Đại sứ EU kể chuyện làm rể Việt Nam
Kết hôn với một phụ nữ Việt, Đại sứ Bruno Angelet sau khi kết thúc nhiệm kỳ làm đại sứ Bỉ tại Việt Nam lại tiếp tục “đầu đơn” vào vị trí Đại sứ EU vì như 3 con của ông thường nói đùa "quyền lực của mẹ rất lớn".
Đại sứ Bruno Angelet đã có một thời gian dài gắn bó với Việt Nam - Ảnh: Dương Ngọc
Gắn bó qua hai thế kỷ
Trước khi trở thành Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam vào cuối năm 2015, Đại sứ Bruno Angelet đã là Đại sứ Bỉ tại Việt Nam trong 4 năm. Và cách đây 20 năm, ông đã từng ở Việt Nam trong 4 năm với vai trò là Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Bỉ.
Nói tiếng Việt khá sõi, Đại sứ EU nhắc lại thời gian đầu tiên ở Việt Nam. Đó là vào năm 1994, khi lần đầu tiên ông đến sân bay Nội Bài, ông đã rất ấn tượng vì trên quãng đường đi từ sân bay về trung tâm thành phố trên chiếc taxi cũ hiệu Volga, ông thấy hai bên đường tối om, đồng không mông quạnh, thi thoảng mới thấy lác đác những ánh đèn dầu le lói hắt ra từ những ngôi nhà nhỏ thưa thớt trong các thôn xóm.
Với ông, Hà Nội lúc đó như một thế giới khác, kỳ lạ nhưng cũng rất thú vị, đặc biệt là những tòa nhà cổ từ thời Pháp thuộc với vẻ đẹp rất quyến rũ. Vào những ngày nghỉ, ông thường đạp xe qua cầu Long Biên, về vùng quê, đi chợ. "Lúc đó, vừa qua khỏi cầu Long Biên, sang bên kia sông Hồng đã là vùng thôn quê rồi, không nhiều nhà cao tầng như bây giờ. Đi chợ quê rất thú vị"- Đại sứ nói với vẻ tiếc nuối.
Đại sứ Bruno Angelet hồi tưởng về Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước
Đến vùng thôn quê, Đại sứ rất ấn tượng trước tinh thần lạc quan của những người dân nghèo và cảm thấy rõ họ rất hiếu kỳ muốn tìm hiểu thêm về những người nước ngoài, về thế giới bên ngoài.
Người dân lúc đó gặp ông ai cũng tưởng là người Liên Xô, trẻ con mỗi lần nhìn thấy Đại sứ đều kêu to "Liên Xô, Liên Xô". Những người dân ông gặp thường hỏi ông là ai, đến từ đâu, làm gì, lương bao nhiêu, trả tiền nhà bao nhiêu… đến mức ông từng nghĩ phải mặc một chiếc áo có in tất cả những câu trả lời ấy lên người mới thỏa mãn được lòng hiếu kỳ của mọi người về mình. Đại sứ cảm nhận lúc đó, Việt Nam mới mở cửa quan hệ với các nước phương Tây, giống như một người vừa tỉnh giấc sau một thời gian chìm trong giấc ngủ, bắt đầu mở cửa, cởi mở với bên ngoài, người dân rất tò mò và say sưa tìm hiểu thông tin về những yếu tố nước ngoài.
“Bây giờ thì đã khác, người Việt Nam đã quá quen với những yếu tố nước ngoài, không còn tò mò với những người nước ngoài như thế nữa và đời sống cũng tốt hơn, họ đã quen với những thiết bị như ti vi, xe máy, tủ lạnh…” - Đại sứ nhận xét.
Tuy nhiên, Đại sứ vẫn rất vui khi nhớ về một Hà Nội nghèo khó cách đây 20 năm. Khi đó, hiếm hoi mới có một nhà có vô tuyến truyền hình. Mỗi khi có World Cup, người dân Hà Nội tập trung ngồi xem ti vi tràn cả ra đường, hò reo rất vui vẻ. “Không khí đó rất thích” - Đại sứ Bruno Angelet hồi tưởng.
Đại sứ EU cùng đại sứ các nước châu Âu bên Hồ Gươm trong một sự kiện trước Tết Bính Thân
Ông cũng rất ấn tượng với những người lao động Việt Nam, mặc dù nhiều người không được học cao nhưng rất thông minh, nhanh nhạy và rất khéo tay. Một ví dụ cụ thể, trước đó, khi ông làm việc ở Luanda (Angola, châu Phi), khi ông mua ghế của cửa hàng nội thất ở Bỉ, một nhân viên bảo vệ của sứ quán muốn giúp ông lắp ráp chiếc ghế nhưng dù đã có bản vẽ hướng dẫn, anh này vẫn loay hoay không biết cách ráp. Trong khi đó, khi ông đến Việt Nam, chị giúp việc đã lắp ráp chiếc ghế này rất nhanh mà không cần đến sơ đồ. “Một ví dụ nữa là tre. Tre có rất nhiều ở Việt Nam cũng như ở Angola nhưng chỉ ở Việt Nam, tre được sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau như làm thức ăn, làm giấy, làm bánh xe nước…” - Đại sứ phân tích.
Là người đã sống ở Hà Nội đủ lâu để cảm nhận nhịp điệu cuộc sống nơi đây, Đại sứ chia sẻ tình yêu của ông với bãi giữa sông Hồng, nơi mà ông miêu tả là có một vẻ đẹp “thực sự tuyệt diệu” với thiên nhiên, cây cỏ, sông nước… Ông yêu sự cổ kính của Hà Nội với những ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp, với “36 phố phường” cùng bề dày lịch sử, những hàng cây cổ thụ… những điều tạo nên sự quyến rũ của Hà Nội, điều mà “không thành phố nào ở Đông Nam Á có được”.
"Chàng rể" Việt Nam
Kết hôn với một phụ nữ Việt, Đại sứ Bruno Angelet cho biết những năm gần đây thường ăn Tết ở Việt Nam. Ông chia sẻ khi ông kết thúc nhiệm kỳ làm Đại sứ Bỉ tại Việt Nam, các con ông đã quen với môi trường và bạn bè ở nơi đây nên đã nói với mẹ mong muốn tiếp tục ở lại Việt Nam và mẹ nói “sẽ bàn bạc với bố”. Sau khi bàn bạc với phu nhân, Đại sứ đã quyết định “đầu đơn” vào vị trí Đại sứ EU và sau đó đã được chấp thuận. Vì thế, 3 con của ông thường nói đùa: "Quyền lực của mẹ rất lớn".
Đại sứ Bruno Angelet đi chợ Tết
Vào những ngày Tết, Đại sứ Angelet cho biết ông dành phần lớn thời gian cho gia đình, con cái, họ hàng… Cả gia đình cùng nhau xem những bộ phim yêu thích, đi dạo. Thời gian rảnh, ông đọc sách và thư giãn. Có một điều đặc biệt mà “chàng rể” Việt Nam yêu thích ở Tết Nguyên đán là truyền thống gia đình quây quần cùng nhau đón giao thừa. “Gia đình bên thông gia của tôi vẫn giữ truyền thống này. Mọi người trong gia đình chuẩn bị cỗ, tắm rửa sạch sẽ, quây quần cùng nhau trong đêm 30 Tết để chờ đến thời khắc giao thừa cùng đón năm mới, đó là thời điểm tôi rất yêu thích” - Đại sứ Angelet chia sẻ.
Kỷ niệm đáng nhớ về ngày Tết có lẽ là lần đầu tiên ông được nhờ đi “xông nhà” trong cái Tết đầu tiên ở Việt Nam. Lúc đó, chị giúp việc đã mời ông đến xông nhà sau đêm giao thừa với hy vọng sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho gia đình mình trong năm mới. Lúc đó, ông đã rất ngạc nhiên và ấn tượng vì phong tục đó. Đến hôm nay, những phong tục như hái lộc đầu xuân, xông nhà, tránh vào nhà nhau trong ngày đầu năm nếu như không có sự chuẩn bị trước những điều kiêng kỵ trong ngày đầu năm, đi lễ chùa dù không theo đạo Phật… không còn xa lạ với Đại sứ vẫn rất “bí ẩn” và hết sức thú vị.
Là người yêu vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội, Đại sứ đặc biệt thích đi dạo cùng người thân vào sáng mồng một Tết trên những con phố vắng vẻ khác hẳn ngày thường. Các món ăn đặc trưng ngày Tết như nem rán, bánh chưng rán ăn với xì dầu… cũng là món ăn yêu thích của ông. Chưa bao giờ ăn Tết ở vùng nông thôn, ông dự định một dịp Tết nào đó sẽ về một vùng quê, nhất là vùng miền núi để được sống trong không khí Tết của những người dân vùng sâu, vùng xa, những điều đến nay ông mới chỉ biết qua truyền hình.
Theo Dương Ngọc
NLĐ