Cao nguyên đá Đồng Văn trong con mắt phóng viên nước ngoài
(Dân trí) - Nhà báo, nhiếp ảnh gia người Australia Ian Lloyd Neubauer đã thực hiện một hành trình bằng xe máy dài 8 ngày, từ Hà Nội lên khám phá những cung đường hiểm trở ở miền núi phía bắc Việt Nam.
Và ông đã thực hiện một phóng sự ảnh để nói lên cảm nhận của mình về vẻ đẹp của vùng núi Đồng Văn. Phóng sự ảnh này đã được đăng tải trên trang tin tức BBC của Anh.
Lên đường
Nếu tìm kiếm trên Google từ khoá "Đồng Văn" có lẽ bạn sẽ không tìm được mấy thông tin. “Nếu muốn ngắm vùng núi này, du khách tới Việt Nam sẽ phải tới Sa Pa ở vùng tây bắc” – ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Mototours Asia nói vậy. Công ty của ông chuyên cung cấp các chuyến đi khám phá bằng xe máy ở miền bắc VN. “Vấn đề là ở Sa Pa người ta đã quen với du khách và không còn thích thú với việc kết bạn nữa. Nhưng ở Đồng Văn, người dân vẫn mặc đồ dân tộc truyền thống, sống theo cung cách có từ xưa và rất vui vẻ gặp gỡ bạn”, ông Tuấn tiết lộ. Do vậy, tôi đã rời khỏi thủ đô Hà Nội giao thông lúc nào cũng tấp nập để thực hiện hành trình tám ngày tới Đồng Văn, có hướng dẫn viên đi cùng, trên chiếc xe máy cổ Royal Enfields 500cc Bullet, háo hức muốn tới nơi mà hiếm người nước ngoài nào tới Việt Nam từng đến.
Cung đường "xoắn tủy"
Huyện Đồng Văn là nơi khá xa lạ cho du khách nước ngoài, bởi đa phần đường sá và các rặng núi nơi đây không có biển báo bằng tiếng Anh. Việc tìm đường sẽ là vô cùng khó nếu không có hướng dẫn viên địa phương đi cùng. Nhưng bạn không nhất thiết phải là người địa phương hay đi xe máy mới có thể cảm nhận được hết sự kỳ diệu trong việc làm đường lên Đồng Văn. Đi cùng hướng dẫn viên Đỗ Hữu Quyền của Mototours Asia, chúng tôi đã trải qua một ngày dựng tóc gáy trên những khúc cua tay áo trườn bò như rắn dẫn lên rặng núi ở độ cao chừng 1.500m.
Khi rời Hà Nội, Quyền nói với tôi rằng những con đường và phong cảnh của Việt Nam là tuyệt nhất, đẹp hơn cả ở Lào, nơi được nhiều người cho là thiên đường của dân đi du lịch bằng xe máy. Cho tới khi được chứng kiến những cung đường như thế này, tôi thực sự công nhận anh ấy nói đúng.
Ruộng lúa
Càng đi lên phía bắc, núi càng trải rộng. Chúng tôi chạy xe tới 250km một ngày qua các trái núi xen lẫn những triền lúa - một hình thức canh tác nông nghiệp từ xa xưa, được cho là đã có ở Việt Nam cả 10 ngàn năm nay. Tháng Hai, khi chúng tôi đi, là giữa mùa khô, cũng là lúc các ruộng lúa ngả màu nâu sậm. Nhưng trong mùa mưa, từ tháng Tư tới tháng Mười, những nơi đó bừng lên sắc xanh, vàng của cây lúa.
Dệt vải
Một trong những nét hấp dẫn nhất trong chuyến khám phá miền đông bắc Việt Nam là cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với người Hmong, một dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng núi Đông Nam Á. Họ thường dễ nhận ra nhờ trang phục sáng màu, với các bộ váy áo, khăn choàng, khăn quàng cổ được trang trí tỷ mỉ, làm bằng tay từ sợi bông và sợi gai dầu, rồi được nhuộm màu từ các loại lá, củ để có sắc hồng, đỏ, la, chàm.
Trong một thế giới mà có rất nhiều sắc tộc chuyển sang dùng áo phông hay các bộ đồ may sẵn tiện dụng, thì nhiều cô gái Hmong vẫn học cách dệt vải, thêu hình hoa văn dân tộc được truyền lại từ đời bà, đời mẹ. Tôi đã chụp được hình một phụ nữ Hmong trong trang phục truyền thống đang dệt vải ở ngoại vi thị trấn Yên Minh, nằm cách thị trấn Đồng Văn, tức thủ phủ của huyện Đồng Văn, chừng 90km.
Tới Mèo Vạc
Nằm về phía nam cách thị trấn Đồng Văn chừng 30km là Mèo Vạc, một thị trấn được xây dựng với bê tông từ thời Liên-xô và được bao quanh bởi các ngôi làng của người Hmong. Trừ các đường dây điện, xe máy tay ga và điện thoại di động hiện diện khắp nơi, người dân nơi đây vẫn sống theo cách sống từ xa xưa. Hàng ngày, họ đập bò đi cày đất, làm rượu ngô, nhặt củi vụn về sưởi ấm căn nhà và nấu ăn. Tấm hình này do Đỗ Hữu Quyền chụp bằng máy ảnh mượn của tôi, chụp một em bé Hmong địu đứa em gái nhỏ.
Chợ phiên cuối tuần ở Mèo Vạc
Vào một sáng sớm, trời vẫn tối om, chúng tôi thức dậy lúc 6 giờ và tới khu chợ phiên nổi tiếng của Mèo Vạc. Trong những bộ quần áo đẹp đẽ nhất dành riêng cho ngày Chủ Nhật, hàng ngàn người Hmong tới đây. Họ mua bản các loại sản vật như sâm, hồi, quế, những trái táo to cỡ trái lê, còn những trái lê thì to như quả dưa, rồi mua bán thịt lợn, thịt dê, thịt chó, bún phở và đậu phụ. Họ cũng bán cả rượu ngô tự chế, thứ rượu na ná như vodka với hương vị ấm ngọt và thơm.
Tại đây, lần đầu tiên kể từ khi rời Hà Nội tôi gặp những gương mặt phương Tây: một cặp vợ chồng người Pháp đã nghỉ hưu tới chơi chợ trên chiếc xe mini buýt địa phương. Họ cũng rất ngạc nhiên khi thấy tôi – một người nước ngoài tóc vàng da trắng.
Nhà Vua Mèo
Cách thị trấn Đồng Văn chừng 15km về phía nam, trong thung lũng Sà Phìn là Nhà Vua Mèo. Đó là một ngôi nhà hai tầng bốn chái được bảo vệ bởi những vách đá tai mèo khổng lồ và nằm lọt giữa rừng thông. Được các thương gia người Trung Quốc xây hồi 1902 cho lãnh chúa người Hmong Vương Chính Đức, tòa nhà như một pháo đài với những bức tường đá dày 500mm bao quanh với một hàng rào đá dày 800mm, hai sảnh trời bên trong, 64 phòng ngủ dành cho các bà vợ và con cái vua Mèo, chỗ cho lính cận vệ, một nhà chứa thuốc phiện, và một phiến đá lớn chuyên để chặt đầu những kẻ phản bội.
Chỉ có một vị vua Mèo nữa, Vương Chí Sình, người có cảm tình với cộng sản, sống tại cung điện này trước khi nó bị bỏ hoang trong thời Kháng chiến chống Pháp, 1946-1954. Ngày nay, Nhà Vua Mèo trở thành nhà bảo tàng với bộ sưu tập nhỏ những món đồ tự chế thời đó, được đặt trong những hộp kính phủ đầy bụi bặm.
Thị trấn cổ Đồng Văn
Sau bốn ngày, vượt qua 900km trầy trật trên chiếc xe cổ nhưng rất đáng tin cậy Royal Enfield, chúng tôi tới Đồng Văn khi màn đêm đổ xuống. Chúng tôi nghỉ đêm tại một gia đình địa phương ở thị trấn cổ, nơi giống như mê cung với những con ngõ rải sỏi và các tòa nhà xây bằng đá cả trăm năm trước với những lớp mái lợp ngói nung.
Căn nhà cổ nhất ở đây, một căn nhà lớn với hai cột đá trụ lớn và treo đèn lồng đỏ, được nhà họ Lương xây từ 1810 đến 1820. Con cháu nhà họ Lương nay vẫn sinh sống bên trong. Đó là một trong 40 căn nhà cổ còn lại sau trận hỏa hoạn thiêu cháy Đồng Văn hồi 1923, trước khi người Pháp xây lại.
Đoạn cuối con đường
Nằm ở trung tâm chiến lược của cao nguyên ở độ cao 1.600m và chỉ cách biên giới với Trung Quốc có 3km, Đồng Văn là tiền đồn xa nhất về phía bắc của người Pháp trong thời thuộc địa. Binh lính Pháp đã dùng nhân công người Việt dưới sự cai quản của các đốc công người Việt xây dựng một khu đồn trú lớn, nay nằm trong đống đổ nát trên đỉnh của một trong nhiều vách đá vôi nhìn xuống thị trấn Đồng Văn.
Ngày nay, người ta có thể leo lên trại lính này bằng lối mòn dốc đứng, gập ghềnh chừng 1km vốn chỉ có dê chạy qua, dẫn lên từ thung lũng ở đường biên phía đông của khu thị trấn cổ. Tấm hình này được chụp từ đỉnh trại lính, ngay khi bình mình vừa rạng, lúc mà cả thị trấn vẫn còn đang chìm trong làn sương đêm.