Thanh Hóa:

Biển Sầm Sơn nhếch nhác, nguy cơ mất an toàn trước mùa du lịch

(Dân trí) - Phương án tạm thời dùng lưới thép bọc đá để chống xâm thực bờ biển không những khiến rác thải mắc vào làm nhếch nhác mà còn khiến mất an toàn cho du khách khi đi trên đó. Ngoài ra, bờ đá bọc thép này cũng khiến cho du khách mất luôn nơi tắm.

Bất cập bờ đá bọc lưới thép

Bãi biển Sầm Sơn ở TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) là một trong những bãi biển đẹp nhất của Thanh Hóa và các tỉnh, thành miền Trung. Mỗi năm, Sầm Sơn đón hàng triệu lượt du khách đến tắm biển, tham quan. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, bờ biển Sầm Sơn bị xâm thực mạnh ở khu vực bãi D.

IMG20190220094517.jpg
IMG20190220092149.jpg

Rác thải mắc lại tại bờ đá rọ thép gây nhếch nhác.

Để ngăn chặn tình trạng xâm thực trên, TP. Sầm Sơn đã cho xây dựng bờ đá bọc thép dài khoảng 200m chạy dọc đường Hồ Xuân Hương. Vào mùa du lịch, địa phương này đã cho dân đổ cát phủ lên trên để “ngụy trang” bờ đá. Tuy nhiên, chỉ vài đợt thủy triều dâng lên, rút xuống thì cát cũng được cuốn đi.

Đặc biệt, nơi đây đã có một số cháu nhỏ khi chơi ở khu vực này bị thép đâm vào chân, không những thế, khi cát trôi đi, rác thải ở biển sẽ bị mắc lại khiến bờ biển trở nên vô cùng nhếch nhác.

“Mùa du lịch năm ngoái, chính quyền cho dân đổ cát lên bờ đá bọc thép này để ngụy trang bờ biển thế nhưng sau khi thủy triều cuốn trôi cát, thép đã trồi lên khiến một số cháu nhỏ chơi ở đây đã bị thép đâm vào chân bị thương. Không những thế, rác ở khắp nơi mỗi khi nước ập vào rác sẽ theo đó mà mắc lại đây. Chỉ trong vài ngày lại đâu vào đấy. Khách thấy thế cũng không dám tắm ở đây nữa” – bà Vũ Thị Quyết, người dân sống ở TP. Sầm Sơn kể lại.

IMG20190220113812.jpg

Nhiều thanh thép trồi lên đâm vào chân du khách vào mùa du lịch năm ngoái.

Cũng theo bà Quyết thì TP. Sầm Sơn không thể dùng phương án tạm thời này thêm nữa, cần phải phá bỏ hàng đá thép này và sử dụng phương án khác. “Nhiều du khách khi nhìn trên báo đài thì thấy Sầm Sơn đẹp lắm thế nhưng những góc như thế này mà thành phố không xử lý, để mất niềm tin khi du khách đến đây chứng kiến quá” – bà Quyết nói.

Theo ghi nhận thì dù mùa du lịch Sầm Sơn còn không lâu nữa, thế nhưng hiện nay, bờ đá bọc thép với cơ man rác thải vướng vào, những hòn đá bị bung ra nằm ngổn ngang, nhiều đoạn bê tông cũng vỡ nát, những thanh thép nhọn hoắt chổng ngược lên vô cùng nguy hiểm.

IMG20190220092335.jpg

Người dân cho rằng cần có giải pháp khác thay vì để bờ đá rọ thép chống xâm thực bờ biển.

Không có nơi tắm, nhiều khách sạn nguy cơ mất khách

Đáng nói, ngoài bờ đá bọc thép thì bến thuyền được TP. Sầm Sơn quy hoạch tại đây càng khiến cho bãi tắm D thuộc phường Quảng Cư và Trung Sơn không còn nơi tắm.

Ngoài việc rác thải vướng vào bờ đá, khu vực bến thuyền bên cạnh với việc thuyền ra vào khiến mùi cá và nước thải dầu càng làm cho khu vực này trở nên nhếch nhác hơn bao giờ hết.

IMG20190220094111.jpg
IMG20190220094350.jpg

Cùng với việc lấy nơi đây làm nơi tập kết bến thuyền, bãi D gần như bị xóa sổ khiến du khách không còn có nơi tắm.

Theo phản ánh thì vào năm ngoái khách du lịch đã không dám tắm tại đây do bẩn từ bến thuyền và bờ đá bọc thép quá cao. Họ phải bắt xe điện lên hơn 1km mới có nơi tắm, đặc biệt có thời gian cao điểm, xe điện cấm đi vào khu vực này thì du khách phải đi bộ một quãng đường khá xa.

“Nhiều đoàn tua du lịch họ vào xem thấy tình trạng không những cảnh quan trước mặt thế này mà bất cập phải đi xa mới có nơi tắm họ đã không hợp đồng với khách sạn nữa, chúng tôi mất rất nhiều đoàn khách. Nếu TP. Sầm Sơn không sớm có phương án thì chúng tôi có nguy cơ đóng cửa khách sạn” – ông Trần Chí Minh- chủ khách sạn Minh Hạnh nói.

Còn ông Nguyễn Duy Hạnh, chủ khách sạn Phú Hồng thì nêu quan điểm: “Để ngăn chặn tình trạng xâm thực bờ biển phải có giải pháp. Giải pháp của chính quyền thì quá lâu còn trước mắt chính quyền phải có giải pháp không những cho du khách mà còn cho người dân kinh doanh ở đây nữa. Cần dỡ bỏ bờ đá thép kia, làm sạch bờ biển, không những đảm bảo mỹ quan mà còn an toàn cho du khách. Dân chúng tôi sẵn sàng bỏ kinh phí để làm việc đó”.

Được biết, khu vực bị ảnh hưởng có hơn 10 khách sạn, sức chứa trên 2000 phòng. Đáng nói, khu nghỉ dưỡng của Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Bác cũng nằm trong khu vực này.

Ông Lường Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Cư cũng xác nhận việc nhiều chủ khách sạn phản ánh lên mấy năm nay và theo ông đúng là việc làm ăn kinh doanh của các chủ khách sạn này rất bất tiện, khu vực này du khách không tắm được.

“Khi bờ biển bị xâm thực thì Sầm Sơn báo cáo lên tỉnh. Lúc đầu có hai phương án là dùng bao tải cát hoặc là dùng thép bọc bờ đá sau đó Sở Nông nghiệp đưa ra phương án là dùng thép bọc đá. Chúng tôi sẽ cho chỉnh trang lại trước mùa du lịch, tuy nhiên vẫn phải ưu tiên chống xâm thực. Đây chỉ là phương án tạm thời còn sau này thế nào là do lãnh đạo cấp trên còn đang nghiên cứu” – ông Hoàng nói.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn cho biết: “Khu vực bờ biển bãi D thuộc phường Quảng Cư không nằm trong dự án kè biển. Tới đây để giải quyết vấn đề mỹ quan thì chúng tôi sẽ cho trồng cây trang trí lên, treo các giỏ hoa. Khi nào mưa gió hay lũ lụt thì lại đưa vào trong, trước mắt là dùng phương án di động như thế.

Còn phương án lâu dài thì đây là bài toán rất khó. Vấn đề xói lở ở khu vực này đang ăn vào phía nam, “cái khó bó cái khôn”, kinh phí không có, chính quyền địa phương cũng rất trăn trở. Tới đây, chúng tôi sẽ báo cáo tỉnh để làm sao tìm một đơn vị tư vấn nghiên cứu về dòng chảy ngầm để có phương án”.

Liên quan đến sự nhếch nhác của các bến thuyền thì ông Thắng cho biết, hiện thành phố đã có công văn gửi đến các phường yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của các bến thuyền.

Bình Minh