Chính sách thị thực “không giống ai” gây khó cho du lịch Việt
(Dân trí) - “Với chỉ có 24 quốc gia được miễn thị thực, Việt Nam đang tụt lại phía sau hầu hết các quốc gia ASEAN. Các nước ASEAN thường miễn thị thực 30 đến 90 ngày cho du khách, trong khi Việt Nam chủ yếu chỉ miễn thị thực trong 15 ngày, ngắn hơn cả thời gian trung bình một tour du lịch...”
Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam Hoàng Nhân Chính liệt kê những “điểm lạ lùng” trong chính sách thị thực của Việt Nam, gây khó cho các doanh nghiệp du lịch và gây “nhiêu khê” cho du khách…
Miễn thị thực là động lực mạnh mẽ cho phát triển du lịch
Vừa qua, diễn đàn kinh tế thế giới công bố báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành năm 2017 có nêu cảnh báo chính sách thị thực (visa) hiện đang là rào cản với sự phát triển của “ngành công nghiệp không khói” tại Việt Nam. Được biết, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) rất chia sẻ với quan điểm này. Là Trưởng Ban thư ký của TAB, đánh giá của cá nhân ông với nhận định này?
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 thì năng lực cạnh tranh du lịch & lữ hành Việt Nam đang xếp hạng 67 trên 136 nước, trong đó 3 nhóm chỉ số xếp hạng thấp nhất là: (i) Sự bền vững của môi trường (xếp hạng 129/136); (ii) Các yêu cầu về visa (116/136); (iii) Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch (113/136).
Để cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch thì chúng ta cần tập trung để cải thiện 3 vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, việc cải thiện chính sách visa sẽ dễ thực hiện được ngay vì không đòi hỏi nguồn lực tài chính, thời gian thực hiện như các vấn đề còn lại.
Cũng trong năm 2017, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân, chúng tôi đã thay mặt cho TAB và Tổ Du lịch của diễn đàn để trình bày về 3 điểm nghẽn đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam, đó là: a) Chương trình quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia; b) Chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam và c) Cải thiện môi trường du lịch trở thành điểm đến “sạch, thân thiện và an toàn”. Chúng tôi đã nhấn mạnh, việc cải thiện chính sách visa sẽ là then chốt và là động lực để tháo gỡ các điểm nghẽn còn lại.
Câu chuyện thị thực gây khó cho du lịch từng được đặt ra mấy năm trước (khoảng cuối năm 2014 đến 2015) khi lượng khách du lịch vào Việt Nam giảm mạnh. Và những đề xuất tháo gỡ những cản trở từ chính sách thị thực đã được khơi lên. Ông có cho rằng, chính động thái dỡ bỏ, nới lỏng hệ thống thị thực khi đó đã đem lại kết quả khả quan cho ngành du lịch Việt Nam năm qua?
Ngành du lịch Việt Nam đã kết thúc năm 2017 với những thành tích ấn tượng khi đạt mức tăng trưởng cao chưa từng thấy là gần 30%, với việc đón hơn 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Như vậy, so với năm 2015, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng hơn khoảng 5 triệu lượt khách, tương đương mức tăng trưởng khoảng 64%.
Đây là kết quả đáng tự hào của ngành du lịch, đã vượt mức chỉ tiêu mà Chính phủ đã giao cho ngành du lịch cần phấn đấu trong năm 2017. Điều đáng mừng nhất là sự tăng trưởng cao liên tục trong hai năm 2016-2017 đạt được sau hai năm sụt giảm tăng trưởng trong thời gian trước đó.
Sự tăng trưởng của ngành du lịch có được là nhờ những nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch, nhờ những văn bản chính sách mới của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành tạo sự thông thoáng hơn cho với sự phát triển của du lịch Việt Nam, trong đó việc miễn thị thực cho các nước Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Nga và năm nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý) là động lực mạnh mẽ để tạo đà cho sự phát triển này.
Mất 9,2 triệu USD phí visa, thu lại 54 triệu USD từ khách du lịch
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng đề xuất việc miễn thị thực cho công dân nhiều nước, trong đó có cả việc miễn thị thực đơn phương với những thị trường khách hàng du lịch trọng điểm của Việt Nam nhưng phía Bộ Ngoại giao không tán thành. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo chúng tôi được biết thì Bộ Ngoại giao chưa tán thành việc miễn thị thực đơn phương, mà muốn thực hiện chính sách miễn thị thực song phương dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, phía Bộ cũng cho rằng, việc đơn phương miễn thị thực còn làm giảm nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước.
Chúng tôi nhận định rằng, thị thực nhập cảnh là một trong những chính sách của Chính phủ có tác động lớn nhất đến lưu lượng du lịch quốc tế. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và lưu lượng khách du lịch quốc tế, nhiều quốc gia đang từng bước mở rộng diện miễn thị thực để có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường.
