Cúc họa mi, hướng dương khoe sắc ở Gia Lai "hút" khách check-in

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Cúc họa mi, hướng dương, tam giác mạch… vốn là biểu tượng miền Bắc nhưng lại được người nông dân ươm mầm ở Gia Lai. Dịp đầu năm, nhiều cánh đồng hoa khoe sắc hút du khách đến check-in.

Những ngày này, gia đình ông Lê Văn Thiết (SN 1960, hẻm 227 Ngô Quyền, thôn 1, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) đang tất bật chăm sóc vườn hoa với đủ sắc màu.

Ông Thiết cho biết, nhiều năm nay, gia đình thường chọn các giống hoa từ miền Bắc như cúc họa mi, tam giác mạch về trồng trong vườn.

Gia-lai_hoa-khoe-sac-ở-Cao-nguyen_Chi-Anh.jpg

Nhiều nhà nông mạnh dạn trồng các loại hoa xuất xứ từ miền Bắc trên vùng cao nguyên để người dân chiêm ngưỡng, chụp ảnh (Ảnh: Chí Anh).

Năm nay, ông Thiết xuống giống gần 5.000 cây cúc họa mi trên diện tích gần 2 sào. Ngoài cúc họa mi, ông còn trồng thêm các loại hoa như cúc bất tử, cúc bách nhật, hoa cải, hoa giấy… để du khách thêm lựa chọn khi tham quan.  

Vì các loại hoa xuất xứ từ miền Bắc nên khi trồng ở Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn. Để hoa nở đúng vào dịp đầu năm, ông Thiết phải thắp điện vào ban đêm trong suốt 1 tháng đầu cho cây sinh trưởng, phát triển.

Sau 3 tháng cần mẫn, vườn họa mi đã bắt đầu hé nụ. Dịp đầu xuân, ông Thiết đã mở cửa để người dân trong vùng đến thưởng thức, check-in.  

Gia-lai_hoa-khoe-sac-ở-Cao-nguyen_Chi-Anh.jpg

Vườn hoa cúc họa mi của ông Thiết khoe sắc đúng dịp đầu xuân (Ảnh: Chí Anh).

"Tôi trồng vườn hoa này với mong muốn tạo thêm nhiều điểm đến cho du khách thưởng lãm dịp đầu năm. Để trồng những vườn hoa như thế này, cần rất nhiều đam mê và chi phí phân, giống... Sau nhiều thất bại, tôi rất phấn khởi vì hoa nở đều, đẹp vào đúng dịp để người dân chiêm ngưỡng, chụp ảnh", ông Thiết cho hay.

Ông Thiết thổ lộ, khí hậu Pleiku mát mẻ, nhiều thời điểm khá lạnh, phù hợp với cúc họa mi. 

Gia-lai_hoa-khoe-sac-ở-Cao-nguyen_Chi-Anh.jpg

Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách check-in ở khu vườn nhỏ của gia đình ông Thiết (Ảnh: Chí Anh).

Vườn hoa của ông Thiết đón hàng trăm lượt khách tham quan, chụp ảnh. Chị Lê Ngọc Hân (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hào hứng: "Tôi thường thấy cúc họa mi ở Hà Nội, còn Gia Lai thì chưa thấy ai trồng. Nay có vườn hoa đẹp lạ nên chị em không phải lặn lội ra miền Bắc để chụp ảnh, chiêm ngưỡng". 

Tương tự, ông Lê Văn Trường cũng tận dụng vài sào đất trong Công viên Đồng Xanh (thuộc địa phận xã An Phú, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) để trồng vườn hoa hướng dương, hoa cánh bướm, tam giác mạch…

Gia-lai_hoa-khoe-sac-ở-Cao-nguyen_Chi-Anh.jpg

Tận dụng mảnh đất nhỏ, ông Trường trồng gần 1.000 gốc hoa hướng dương và hoa tam giác mạch (Ảnh: Chí Anh).

Ông Trường cho hay: "Tôi thường chọn các loại hoa độc, lạ xuất xứ từ miền Bắc về trồng. Tôi mong muốn mọi người không phải đi xa mà vẫn có cơ hội chụp ảnh chiêm ngưỡng hoa đẹp, lạ ở miền Bắc dịp đầu năm.

Năm nay, tôi đã xuống giống hơn 1.000 gốc hoa hướng dương để nhuộm vàng khắp công viên. Xen kẽ hoa hướng dương là những đồi hoa cánh bướm, hoa tam giác mạch…

"Năm nay, hoa nở đúng thời gian và màu sắc bông rực rỡ, tươi mới. Niềm vui của tôi là chiêm ngưỡng vườn hoa "đơm hoa, kết trái" và cũng là địa điểm cho du khách dạo chơi dịp đầu năm mới", ông Trường cho hay.

Gia-lai_hoa-khoe-sac-ở-Cao-nguyen_Chi-Anh.jpg

Du khách rộn ràng chụp ảnh ở cánh đồng hoa tại Công viên Đồng Xanh (Ảnh: Chí Anh).

Phụ họa cho vườn hoa là cảnh quan công viên mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên gắn với văn hóa tâm linh, hướng về cội nguồn. Đặc biệt trong công viên còn có tượng Quốc tổ Hùng Vương uy nghiêm, tạc bằng gỗ cao 6m, nặng gần 3 tấn, trước điện thờ là tượng 18 vua Hùng uy nghi.

Gia-lai_hoa-khoe-sac-ở-Cao-nguyen_Chi-Anh.jpg

Cánh đồng hoa hướng dương nở đúng dịp đầu năm (Ảnh: Chí Anh).

Khu văn hóa các dân tộc được đầu tư bài bản với kiến trúc bản địa như: nhà rông, nhà dài, nhà sàn, kho lúa, nhà mồ, nhạc cụ T'rưng nước và hàng trăm bức tượng mô phỏng cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.