Cặp voọc xám bạc sinh con lông vàng gây sốt mạng, Thảo Cầm Viên "giải oan"
(Dân trí) - Hình ảnh "gia đình voọc" tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, khi voọc con có bộ lông màu vàng chóe khác hẳn màu xám bạc của bố mẹ.
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao cặp voọc màu xám bạc tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1, TPHCM) sinh ra voọc con có bộ lông vàng chóe khác hẳn bố mẹ.
Đáng chú ý, chuồng bên cạnh là nơi sinh sống của cặp vượn đen má hung, trong đó một cá thể có bộ lông màu vàng giống voọc con.
Nhiều du khách đến Thảo Cầm Viên hài hước cho rằng voọc con sơ sinh là "con lai" của hai loài, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Nhiều bài viết trên mạng xã hội thu hút hàng chục nghìn lượt yêu thích và bình luận.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật thuộc Công ty TNHH Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho biết điểm thú vị của voọc bạc trưởng thành là chúng có màu lông xám bạc và màu da đen tuyền.
Voọc bạc sống theo bầy đàn, có con đực dẫn đầu. Con đực thống trị sẽ giao phối với những con cái trong đàn. Voọc con sơ sinh lại mang sắc lông vàng và làn da hơi sáng màu hơn bố mẹ.
"Màu sắc của voọc con sẽ biến đổi theo độ tuổi", ông Trực nói.
Cá thể voọc từ 6 tháng tuổi sẽ dễ dàng nhận thấy sự thay đổi màu sắc. Lông của chúng chuyển dần từ vàng sang xám bạc, thường bắt đầu từ lông 2 tay, 2 chân và phần đỉnh đầu, sau đó lan dần hướng về phần thân.
Khi trưởng thành (khoảng 1 năm tuổi), cơ thể voọc con phủ toàn lông màu xám bạc.
Theo ông Trực, voọc bạc sinh sản vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 9. Thức ăn chủ yếu của chúng là lá cây, hoa, chồi.
Voọc con thường bám lấy mẹ phía trước ngực, mẹ đi đâu sẽ mang con đến đấy, kể cả khi leo trèo nhảy nhót.
Khi voọc con có thể di chuyển thì voọc mẹ sẽ trông con bằng cách dùng tay hoặc chân giữ chặt đuôi bé. Bé có thể di chuyển nhưng không bao giờ xa khỏi mẹ.
Voọc bạc bố mẹ thường ở trong chuồng, còn voọc con có thể di chuyển ra ngoài, vòng quanh trong Thảo Cầm Viên. Nhờ bản tính hiền lành, thân thiện, loài này thường thu hút du khách.
"Du khách có thể thoải mái chụp ảnh gần, tuy nhiên không sờ, nắm đuôi hoặc đưa thức ăn vì những hành động đó có thể gây nguy hiểm cho voọc và làm chúng trở nên xa lánh con người", ông Trực cho hay.
Ngoài voọc bạc, một số loài linh trưởng khác cũng có sự thay đổi màu sắc từ sơ sinh đến trưởng thành, như loài vượn đen má hung: vượn đực lông màu đen, còn vượn cái lông màu vàng.
Vượn đen má hung con cũng có bộ lông màu vàng như voọc con. Đến khoảng 2-3 tuổi, chúng sẽ biến đổi màu sắc từ vàng sang đen. Nếu là con đực, chúng sẽ giữ nguyên màu đen đến cuối đời.
Nếu là con cái thì từ năm 3-7 tuổi, chúng sẽ đổi dần màu từ đen trở lại màu vàng.
"Nghĩa là con cái biến đổi màu 2 lần, con đực biến đổi màu 1 lần", ông Trực cho hay.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn, có tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo, là công viên bảo tồn động vật - thực vật rộng 20ha, thuộc top 10 vườn thú lâu đời nhất thế giới.