Chịu cú "đánh bồi" bởi đại dịch, du lịch Hội An tìm cách "vượt khó"

Công Bính – Ngô Linh

(Dân trí) - Hậu Covid-19, du lịch Hội An thiệt hại nặng nề, là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố với hơn 70% dân số làm du lịch, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội nơi đây.

Ngày 2/10, thành phố Hội An đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ - thương mại, tiểu thủ công nghiệp… nhằm lấy ý kiến góp ý, cùng bàn giải pháp tìm cách tháo gỡ khó khăn về kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19, nhất là du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng lớn của thành phố Hội An.

Chịu cú đánh bồi bởi đại dịch, du lịch Hội An tìm cách vượt khó - 1

TP Hội An gặp gỡ đối thoại với các doanh nghiệp

Theo báo cáo của TP Hội An, giá trị sản xuất toàn thành phố 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 5.896 tỷ đồng, bằng 47,41% so với cùng kỳ và đạt 32,27% kế hoạch năm.

Trong đó, nhóm ngành du lịch - dịch vụ - thương mại ước đạt 2.806 tỷ đồng, bằng 30,54% so với cùng kỳ và đạt 20,8% kế hoạch năm.

Chịu cú đánh bồi bởi đại dịch, du lịch Hội An tìm cách vượt khó - 2

Hội An lấy ý kiến doanh nghiệp, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về kinh tế - xã hội của địa phương sau dịch

Tổng lượt khách đến Hội An trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 840 ngàn lượt, bằng 19,02% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách mua vé tham quan khu di sản 387.576 lượt, bằng 20,3% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú 371.700 lượt, bằng 25,63% so với cùng kỳ.

Công suất sử dụng phòng chỉ đạt 17,48%. Tổng doanh thu toàn ngành du lịch ước đạt 722 tỷ đồng, bằng 20% so với cùng kỳ.

Khách quốc tế lưu trú tại Hội An hiện nay chủ yếu là khách du lịch và các chuyên gia đến Quảng Nam, Đà Nẵng làm việc còn ở lại Việt Nam chưa về nước được hoặc không muốn về nước vì lo ngại tình hình dịch bệnh.

Chịu cú đánh bồi bởi đại dịch, du lịch Hội An tìm cách vượt khó - 3

Hội An sẽ có những chấn chỉnh về các dịch vụ trong khu phố cổ, vấn đề môi trường, an ninh, an toàn, hạ tầng du lịch... sẵn sàng đón khách

Khách nội địa từ các địa phương khác đến Hội An vào tháng 1-2 khi chưa bùng phát dịch bệnh và tháng 6,7 giữa hai lần dịch bệnh, chủ yếu khách đến từ các thị trường gần như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tam Kỳ, vào các dịp lễ và cuối tuần, một số ít đến từ TPHCM và Hà Nội.

Gần như tất cả các doanh nghiệp du lịch đều ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân viên và chuyển sang hợp đồng làm việc theo ngày để giảm tối đa chi phí.

Chịu cú đánh bồi bởi đại dịch, du lịch Hội An tìm cách vượt khó - 4

Thành phố cũng đã có thư ngỏ đến các hộ kinh doanh dịch vụ mở cửa trở lại đón khách để tạo sức sống cho phố cổ

Các doanh nghiệp du lịch càng khó khăn hơn sau làn sóng thứ 2 của dịch bệnh tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

Vào giữa tháng 5 đến cuối tháng 7/2020 một số cơ sở lưu trú có quy mô lớn đã khởi động, hoạt động trở lại những kết quả hoạt động không như mong đợi, chỉ đón được khách du lịch đến lưu trú vào cuối tuần, hiệu quả hoạt động kinh doanh không có, thậm chí có đơn vị thua lỗ.

Theo ông Phan Xuân Thanh (Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam), Hội An cần xây dựng một kịch bản chống dịch hiệu quả trong du lịch, tránh những thiệt hại nặng nề như trong hai lần bùng phát vừa qua. Hiện nay khách còn ít, đây là thời cơ tốt để thành phố chấn chỉnh lại các hoạt động mua bán, quản lý đô thị di sản, hạ tầng cơ sở, vệ sinh… sẵn sàng “dọn nhà” sạch sẽ, an toàn chào đón khách.

Chịu cú đánh bồi bởi đại dịch, du lịch Hội An tìm cách vượt khó - 5

Các chính sách miễn giảm vé, khuyến mãi… cũng sẽ được lấy ý kiến từ thực tế, trình UBND tỉnh phê duyệt

Hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp du lịch hiện nay là cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch khi đưa ra thông điệp, có tiếng nói chung, tạo sự kích cầu mạnh mẽ thu hút khách.

Thị trường truyền thống cần thời gian dài hồi phục, nên việc làm hiện nay cần chuẩn bị kịch bản ngắn trước mắt thu hút khách nội địa, nhất là những tỉnh thành gần Quảng Nam.

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khách Việt, cần có sản phẩm đặc trưng, riêng biệt, nhất là kinh tế đêm, sẽ là tiềm năng lớn cho Hội An.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền nhà nước trong hỗ trợ, cùng doanh nghiệp vượt khó; đồng thời chấn chỉnh lại hoạt động của các homestay, villa, các hoạt động dịch vụ trong phố cổ, phố đêm, nạn ăn xin…

Chịu cú đánh bồi bởi đại dịch, du lịch Hội An tìm cách vượt khó - 6

Hiện nay nhiều nhà hàng, khách sạn, quán xá... cũng đã có những chương trình khuyến mãi riêng thu hút khách, nhưng còn chưa đồng bộ. Hội An cần có sản phẩm riêng, đặc sắc cạnh tranh với các địa phương

Bên cạnh đó là các chính sách kích cầu, combo khuyến mãi, miễn giảm vé phù hợp tình hình thực tế để thu hút khách, cạnh tranh được với các điểm đến khác và phải có sự độc đáo riêng.

Hiện nay đang thịnh hành trào lưu tại các điểm du lịch trên thế giới là “người địa phương đi du lịch địa phương”, có thể kêu gọi để mọi người cùng ủng hộ, kích cầu lại, tạo sức sống cho du lịch Hội An vượt qua mùa dịch.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch TP Hội An cho hay, Hội An quyết tâm giữ thành quả chống dịch đã đạt được, đảm bảo đời sống xã hội trong thời “bình thường mới”, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Hiện nay Hội An đã có nhiều phương án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng du lịch, chấn chỉnh lại hoạt động khu phố cổ, chợ đêm, hoạt động chèo đò du lịch sông Hoài, các bến bãi đỗ xe…

Thời gian tới sẽ hướng đến phát triển Cẩm Kim thành điểm du lịch sinh thái yên tĩnh, bền vững, đặc sắc riêng trong tương lai; mục tiêu phát triển nông nghiệp Hội An, nhất là những cánh đồng lúa thành nơi vừa sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch; phát triển du lịch biển, các vùng ven thành phố; thúc đẩy kinh tế đêm….

“Việc cấp bách là tái cơ cấu lại thị trường du lịch, liên kết với các địa phương phát triển du lịch nội địa thời gian tới, và xa hơn là liên kết thị trường quốc tế, đón đầu các cơ hội khi dịch bệnh được kiểm soát. Chính quyền Hội An sẽ cố gắng hết sức hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị du lịch, người lao động… để phục hồi, tháo gỡ khó khăn sau dịch”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm