“Đánh thức” mảnh đất giàu tiềm năng miền biên viễn

(Dân trí) - Được ví như là “nàng công chúa đang ngủ quên” ở nơi biên cương của Tổ quốc, huyện vùng cao Trùng Khánh (Cao Bằng) đang dần bừng tỉnh với những tiềm năng và lợi thế sẵn có của mình.

Những thay đổi lớn trên mảnh đất thiêng liêng

Đi dọc Trùng Khánh, PV Dân trí không khó để cảm nhận được sự thay đổi từng ngày trên mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Là những cánh đồng miên man xanh rì, những ngôi nhà cao tầng kiên cố, điện đường trường trạm khang trang, không khí hối hả tấp nập, những khuôn mặt bừng sáng... Tất cả đang báo hiệu một cái tết ấm no, hạnh phúc đến với bà con huyện Trùng Khánh nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung.

Tuyến Quốc lộ 3 mới được nối dài và nâng cấp, cải tạo trên cơ sở là tỉnh lộ 206, thông suốt đến Thác Bản Giốc - cột mốc chủ quyền của Quốc gia, cũng là một địa danh du lịch nổi tiếng, làm cho khoảng cách giữa Trùng Khánh với mọi miền đất nước dường như rút ngắn hơn rất nhiều.

Trên chuyến xe Bus từ TP Cao Bằng lên vùng cao, anh Nguyễn Văn Hùng, người dân xã Thông Huề, Trùng Khánh tâm sự: Chúng tôi tự hào là những người con của mảnh đất biên cương này, giờ đây cuộc sống của người dân đã được thay đổi, tiện bộ hơn rất nhiều so với trước đây. Giao thông cũng thuận tiện, không còn cảnh phải khổ sở vạ vật đón xe mỗi khi đi lại, những người làm việc hay buôn bán ở xa như chúng tôi đều có thể đi về trong ngày một cách dễ dàng. Việc giao lưu buôn bán, vận chuyển hàng hóa của bà con được thuận lợi, tất cả đã thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Khu du lịch Thác Bản Giốc được Chính phủ qui hoạch tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch tương lai.
Khu du lịch Thác Bản Giốc được Chính phủ qui hoạch tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch tương lai.

Quốc lộ 3 trải dài tít tắp, men theo những dãy núi cao sững sững, không chỉ là tuyến đường huyết mạch của Cao Bằng mà còn là một trong những trục kết nối sự phát triển giữa Cao Bằng với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là cầu nối giao thương  giữa Trùng Khánh với những địa phương khác.

Do yêu cầu cấp thiết về nhu cầu đi lại của người dân cũng như khách du lịch, năm 2014, UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã cho khai trương tuyến xe bus TP Cao Bằng – Trùng Khánh - Thác Bản Giốc với lộ trình dài hơn 75 cây số. Từ đây, mảnh đất Trùng Khánh đã thực sự bừng tỉnh.

“Điểm sáng” trên một vùng quê

Mặc dù nhiều lần đến với Trùng Khánh, nhưng khung cảnh núi non trùng điệp, hùng vĩ của miền non nước nơi địa đầu Tổ quốc đều gợi cho chúng tôi những cảm xúc thiêng liêng, khó tả.

Huyện Trùng Khánh chỉ có hai dân tộc bản địa cùng sinh sống là Tày và Nùng, xen kẽ là một bộ phận người Kinh và một số dân tộc khác. Từ một huyện nghèo, có xuất phát điểm thấp, lãnh đạo địa phương luôn luôn trăn trở, không ngừng tìm tòi một hướng đi đúng để đưa Trùng Khánh phát triển.

Sắc xuân đang tràn về tại huyện Biên giới Trùng Khánh - Cao Bằng.
Sắc xuân đang tràn về tại huyện Biên giới Trùng Khánh - Cao Bằng.

Du khách đắm say với vẻ đẹp hùng vĩ thiên nhiên ban tặng tại khu du lịch thác Bản Giốc, Cao Bằng.
Du khách đắm say với vẻ đẹp hùng vĩ thiên nhiên ban tặng tại khu du lịch thác Bản Giốc, Cao Bằng.

Một cán UBND huyện Trùng Khánh cho biết, từ ngày tiềm năng được đánh thức trên mảnh đất biên cương của Tổ quốc, cuộc sống của những người dân đã thực sự có những thay đổi nhất định. Hình thành nên những bản làng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tận dụng ưu thế riêng có để phát triển kinh tế.

Theo cán bộ này, không chỉ tập trung vào phát triển cây ngô, lúa truyền thống với giá trị canh tác thấp, người Tày - Nùng ở các xã Đình Minh, Phong Châu, Đình Phong… còn phát triển cây hạt dẻ - thứ đặc sản chỉ riêng Trùng Khánh mới có. “Vựa dẻ” Trùng Khánh đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, vừa phục vụ phát triển kinh tế của người dân, vừa thu hút du lịch. Cùng với đó, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố chỉ dẫn địa lí Trùng Khánh cho sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh giúp, đưa loại đặc sản này ra rộng khắp thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, bà con tại xã Thông Huề biết đưa những nét đặc sắc của ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch như Tương Thông Huề, Bánh Khảo Thông Huề... Người dân làng Khuổi Ky cũng tận dụng những giá trị, tinh hoa văn hóa truyền thống để khai thác du lịch, xây dựng làng Tày cổ nhất còn sót lại thành làng du lịch cộng đồng thu hút rất đông khách du lịch. Hàng chục hộ dân được đầu tư kinh phí để tôn tạo chính ngôi nhà của mình đang ở nhằm “tô điểm” thêm cho sắc đẹp văn hóa của miền non nước.

Được coi là “hòn ngọc” trên mảnh đất biên viễn, Trùng Khánh đang sở hữu hai thắng cảnh nổi tiếng được quy hoạch thành Trọng điểm du lịch Quốc gia là Thác Bản Giốc - Động Ngườm Ngao. Nếu như trước đây, hầu hết khách du lịch chỉ có thể tham quan trong ngày do hệ thống hạ tầng giao thông, nhà hàng, khách sạn… chưa đồng bộ. Thì nay, sự kiện khánh thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 của khu nghỉ dưỡng cao cấp 4 sao Sài Gòn - Bản Giốc Resort dường như đã làm hài lòng một bộ phận “thượng đế”, phục vụ tốt nhu cầu lưu trú cho khách du lịch khi đến với Thác Bản Giốc.

Thiếu nữ Dân tộc Cao Bằng - một vẻ đẹp thuần khiết mà đất trời ban tặng cho người dân nơi đây.
Thiếu nữ Dân tộc Cao Bằng - một vẻ đẹp thuần khiết mà đất trời ban tặng cho người dân nơi đây.

Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Bản Giốc với diện tích khoảng 31 ha, có thể phóng tầm mắt quan sát trực diện toàn bộ Thác Bản Giốc. Khu Resort được đầu tư xây dựng với 2 khu chính gồm khách sạn 60 phòng ngủ, 24 khối bungalows (nhà nghỉ), nhà hàng.... với tổng kinh phí đầu tư khoảng 170 tỉ đồng nhằm phục vụ một cách tốt nhất du khách đến với Thác Bản Giốc.

Tranh thủ tiếp chuyện với chúng tôi, một hướng dẫn viên du lịch Hà Nội đang dẫn đoàn lên tham quan du lịch Thác Bản Giốc trong ngày đầu xuân, cho biết: Trước đây, thỉnh thoảng vẫn có đoàn khách vẫn đặt tour du lịch lên Thác Bản Giốc, nhưng hầu như anh không dám nhận. Một phần cũng bởi lý do là đường sá đi lại còn khó khăn, hệ thống nhà hàng, khách sạn chưa đủ đáp ứng.

Theo hướng dẫn viên này, thời gian gần đây, lượng khách đến Công ty đăng ký lên Thác tăng đột biến. Chỉ trong đầu năm, đã có gần chục đoàn khách đến đăng ký tham quan, và anh cho biết giờ đây anh không có lý do gì từ chối đưa khách đến một điểm tham quan điểm du lịch tuyệt vời này.

Cùng với đó, ngày 15/12/2014, Chủ tịch nước đã tới dự và cắt băng khánh thành Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc - ngôi chùa đầu tiên nơi biên cương phía Bắc Tổ quốc. Sự kiện này thêm một lần khẳng định chủ quyền lãnh thổ tại khu vực biên giới, cho thấy hệ thống hạ tầng, cảnh quan và tôn giáo để phục vụ du lịch ngày càng được đồng bộ và hoàn thiện.

Người dân Bản Giốc tự hào, Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tông giáo của nhân dân mà còn là điểm nhấn cho phát triển khách du lịch. Từ ngày khánh thành, ngôi chùa đã đem lại sự khởi sắc về tiềm năng du lịch cho mảnh đất Cao Bằng. Có những ngày lượng khách đổ về Thác Bản Giốc đông hơn rất nhiều so với khách du lịch ở phía bên bờ Trung Quốc, đó là điều chưa từng có trong tiền lệ.

Hướng tới phát triển du lịch bền vững

Là thác nước lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nằm trên đường biên giới Việt – Trung, Thác Bản Giốc cũng là thác nước lớn thứ 4 thế giới có chung đường biên giới giữa các quốc gia. Môi trường Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao trong sạch là điều kiện thuận lợi để phát triển thành một khu du lịch danh lam thắng cảnh với quy mô lớn. Theo UBND huyện Trùng Khánh, lượng khách du lịch đến thăm quan ngày càng tăng, ước đạt hơn 50.000 lượt khách trong một năm, chỉ tính riêng năm 2014, khách du lịch ước tính đạt khoảng trên 60.000 lượt người.

Thiếu nữ Dân tộc Cao Bằng - một vẻ đẹp thuần khiết mà đất trời ban tặng cho người dân nơi đây.
Chùa phật tích Trúc lâm Bản Giốc tại Cao Bằng thu hút nhiều bà con phật tử, du khách tham quan dịp cuối năm.

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 134-QĐ-TTg ngày 17/8/2007 và Quyết định số 2284/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết khu trung tâm du lịch Thác Bản Giốc. Theo đó, Khu du lịch có quy mô khoảng 1.700 ha; phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng có quy mô 1.000 ha. Dự kiến đến năm 2020 sẽ đón khoảng 1.000.000 lượt khách/năm.

Đây sẽ là Khu du lịch có tiềm năng phát triển về du lịch và thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội rất lớn của tỉnh Cao Bằng. Kết hợp với phát triển du lịch với việc gìn giữ được các bản sắc văn hoá làng nghề, quảng bá được các đặc sản của địa phương.

Đoán trước được thời cơ, Huyện Trùng Khánh đã biết “đi tắt đón đầu”, tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục công trình. Chỉ đạo các cơ sở dịch vụ, lưu trú du lịch, chính quyền và nhân dân các điểm du lịch thực hiện văn hoá ứng xử trong hoạt động du lịch, làm tốt vệ sinh môi trường, quản lý cảnh quan thiên nhiên. Tập trung ưu tiên sự phát triển cho du lịch, dần đánh thức nghành “công nghiệp không khói” còn khá mới mẻ ở địa phương.

Phát triển du lịch bền vững, hiệu quả kinh tế - xã hội cao gắn với đảm bảo vững chắc an ninh- quốc phòng; đa dạng hoá sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn cho du lịch Trùng Khánh, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nông Thanh Tùng - Bí Thư huyện ủy Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho biết:

Về định hướng phát triển du lịch, huyện Trùng Khánh phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng phương án phân cấp quản lý, khai thác và phát triển du lịch, trong đó xây dựng và phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao tại Thác Bản Giốc và Động Ngườm Ngao xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Để tiến tới xây dựng thành tuyến tham quan du lịch trọng điểm của tỉnh Cao Bằng và trở thành sản phẩm Tour Du lịch đặc thù, có sức hấp dẫn cao của du khách đến với  tỉnh Cao Bằng nói chung và Trùng Khánh nói riêng; góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch để tiến kịp các địa phương trong khu vực.

 
Q.Cường - X.Thái