Chúng ta có thể thấy rõ rằng, chương trình miễn thị thực du lịch KHÔNG phải là có đi có lại. Điều này đặc biệt đúng ở khu vực Đông Nam Á. Thái Lan miễn thị thực cho 57 nước, nhưng công dân Thái Lan chỉ được miễn thị thực đến 46 nước. Indonesia miễn thị thực cho 168 nước, nhưng công dân Indonesia chỉ được miễn thị thực đến 40 nước. Philippines miễn thị thực cho 159 nước, nhưng công dân Philippines chỉ được miễn thị thực đến 41 nước. Tuy nhiên, các quốc gia này đều nhận ra lợi ích đáng kể của việc tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực trong một thị trường có nhiều cạnh tranh.
Theo nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Du lịch về tác động của việc miễn thị thực cho 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý là quyết định này đã giúp ngành du lịch có thêm 10,1% tăng trưởng.
Ví dụ, lượng khách du lịch Úc đến Việt Nam trong năm 2017 là khoảng 370,000 người. Nếu miễn thị thực thì sẽ làm giảm nguồn thu từ visa khoảng 9,2 triệu USD. Tuy nhiên số khách du lịch Úc có thể tăng thêm khoảng 37,000 người. Mỗi khách Úc chi tiêu trung bình khoảng 1,470 USD khi đi du lịch Việt Nam. Vậy chúng ta sẽ thu tăng thêm khoảng 54 triệu USD.
Như vậy có thể thấy rằng, việc đơn phương miễn thị thực KHÔNG làm giảm nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước, mà ngược lại, còn làm tăng nguồn thu cho nhà nước và cho xã hội. Ngoài ra, sự tăng trưởng của du lịch sẽ có tác động lan tỏa sang các ngành kinh tế khác như hàng không, xuất nhập khẩu và tạo thêm việc làm trong xã hội.
Chính sách thị thực "không giống ai"
So sánh với nhiều nước trong khu vực, nhất là 6 nước Đông Nam Á có ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, nhiều ý kiến nhận xét chính sách thị thực của Việt Nam hiện “không giống ai”. Là một người trong ngành, ông nhìn nhận “nghịch lý” này thế nào?
Với chỉ có 24 quốc gia được miễn thị thực, Việt Nam đang tụt lại phía sau hầu hết các quốc gia ASEAN như Thái Lan miễn thị thực cho 57 quốc gia, còn Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines nơi mỗi nước miễn thị thực cho hơn 160 quốc gia.
Các nước Đông Nam Á này thường miễn thị thực từ 30 đến 90 ngày cho du khách, trong khi Việt Nam chủ yếu chỉ miễn thị thực trong 15 ngày cho du khách, ngắn hơn cả thời gian trung bình đi tour du lịch của du khách. Vì vậy nhiều khách quốc tế đi du lịch Việt Nam vẫn phải xin visa dài ngày mà không tận dụng được cơ hội miễn thị thực như ở các nước láng giềng. Chúng tôi đã khuyến nghị Chính phủ cần kéo dài thời gian miễn thị thực đến 30 ngày để thu hút khách từ thị trường xa, đó thường là những khách du lịch chi tiêu cao hơn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đề nghị Chính phủ áp dụng chương trình miễn thị thực lên 5 hoặc 10 năm để tránh sự xáo trộn cho du khách và công ty du lịch do phải chờ gia hạn từng năm.
Hơn nữa, chúng tôi nhận thấy, không có lợi ích hay giá trị gì trong việc quy định “Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày” và rào cản này nên được dỡ bỏ để khuyến khích khách du lịch đi bằng đường không lựa chọn Việt Nam như là một trung tâm trong chuyến đi đến nhiều nước khu vực Đông Dương hoặc Đông Nam Á.
Đây chính là những điểm “lạ lùng” và “không giống ai” trong chính sách thị thực của Việt Nam, là những quy định gây khó cho các doanh nghiệp du lịch và gây “nhiêu khê” cho du khách.
Được biết, mới đây TAB vừa trình Chính phủ đề xuất miễn thị thực thêm với công dân 6 nước Úc, New Zealand, Bỉ, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ. Danh sách các nước Việt Nam thực hiện chính sách miễn thị thực hiện vẫn còn rất khiêm tốn, tại sao không mở rộng diện này nhiều hơn nữa, thưa ông?
Trước mắt, TAB đề xuất với Chính phủ đề xuất miễn thị thực cho 6 nước là Úc, New Zealand, Bỉ, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ. Đây là những nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam và có tiềm năng tăng trưởng số lượng khách đến Việt Nam, có mức chiêu tiêu bình quân lượt khách cao từ 1.200 USD đến 1.600 USD, ít có nguy cơ đối với an ninh hay lưu trú bất hợp pháp tại Việt Nam và đã được trên 160 nước trên thế giới miễn thị thực.
Để tạo đột phá cho ngành du lịch phát triển một cách có chất lượng, để tạo thuận lợi tối đa cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thì mục tiêu đến năm 2020 chúng ta cần miễn thị thực cho trên 60 nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục có nghiên cứu sâu để đề xuất cho Chính phủ trong thời gian sớm nhất danh sách các nước cần miễn thị thực. Các nước cần được miễn visa sẽ phải đáp ứng các tiêu chí như: đang có nhiều khách du lịch đến Việt Nam hoặc có tiềm năng tăng trưởng số lượng khách đến Việt Nam, có mức chiêu tiêu bình quân lượt khách cao, ít có nguy cơ đối với an ninh hay lưu trú bất hợp pháp tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo