Cơn "thịnh nộ" kinh hoàng của ngọn núi lửa “chết chóc” nhất thế giới

(Dân trí) - Tambora là một trong những núi lửa nguy hiểm nhất thế giới, nằm ở Indonesia. Năm 1815, ngọn núi này phun trào dữ dội khiến ít nhất 71,000 người thiệt mạng, đồng thời thiết lập “con số buồn” trong sách kỷ lục Guiness.

Lịch sử kinh hoàng của ngọn núi lửa “chết chóc” nhất thế giới

Hơn 200 năm trôi qua kể từ ngày núi lửa Tambora ở Indonesia phun trào dữ dội, dẫn tới cái chết của hàng chục nghìn người và gây rối loạn trên phạm vi toàn cầu. Theo sách kỷ lục thế giới Guiness, đây là ngọn núi lửa chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại. Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, du khách vẫn có thể dạo chơi xung quanh ngọn núi nổi tiếng này.

Cơn "thịnh nộ" kinh hoàng của ngọn núi lửa “chết chóc” nhất thế giới - 1

Tambora là núi lửa dạng tầng trên đảo Sumbawa, Indonesia. Ngọn núi có độ cao khoảng 2,770m so với mực nước biển. Vụ phun trào dữ dội năm 1815 khiến khoảng 10,000 người chết ngay lập tức, hơn 70,000 người chết do hậu quả khí hậu nó để lại. Thảm họa tự nhiên này còn dẫn tới sóng thần khủng khiếp và nạn đói tràn lan.

Thảm kịch kinh hoàng trong 72 giờ

Khó lòng ngờ được, thảm họa núi lửa lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại chỉ diễn ra trong vòng 72 giờ.

Cơn "thịnh nộ" kinh hoàng của ngọn núi lửa “chết chóc” nhất thế giới - 2

Tambora bắt đầu phun trào ngay trước thời điểm mặt trời lặn vào ngày 5/4/1815, và tiếp tục các ngày sau đó. Theo các tài liệu ghi lại, người ta có thể nghe thấy tiếng nổ phát ra từ tận Sumatra – địa điểm cách nơi phun trào tới 2,600 km. Đá nóng tan chảy bắn lên bầu trời tới hơn 40km, tạo nên tấm màn tro dày trải rộng trên 1 triệu km2. Tổng cộng khoảng 140 tỷ tấn đá, tro và mảnh vỡ bắn lên trời rồi rơi xuống. Những mảnh vỡ này đổ xuống biển với khối lượng khổng lồ, tạo nên hiện tượng sóng thần chết người cao tới 4m.

Cơn "thịnh nộ" kinh hoàng của ngọn núi lửa “chết chóc” nhất thế giới - 3

Sức công phá của thảm họa này kinh khủng tới mức khiến nhiệt độ toàn cầu giảm từ 0,4 đến 0,7 độ C. Một năm sau, nhiều khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ thậm chí không có mùa hè, với mùa đông ảm đạm kéo dài lê thê. Đám tro bụi che phủ bầu trời khiến năm 1816 trở thành năm lạnh thứ 2 trong lịch sử nhân loại. Nạn đói xảy ra từ châu Âu tới Bắc Mỹ.

Điều kỳ lạ trong lịch sử xảy ra khi dòng sông Pennsylvania cũng bị ảnh hưởng, đóng băng vào tháng 8 – thời điểm được coi là mùa hè trong năm. Thảm họa núi lửa ảnh hưởng tới môi trường, mùa màng, kéo theo số người chết vì nạn đói tới hàng chục nghìn người.

Cơn "thịnh nộ" kinh hoàng của ngọn núi lửa “chết chóc” nhất thế giới - 4

Trước đó, Tambora từng có chiều cao tương đương với Mont Blanc (khoảng 4,810m), nhưng sau vụ phun trào dữ dội đỉnh điểm năm 1815 đã bị thổi bay đỉnh núi. Ngày nay, chiều cao chính xác của nó là 2,722m, với miệng núi sâu 1100m.

Top 10 vụ phun trào núi lửa tàn khốc nhất trong lịch sử

Khám phá vẻ đẹp của Tambora ngày nay

Hơn 200 năm trôi qua kể từ sau thảm họa chết chóc, Tambora ngày nay dù hùng vĩ dữ dội, nhưng vẫn mang vẻ đẹp bình yên. Khu vực hiện tại gọi là Vườn quốc gia núi Tambora, là địa điểm lý tưởng để leo núi và cắm trại. Thậm chí du khách có thể leo tới rìa và đi xuống miệng sâu của núi lửa.

Cơn "thịnh nộ" kinh hoàng của ngọn núi lửa “chết chóc” nhất thế giới - 5

Các nhà khảo cổ cũng quan tâm tới khu vực này. Họ nhiều lần tới phác thảo lại những khu làng gần Tambora từng bị tàn phá hủy diệt trong năm 1815.

Cơn "thịnh nộ" kinh hoàng của ngọn núi lửa “chết chóc” nhất thế giới - 6

Khách du lịch cũng có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên của hòn đảo không người ở Moyo gần đó với những loài thú hoang như lợn rừng, hoẵng, và các thác nước ấn tượng.

Việt Hà

Theo DM, IP