chỉ du khách quốc tế mà khách nội địa cũng muốn tận tay được tham gia vào tour du lịch nông nghiệp được hái rau, hái quả sạch.
Một dấu hiệu khả quan, tốc độ tăng trưởng nhu cầu du khách tham quan, trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn mỗi năm đều ở mức 20-30%. Vì vậy, nhiều chuyên gia và các nhà làm du lịch cho rằng, Việt Nam có lợi thế lớn phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch nông nghiệp tại Việt Nam như "mảnh đất vàng" chờ khai phá. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng quan ngại khi hầu hết hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, manh mún.
Tại các địa phương, bà con nông dân vốn quen sản xuất nông nghiệp nhưng chưa đủ kỹ năng phục vụ du lịch, phần lớn sản phẩm du lịch nông nghiệp hiện nay mới chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Do đó, để phát triển du lịch nông nghiệp chắc chắn không thể thiếu được vai trò của các doanh nghiệp lữ hành. Họ sẽ góp phần không nhỏ “thổi hồn” vào các công đoạn tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp mới lạ, có sức hút, làm sao hình thành một đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho bà con nông dân.
Cùng với tham quan trải nghiệm, để phát triển du lịch nông nghiệp, địa phương và những người làm du lịch cần lưu ý các yếu tố khác. Ví như về cơ sở hạ tầng, nhất định phải có nhà vệ sinh sạch sẽ cho du khách. Cùng với đó là các dịch vụ bổ trợ kèm theo, như để du khách trải nghiệm tắm lá người Dao, tham gia chợ truyền thống, hội chợ mua sắm các đặc sản, đồ lưu niệm tại địa phương như: thổ cẩm, nấm hương, mật ong, măng, miến...
Đồng thời, các yếu tố đảm bảo an toàn cho du khách trong các tour có hoạt động cho trâu đi bừa, trèo cây hái quả cũng phải tính toán kỹ.
Theo Nguyễn Ngọc Trâm
ANTĐ