Các hãng lữ hành sẵn sàng “nghênh tiếp” dịch Ebola
(Dân trí) - Lo ngại dịch bệnh Ebola xâm nhập vào Việt Nam qua đường du lịch, mới đây đích thân thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã đến từng doanh nghiệp du lịch, khách sạn thị sát công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm đang hoành hành tại châu Phi.
Trong ngày 20/8, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra 10 đơn vị khách sạn, lữ hành lớn ở Hà Nội.
Theo báo cáo, trước dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao này, các công ty lữ hành chấp nhận thiệt hại do việc tạm ngừng tour, đặt sự an toàn của du khách và cán bộ của đơn vị lên hàng đầu.
Hiện các công ty lữ hành hàng đầu của Việt Nam trên cả nước đều tạm dừng tour du lịch cho khách Việt Nam tới châu Phi. Đối với khách inbound các công ty lữ hành đã thông báo tới các đối tác ở Thái Lan, Singapore, Australia, Malaysia... không nhận khách xuất phát từ vùng dịch hoặc đã có thời gian lưu trú tại 4 quốc gia Tây Phi là tâm điểm của dịch Ebola.
Vào thời điểm này, Nam Phi không thuộc vùng dịch Ebola nhưng lại là điểm trung chuyển khách của châu lục này, trong đó có 4 nước Tây Phi là Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigieria. Nguy cơ nhiễm bệnh đối với khách du lịch đến Nam Phi là khá lớn nên nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chủ động ngừng tour.
Tại Công ty Vietravel, cách đây 7 năm, công ty đã khai thác thị trường du lịch châu Phi, mỗi tháng có từ 3-4 đoàn của công ty tới khu vực này. Tuy nhiên, từ khi các nước trên công bố dịch đến nay những tour tới đây đã ngưng hẳn nhưng Vietravel vẫn liên hệ với đối tác qua email và điện thoại để nắm tình hình.
Điểm nổi bật nhất là đơn vị đã thương lượng thành công với đối tác bảo hiểm đồng ý đưa Ebola vào danh mục được hưởng bảo hiểm cho toàn bộ du khách mua tour và cán bộ CNNV của mình.
Với khách inbound, các hãng lữ hành Việt Nam đều yêu cầu đối tác thông báo tới du khách tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục kiểm tra sức khỏe khi vào du lịch tại Việt Nam. Đồng thời rà soát kỹ lưỡng danh sách khách, đặc biệt chú ý, phối hợp với các cơ quan liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp bất thường ngay từ khi nhập cảnh
Tại Công ty Du lịch Vietrantour, trong buổi làm việc với thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, công ty này cho hay; doanh nghiệp này đã phối hợp với các đối tác dịch vụ, hãng hàng không trong và ngoài nước thống nhất thực hiện qui trình theo dõi sức khỏe, phát hiện dấu hiệu bệnh, xử lý đưa đến các cơ sở kiểm dịch y tế để kiểm tra, điều trị hoặc cách ly đối với du khách nghi nhiễm bệnh do virus Ebola theo quy định của nước sở tại đồng thời giữ vai trò kết nối thông tin với người nhà du khách và hỗ trợ du khách nhiễm bệnh tối đa khi cần.
Công ty du lịch Saigontourist cho biết, do mỗi tuần đều tiếp đón nhiều chuyến tàu biển quốc tế cập cảng Hạ Long với hàng ngàn khách đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nên công ty đã liên hệ các ngành chức năng địa phương tăng cường giám sát cũng như triển khai các biện pháp y tế tại cảng biển nhằm phát hiện đối tượng có dấu hiệu nhiễm bệnh, mặt khác tăng số lượng đội ngũ bác sĩ tại các chốt trực để kịp thời giải quyết các tình huống nghi ngờ nhiễm Ebola.
Cùng với đó, các khách sạn lớn, tiêu chuẩn từ 3-5 sao ở Việt Nam đều có liên kết với các đơn vị y tế địa phương, Trung ương để phối hợp chăm sóc sức khỏe cho du khách trong trường hợp ốm đau khi lưu trú. Trong trường hợp phát hiện du khách có các biểu hiện của Ebola thì sẽ tiến hành cách ly, chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Tại khách sạn Melia sẽ cách ly người bệnh ngay tại phòng họ lưu trú, phối hợp với Trung tâm cấp cứu Hà Nội 115 vận chuyển người bệnh đến Bệnh viện Việt Pháp (đối với khách quốc tế) và Viện các bệnh nhiệt đới (đối với khách nội địa). Khách sạn này cũng đã tự trang bị trang phục y tế, khẩu trang phòng dịch.
Tại khách sạn Đệ Nhất (TP HCM) còn thành lập “bộ phận phản ứng nhanh” nếu phát hiện dịch tại đơn vị. Tại khách sạn Deawoo đã chuẩn bị sẵn sàng 3 phòng trong khách sạn ở khu vực đặc biệt để tiến hành cách ly người bệnh...
Tuy nhiên, có một điểm rất khó cho các đơn vị lưu trú, đó là việc phát hiện các trường hợp khách mắc bệnh, nhất là với các khách chưa có biểu hiện bệnh khi làm thủ tục nhập cảnh. Vì vậy ngành du lịch cần mở các lớp tập huấn chuyên môn khẩn cấp cho hướng dẫn viên về cách thức phòng tránh dịch bệnh Ebola, theo dõi sức khỏe, phát hiện dấu hiệu bệnh ở du khách và cách thức xử lý khi gặp trường hợp du khách nghi nhiễm bệnh.
Khu vực sân bay có kiểm tra đo thân nhiệt bằng máy y tế chuyên dụng, với khách sạn không có loại máy móc này mà chỉ có dụng cụ đơn giản hơn, bất tiện khi kiểm tra thân nhiệt du khách, nhất là với đoàn có số lượng khách đông.
Trước tình hình này, ông Hồ Anh Tuấn đề nghị Tổng cục Du lịch cần phối hợp với ngành y tế tiến hành tập huấn cụ thể cho các đơn vị lưu trú các kĩ năng cần thiết ứng phó với dịch bệnh, tư vấn cho các đơn vị này nên mua dụng cụ nào, xử lí các trường hợp nhiễm bệnh ra sao...