Chàng sinh viên lập kỷ lục trượt tuyết tốc độ nhất tới Nam Cực

(Dân trí) - Parker Liautaud, 19 tuổi, một sinh viên người Anh vừa hoàn thành hành trình trượt tuyết thám hiểm Nam Cực với quãng đường 560km chỉ trong vòng 18 ngày. Parker đã lập kỷ lục trượt tuyết tốc độ nhất tới xứ lạnh này.

Parker Liautaud đã hoàn thành hành trình trượt tuyết của mình đến Nam Cực chỉ trong 18 ngày

Parker Liautaud đã hoàn thành hành trình trượt tuyết của mình đến Nam Cực chỉ trong 18 ngày

Với nỗ lực “về đích” sau khi xuất phát từ bờ biển châu Nam Cực vào ngày 3/12, Parker đã phá kỷ lục mà một phụ nữ gốc Nauy đã lập khi cô trượt tuyết tới châu Nam Cực vào năm 2011 trong khoảng thời gian là 24 ngày.

Parker cũng là người đàn ông trẻ nhất thế giới hoàn thành chặng đường đầy thách thức này.

Trên đường đi, Parker và người bạn đồng hành của anh, Doug Stoup, đã phải vượt qua một dãy núi cũng như đối mặt với thời tiết rất khắc nghiệt khiến họ bị đau lưng và dị ứng ngoài da. Chế độ ăn uống không đảm bảo trong suốt chuyến đi cũng khiến cậu gầy đi trông thấy.

Parker và bạn đồng hành Doug trên đường tới Nam Cực

Parker và bạn đồng hành Doug trên đường tới Nam Cực

Nhà thám hiểm còn kể lại cảm giác mệt mỏi và “rùng mình” khi phải đi bộ ở khu vực cách mặt nước biển tới 2.622m.

Không những thế, Parker còn phải kéo một chiếc xe trượt băng nặng khoảng 82kg chất đầy vật dụng mang theo như thực phẩm, quần áo, dụng cụ để căng lều và một số thiết bị viễn thông. Mỗi ngày cậu phải đi khoảng 30km trong vòng 12 giờ và tiêu tốn tới 6,000kalo.

Tuy nhiên, giờ đây Parker cảm thấy rất vui vì mình đã kết thúc chuyến đi của mình một cách thành công. Parker tâm sự, chuyến đi là một sự thử thách về sự kiên trì, bền bỉ và nỗ lực vượt qua khó khăn.

“Tôi thật may mắn khi có cơ hội để tham gia cuộc thám hiểm này. Điều đó thật là tuyệt vời,” chàng trai trẻ vui mừng chia sẻ.

Parker còn phải kéo một chiếc xe trượt băng nặng khoảng 82kg

Parker còn phải kéo một chiếc xe trượt băng nặng khoảng 82kg

Chàng sinh viên 19 tuổi cho biết điều thôi thúc cậu thực hiện hành trình từ bờ biển châu Nam Cực đến Nam Cực chính là khát khao được khám phá thêm về tự nhiên để nâng cao hiểu biết của mình về biến đổi khí hậu, chứ không phải là để rèn luyện thể chất.

Parker và người bạn đồng hành Doug Stoup đã thu thập các mẫu tuyết để tìm hiểu về hợp chất đồng vị Oxy ở độ sâu khác nhau để hiểu rõ hơn về vòng tuần hoàn nước cũng như tác động của biến đổi khí hậu lên vùng đất Nam Cực.

Có lẽ một trong những khó khăn lớn nhất với hai người là vượt qua dãy núi Trans-Antarctic, nơi là “ngôi nhà” của đỉnh núi Kirkpatrick cao 4.528m.

Parker đã thu thập các mẫu tuyết để tìm hiểu về tác động của biến đổi khí hậu đối với Nam Cực

Parker đã thu thập các mẫu tuyết để tìm hiểu về tác động của biến đổi khí hậu đối với Nam Cực

Trước khi bắt đầu cuộc thám hiểm, Parker đã rất tích cực tập các bài thể dục cơ bắp, chạy trên quãng đường dài, kéo bánh xe ô tô để tăng khả năng chịu đựng và sức dẻo dai của cơ thể. Thậm chí, cậu còn ngủ một đêm tại cái lán nhỏ mà cậu dựng lên gần Cầu Tháp London để thử thách khả năng chịu lạnh của mình. Túp lều nhỏ phủ đầy tuyết phía trong giống như một Nam Cực thu nhỏ.

Parker, sinh viên năm thứ hai của trường Đại học Yale,đã tham gia nhiều buổi diễn thuyết về các vấn đề môi trường ở các sự kiện lớn.Cậu cũng đã tới Bắc Cực ba lần và thực hiện một số nghiên cứu khoa học cho Cơ quan Nguyên tử Quốc tế và Trường Đại học Alberta, Canada.


Phương Nam
Theo DM