Cảm thức Kyoto - cố đô nước Nhật

(Dân trí) - Độc giả báo Điện tử Dân Trí ngày nay có thể lên mạng Internet, tìm thấy vô vàn tư liệu về phố cổ Kyoto, về chùa Thanh Thủy, chùa Kim Các,… Tác giả (nhà báo Hàm Châu) không muốn sao chép những gì có sẵn, mà mong ghi lại những cảm thức riêng của chính mình.

Odon Vallet, vị giáo sư người Pháp quen thuộc đối với nhiều người Việt Nam chúng ta bởi lẽ, suốt 15 năm qua, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp khai trường, ông lại đến Việt Nam, cùng GS Trần Thanh Vân, thực hiện một cuộc hành trình xuyên Việt để trao tặng hàng nghìn suất học bổng cho các bạn trẻ học giỏi ở nước ta.

 


Tác giả Hàm Châu tham quan chùa Thanh Thuỷ.

Tác giả Hàm Châu tham quan chùa Thanh Thuỷ.

 

Có lần chia sẻ với tôi, ông cho biết: Ở châu Á, có ba cố đô hấp dẫn ông nhất, đó là: Huế, Kyoto và Luang Prabang. Do lời gợi ý của ông, một nhà nghiên cứu lịch sử tôn giáo và cũng là nhà Đông phương học có uy tín, vừa rồi, trong chuyến sang dự Hội nghị Quốc tế về Vật chất Quark 2015 ở Kobe, tôi không quên tìm cách ghé thăm Kyoto. Và, khi trở về nước, tôi vội ghi tên ngay tham gia đoàn các nhà văn Hà Nội thăm Luang Prabang vào cuối tháng 10 này. Còn cố đô Huế, quê mẹ tôi thì tất nhiên, tôi đã gắn bó tử thuở thiếu thời…

 

Kyoto, viết theo văn tự Nhật là 京 都, đọc theo âm Hán - Việt là Kinh Đô. Trong văn tự Nhật, có dùng khoảng 3.000 chữ Hán, gọi là Kanji [汉字/ Hán tự], phần lớn mang ngữ nghĩa gần giống như trong tiếng Hán, nhưng phát âm theo cách riêng của người Nhật. Thí dụ: 京 [kinh] phát âm là kyo, do đó, nếu biết 东 (âm Hán-Việt đọc là đông, người Nhật đọc là to) thì ta dễ dàng suy ra được Đông Kinh [东 京 ] là Tokyo. Đấy lý do khiến người Nhật coi nước mình là một nước “đồng văn” với Trung Hoa, cho dù mối quan hệ chính trị - quân sự giữa hai nước không phải lúc nào cũng hữu hảo! Người nước ngoài đã biết chữ Hán, nếu muốn học thêm chữ Nhật, thì sẽ dễ hơn rất nhiều; có thể so sánh với người đã biết tiếng Pháp muốn học thêm tiếng Anh, hay đã biết tiếng Nga, muốn học thêm tiếng Ukraine, tiếng Bulgaria...

 


Du khách thích thú tham quan phố cổ.

Du khách thích thú tham quan phố cổ.

 

Tiếng Nhật được viết trong sự phối hợp 3 kiểu chữ: Kanji [漢字/ Hán tự] và 2 kiểu chữ đơn âm mềm Hiragana và đơn âm cứng Katacana. Chữ Kanji dùng để viết các từ Hán mượn của Trung Hoa qua nhiều thời kỳ kéo dài ít nhất 1.500 năm. Không hề thủ cựu, giẫm chân tại chỗ, sau này, người Nhật dùng luôn cả các ký tự Latin trong tiếng Nhật hiện đại, đặc biệt là để viết tên và vẽ biểu trưng các công ty lớn như Sony, Toyota, Honda, hay để quảng cáo, tạo nhãn hiệu hàng hóa, hoặc để nhập tiếng Nhật vào máy tính điện tử, điện thoại thông minh, in sách báo đối ngoại…

 

Kyoto, còn có tên là 平安京 (Bình An Kinh/ Heiankyo), giữ vị thế kinh đô nước Nhật từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIX, tức là cho mãi tới năm 1868, khi Thiên hoàng Minh Trị quyết định dời đô về Tokyo. Nhiều người Nhật hiện nay vẫn cứ nghĩ Kyoto là Kinh Đô, “kinh sư”, là “đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời”; còn Tokyo thì chỉ là Đông Kinh, tức là một kinh kỳ ở phía đông nước Nhật mà thôi!

