"Cà Mau - Điểm đến 2022" có gì hấp dẫn?
(Dân trí) - UBND tỉnh Cà Mau vừa đưa ra sự kiện "Cà Mau - Điểm đến 2022" với nhiều chương trình, hoạt động gắn với tham quan, du lịch hấp dẫn, đặc sắc.
Cà Mau đã bắt đầu khởi động sự kiện "Cà Mau - Điểm đến 2022" với nhiều hoạt động xuyên suốt trong năm và là dịp để du khách yêu thích tham quan, du lịch, ẩm thực, trải nghiệm trong và ngoài tỉnh đến với vùng cực Nam Tổ quốc.
Mở màn trong tháng 3 này, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, sẽ diễn ra lễ Nghinh Ông Sông Đốc của ngư dân vùng biển, từ ngày 16-18/3.
Đặc biệt trong tháng 4, có lễ hội tri ân Quốc Tổ tại huyện Ngọc Hiển và lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại huyện Thới Bình, từ ngày 6-10/4 (10/3 âm lịch). Cà Mau kết nối điểm di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) tổ chức theo nghi lễ truyền thống.
Cùng thời gian trên là ngày hội Bánh dân gian Nam bộ, với các hoạt động như thi làm bánh dân gian dâng Đức Quốc Tổ, trưng bày và hướng dẫn cách chế biến bánh dân gian, văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, liên hoan Đờn ca tài tử... diễn ra tại TP Cà Mau.
Nói đến Cà Mau không thể bỏ qua U Minh Hạ. Vì thế, với sự kiện Hương rừng U Minh diễn ra ngày 29/4 đến 1/5, có chuỗi các hoạt động: Tổ chức xác lập kỷ lục "Tổ ong lớn nhất Việt Nam" của nghề gác kèo ong rừng U Minh Hạ; Hội chợ thương mại kết hợp trưng bày sản phẩm mật ong và các loại thủy sản nước ngọt.
Bên cạnh đó, có liên hoan tiếng hát thanh niên "Hương rừng U Minh", giải việt dã "Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân", đua xe đạp xuyên rừng U Minh Hạ, đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu; hoạt động trải nghiệm vùng đất U Minh như tham quan một số mô hình vườn cây ăn trái, thu hoạch cá đồng, theo chân thợ gác kèo ong lấy mật;...
Cua Cà Mau nổi tiếng gần xa. Vì vậy, đến với "Ngày hội Cua Cà Mau" diễn ra trong tháng 9 tại huyện Năm Căn, có các hoạt động: Hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ cua; hội chợ thương mại trưng bày các sản phẩm đặc sản, đặc trưng (vùng nước mặn, ngọt); các trò chơi dân gian (đua tốc độ cua, thi trói cua, thi bắt cá thòi lòi...); tham quan Khu du lịch Khai Long, Khu du lịch Đất Mũi, tham quan tuyến xuyên rừng Đất Mũi;...
Cũng trong tháng 9, Cà Mau tổ chức lễ Thượng cờ - Thống nhất non sông giữa Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) với các điểm cầu Cột cờ Hà Nội, Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), Cột cờ Hiền Lương (Quảng Trị), gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ giao lưu trực tuyến giữa các địa phương từ Bắc tới Nam.
Trong chuỗi hoạt động lễ thượng cờ, có ngày hội ẩm thực Đất Mũi, kết hợp tổ chức văn nghệ, thể thao, trải nghiệm: đua vỏ, chạy đua trên bãi bồi, thả diều, dỡ chà bắt cá, soi ba khía, sổ vuông, tham quan mô hình nuôi hàu... tại khu du lịch Mũi Cà Mau.
Tháng 10, có hoạt động giải chạy marathon Đất Mũi, với chủ đề "Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại", quy mô khoảng 5.000 người tham gia là vận động viên chuyên nghiệp từ các tỉnh, thành trong toàn quốc và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Không chỉ "chạy cho khỏe", qua đây còn quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, con người, sản vật vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, sự kiện "Cà Mau - Điểm đến 2022" nhằm tiếp tục quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh tỉnh Cà Mau thông qua các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại đến với du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các tỉnh thành trong cả nước.
Thông qua sự kiện, Cà Mau mong muốn xây dựng hình ảnh địa phương phong phú đa dạng về tiềm năng, giúp tỉnh khai thác tốt cơ hội, lợi thế để phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch...