Bỏ việc, cắm sổ đỏ đi trồng dâu tây: Đón 3 vạn khách, thu 3 tỷ đồng mỗi năm
(Dân trí) - Mỗi năm, vườn dâu tây công nghệ cao "hot" nhất Sa Pa cho thu hoạch từ 15 - 16 tấn dâu và đón khoảng 30.000 lượt khách tới trải nghiệm.
Vườn dâu tây hút khách nhất Sa Pa
Nằm cách phường Sa Pa (TX Sa Pa, Lào Cai) khoảng 7km đi về hướng bản Tả Phìn, vườn dâu công nghệ cao rộng 2ha là địa điểm thu hút đông du khách tham quan, trải nghiệm.
Đây được xem là một trong những địa điểm "check-in" không thể bỏ qua khi ghé thăm Sa Pa.
Trung bình mỗi năm, vườn dâu này đón khoảng 3 vạn du khách thập phương tới tham quan, trải nghiệm thu hái dâu tây.
Khu vườn được trồng bằng phương pháp giá thể trong nhà kính theo công nghệ hiện đại, không sử dụng các loại thuốc, chất hóa học, nên quả dâu có chất lượng tốt, an toàn cho người dùng.
Du khách hoàn toàn có thể hái ăn thử ngay tại vườn. Đây cũng là khu trồng dâu tây công nghệ cao có quy mô lớn đầu tiên ở Sa Pa.
Mỗi năm, 2ha dâu tây cho thu hoạch từ 15 - 16 tấn dâu, mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.
Bỏ việc nhà nước, cắm sổ đỏ trồng dâu tây
Vườn dâu công nghệ cao này là thành quả sau 5 năm gây dựng của vợ chồng chị Đỗ Thị Kim Dung và anh Tuấn Nghĩa. Anh Nghĩa từng theo học ngành kỹ sư nông nghiệp tại Học viện Hồng Hà (Trung Quốc).
Năm 2016, vợ chồng anh chị cùng hai người bạn góp vốn mở trang trại dâu tây nhưng chưa có kinh nghiệm cũng như kiến thức kỹ thuật, dâu tây bị bệnh và thối, may mà hòa vốn.
Sang tới năm thứ hai, rút kinh nghiệm, anh chị áp dụng trồng trong nhà lưới tự chế bằng tre; tiếp tục thử nghiệm giống mới. Tuy nhiên, vì chưa làm chủ được kĩ thuật nên cây cho năng suất thấp, quả chua, gặp nhiều sâu bệnh.
"Vợ chồng tôi mất trắng. Thời điểm ấy lỗ tầm 200 - 300 triệu, số tiền rất lớn với chúng tôi", chị Dung chia sẻ.
Đến năm thứ 3, sau thời gian học hỏi, nghiên cứu các mô hình ở địa phương khác, anh chị quyết định trồng dâu theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên mô hình này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn.
Anh chị phải thuyết phục gia đình cắm sổ đỏ, vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng. Thời điểm này, chị Dung cũng quyết định từ bỏ công việc ở Đài Phát thanh huyện để góp công, góp sức cùng chồng sản xuất nông nghiệp.
"Lúc ấy gia đình không tin tưởng, nghĩ là vợ chồng tôi mộng mơ quá. Chúng tôi thuyết phục rất lâu, thậm chí từng định đi vay lãi. Thấy vậy nên gia đình mới đồng ý cho cắm sổ đỏ", chị Dung nhớ lại.
Năm 2018 anh chị quyết định chỉ tập trung vào trồng dâu tây với các giống chọn lọc từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thay vì trồng đại trà 8 giống dâu như những năm trước.
Đặc điểm của những giống dâu tây này là quả to, khi chín có vị ngọt đậm đà pha chút chua dịu, hương thơm đặc trưng hấp dẫn.
"Dâu tây rất nhạy cảm và khó tính. Dâu được trồng từ tháng 10 hàng năm, sau 3 tháng cây cho thu hoạch quả. Dù áp dụng hệ thống tưới tự động nhưng trong quá trình chăm sóc hàng ngày chúng tôi phải cắt tỉa lá già, tay dâu, nhặt bỏ quả thối, hỏng...", chị Dung cho biết. Anh chị cũng nuôi thêm ong trong nhà lưới để tăng cường thụ phấn cho cây.
Trước đây anh chị cho thử nghiệm trồng dâu tây Đà Lạt gối vụ từ tháng 5 - 12 nhưng không thành do nhiệt độ Sa Pa thời điểm này khắc nghiệt: nóng nắng gay gắt nhưng khi đông về thì mưa tuyết, đóng băng.
Sau khi làm chủ được kĩ thuật trồng dâu anh chị lại gặp khó khăn về việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh. Lúc này, vợ chồng chị Dung nghĩ đến việc kết hợp nông nghiệp và du lịch trải nghiệm để có đầu ra hiệu quả hơn.
"Tổng mức đầu tư cho khu vườn là khoảng 8 tỷ đồng. Hiện, chúng tôi đang trong thời gian thu hồi vốn. Doanh thu bình quân là 3 tỷ đồng/năm đến từ nguồn bán dâu tây. Khách đến tham quan miễn phí nhưng hầu như ai cũng sẽ hái và mua dâu mang về", chị Dung chia sẻ.
Trong tương lai, vợ chồng chị Dung có dự định trồng thêm giống dâu xứ nóng và quả pepino, đồng thời chế biến các sản phẩm từ dâu tây thành sữa chua, sinh tố, thạch, mứt... để làm phong phú thêm sản phẩm trang trại.