 

Suốt 11 thế kỷ là kinh đô của một nền văn hóa lớn, độc đáo ở phương Đông, bởi thế, cho đến nay, Kyoto vẫn còn gìn giữ được hơn 2.000 ngôi chùa đạo Phật và ngôi đền đạo Thần (một tôn giáo truyền thống ở Nhật Bản), cũng như cung điện Hoàng gia, vườn Thượng uyển, lâu đài, lăng tạ thời xưa…

 


Một ngôi chùa trong quần thể Thanh Thủy tự mang dáng vẻ kiến trúc khác thường.

Một ngôi chùa trong quần thể Thanh Thủy tự mang dáng vẻ kiến trúc khác thường.


Trước quần thể di tích Thanh Thủy tự (chùa Thanh Thủy) gồm 15 công trình kiến trúc kỳ vĩ thời Trung đại ở Nhật Bản.

Trước quần thể di tích Thanh Thủy tự (chùa Thanh Thủy) gồm 15 công trình kiến trúc kỳ vĩ thời Trung đại ở Nhật Bản.

 

Trong Thế chiến II, người Mỹ đã định ném bom nguyên tử xuống Kyoto, nhưng rồi họ cảm thấy “không nỡ phá hủy vẻ đẹp của thành phố này”! (Theo hồi ức của một số tướng lĩnh Mỹ). Cuối cùng, họ chọn… Hiroshima và Nagasaki!

Kyoto được quy hoạch theo hình mẫu kinh đô Trường An [长安] (nay là Tây An [西安]) đời nhà Đường ở Trung Quốc. Cung điện Hoàng gia nhìn về hướng nam, do đó, Okyo (phần bên phải kinh đô) nằm ở phía tây, trong khi Sakyo (phần bên trái) nằm ở phía đông. Nhiều phố phường ngày nay như Nakagyo, Shimogyo và Kamigio vẫn nằm ở những vị trí theo quy hoạch hồi thế kỷ VIII. Kyoto được bao bọc ba bên bởi dãy núi Higashyama bắt đầu được lá phong nhuộm đỏ khi trời chuyển sang thu...

 

Người Nhật mang sẵn “cốt tính” hiếu học, chăm chỉ vô cùng! Không bao giờ họ tự mãn, bị “bội thực” bởi lòng “tự hào dân tộc”! Họ luôn khiêm tốn, tỉnh táo học hỏi bất cứ ai, bất cứ nước nào giỏi giang hơn mình. Suốt mấy nghìn năm, họ học hỏi Trung Hoa, sau đó, chuyển sang học hỏi Hà Lan, Đức, rồi Mỹ. Họ quyết chí học cho đến lúc “hết chữ” của thầy, để rồi vượt qua thầy! Chẳng hạn, ai cũng biết nghệ thuật bonsai của Nhật Bản là bắt nguồn từ nghệ thuật bồn tài của Trung Hoa (bồn [盆] là chậu, tài [栽] là trồng cây, có nghĩa trồng cây trong chậu cảnh). Thế nhưng, giờ đây, các chậu cảnh bonsai của Nhật trở nên tinh tế hơn, giàu mỹ cảm hơn, giá bán cao hơn bồn tài của Trung Hoa trên thị trường Âu - Mỹ…

 


Tác giả thăm Kim Các tự (chùa Gác Vàng) có gian gác hai tầng dát bằng 20 nghìn tấm váng lá.

Tác giả thăm Kim Các tự (chùa Gác Vàng) có gian gác hai tầng dát bằng 20 nghìn tấm váng lá.

 

Cũng như về công nghệ chế tạo ti vi, người Nhật học từ người Âu - Mỹ, nhưng rồi họ làm nên những chiếc máy thu hình tinh xảo hơn, sắc nét hơn, kiểu dáng đẹp hơn, xuất khẩu sang Âu - Mỹ. Người Hàn Quốc, người Singapore ngày nay cũng đang đi theo con đường ấy…

 

Vào thế kỷ VIII - IX, Trường An là kinh đô đẹp nhất, hoành tráng nhất ở miền Viễn Đông. Thi hào Đỗ Mục đời Vãn Đường từng ca ngợi:

Trường An hồi vọng tú thành đôi;

Sơn đính thiên môn thứ đệ khai;

Ngoảnh lại ngắm nhìn, Trường An đẹp tựa gấm thêu chồng chất;

Tử trên đỉnh núi tỏa xuống hàng nghìn tòa phủ đệ hào hoa…

Tương Như dịch ra thơ Việt:

