Chất thải của du khách trên tàu du lịch được xử lý thế nào?
(Dân trí) - Đã bao giờ bạn thắc mắc chất thải của du khách trên tàu du lịch sẽ được xử lý thế nào?
Hàng chục triệu người đi khắp thế giới bằng tàu du lịch mỗi năm, từ loại tàu kích thước nhỏ trung bình, tới tàu cỡ lớn có thể chứa hàng nghìn khách cùng lúc.
Nếu là một trong số 20 triệu khách mỗi năm sử dụng nhà vệ sinh trên tàu du lịch, đã bao giờ bạn thắc mắc chất thải sẽ được xử lý ra sao? Liệu nó được xả thẳng xuống đại dương, hay tích trữ ở bể chứa lớn, rồi xử lý tại một nơi khác?
Trước kia, chất thải trên tàu bị xả thẳng xuống biển. Đây cũng là lý do phương tiện du lịch này chịu nhiều chỉ trích bởi gây ô nhiễm môi trường đại dương.
Nhưng ngày nay, tàu du lịch phải tuân thủ theo luật hàng hải quốc tế rất nghiêm ngặt. Trong đó, công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu (MARPOL) bắt buộc tàu du lịch phải cách đất liền 5km trước khi xả nước thải đã qua xử lý.
Hiện tại, việc xử lý nước thải trên tàu không khác nhiều so với xử lý chất thải trên đất liền. Nó phải trải qua đủ quy trình, từ xử lý sinh học cho tới khử trùng.
Bà Natalie Vecchione, quản lý môi trường tại Carnival Cruise Line, một công ty du lịch tàu biển ở Mỹ, cho biết các tàu của hãng đều sử dụng hệ thống xử lý chất thải tiên tiến và có nhân viên giám sát môi trường đi cùng.
“Khi du khách xả nước trong nhà vệ sinh, nước thải được dẫn tới các hệ thống xử lý trên tàu, thiết kế tương tự như tại đất liền. Ngoài ra, các đơn vị xử lý được thiết kế và phê duyệt theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Tổ chức Hàng hải quốc tế. Chúng được lắp đặt, vận hành theo các hướng dẫn và quy trình chuẩn”, bà Natalie chia sẻ.
Nói một cách dễ hiểu hơn, khi du khách xả nước thải, chúng chạy thẳng tới nhà máy xử lý trên tàu, xử lý cho tới khi có thể uống được, sau đó sẽ bơm xuống đại dương tại vị trí cách xa đất liền.
“Tôn trọng và bảo vệ vùng biển cũng như môi trường là tôn chỉ của chúng tôi tại những điểm du khách ghé qua. Đây là điều cần thiết”, bà Natalie khẳng định.
Hoàng Hà
Theo Nzherald