Ngoành lại Trường An tựa gấm thêu;

Đầu non nghìn cửa nối liền nhau…

 

Kinh đô Hán - Đường lộng lẫy nhường kia, cho nên triều đình Nhật Bản không do dự cử hàng nghìn tài năng trẻ vượt biển Hoa Đông, đi qua bao nhiêu núi cao sông rộng, sang tận Trường An ở miền tây Trung Quốc, để học hỏi, rồi trở về xây dựng đô thành Kyoto huy hoàng của chính họ. Tất nhiên, họ không chỉ học quy hoạch, kiến trúc, mà còn học nhiều thứ khác, như học chế (chế độ thi cử Nho học) hay quan chế (cách thức đào tạo và bổ nhiệm guồng máy quan lại để quản lý xã hội), v.v.

 

Thăm Hội An, tôi như được sống trong khung cảnh một đô thị cách đây mấy thế kỷ. Thế nhưng, đến thăm Kyoto, tôi có cảm tưởng như lạc vào một thế giới xa cách ngày nay cả nghìn năm… Những con phố hẹp, những ngôi nhà gỗ một hai tầng mái cong, những cửa hiệu biển đề chữ Hán viết rất đẹp, những chiếc đèn lồng, và dòng người lại qua tấp nập với bao cô gái trẻ mặc kimono lộng lẫy. Kimono được coi là 和服 (Hòa phục), nghĩa là y phục dân tộc của riêng người Nhật. Thời trước, cả nam và nữ đều mặc kimono thế nhưng, ngày nay, phu nữ mặc nhiều hơn, còn nam giới chỉ “diện” vào những dịp lễ hội. Kimono ra đời vào Bình An thời đại, tức là thời đại kinh đô chuyển về Bình An kinh (Heiankyo), một tên gọi khác của Kyoto. Ngày nay, một bộ kimono sang trọng giá có thể lên tới 20 nghìn USD…

 

Mặc dù đã từng thăm Trung Quốc 11 lần, chiêm ngưỡng không ít ngôi chùa kỳ vĩ ở Bắc Kinh, Hàng Châu, Tô Châu, Côn Minh, Nam Ninh, Sơn Đông, Thượng Hải, Quảng Châu,… tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lạ lùng và thanh nhã của mấy ngôi chùa ở Kyoto như Thanh Thủy tự, Kim Các tự…

 

清水寺, là tên ngôi chùa được người Nhật ghi lại theo Kanji (Hán tự), in trên sách báo Nhật, đọc theo âm Hán-Việt là Thanh Thủy tự (chùa Thanh Thủy), đồng thời, họ dùng ký tự Latin ghi theo cách đọc chữ Hán riêng của mình là Kiyomizu để đưa vào máy tính điện tử, điện thoại thông minh, hay in trên sách báo đối ngoại xuất bản bằng các thứ tiếng Âu-Mỹ. Thanh Thủy có nghĩa là nước trong, nước tinh khiết, nước Thánh, nước Phật…

 

Thanh Thủy tự được xây dựng vào năm 778, trước khi Kyoto trở thành kinh đô nước Nhật. Trong khuôn viên chùa này, có 15 công trình với những dáng vẻ kiến trúc khác nhau. Tòa chánh điện thờ Quan Thế Âm bồ tát và nhất là cái hiên chánh điện nới rộng thành một sàn gỗ bao la, được chống đỡ bởi những hàng cột cái lớn gỗ keyaki cao 12 mét, ráp lại bằng mộng, không cần một cái đinh nào. Sàn hiên được tạo thành từ 410 miếng gỗ bách vững chãi. Đứng trên hiên này, ta có thể thu vào tầm mắt gần như toàn cảnh Kyoto.

 

金閣寺 tức Kim Các tự (chùa Gác Vàng) không có khuôn viên rộng lớn, không nằm trên địa hình hùng vĩ như Thanh Thủy tự. Nét độc đáo của chùa này là có gian gác hai tầng, bốn vách dát bằng 200 nghìn miếng vàng lá, soi bóng xuống một cái đầm rộng gọi là Kính Trì (đầm gương). Kim Các tự thường được sánh với Ngân Các tự, một ngôi chùa khác, cũng ở Kyoto, có gian gác được dát bằng bạc.

 

Phố cổ Kyoto cùng với 2.000 ngôi chùa ở đây được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đúng như lời gợi ý của GS Odon Vallet, Kyoto là một cố đô tuyệt đẹp ở châu Á rất đáng chiêm ngưỡng dù chỉ một lần trong đời…

Hàm Châu