Bí mật ý nghĩa ngày rằm tháng 7 của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng

Thảo Trinh

(Dân trí) - Lễ Vu Lan hay rằm tháng 7 không chỉ là dịp để người dân tộc Tày, Nùng quây quần bên gia đình, tưởng nhớ ông bà tổ tiên mà còn đánh dấu cột mốc quan trọng của quá trình sản xuất trong năm,...

Đối với đồng bào Tày, Nùng quanh năm gần như tháng nào cũng có Tết. Tuy mỗi ngày lễ Tết đều có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau nhưng tất cả đều hàm chứa những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Đối với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, rằm tháng 7 là một trong ba cái Tết quan trọng và lớn nhất của năm. Người dân nơi đây quan niệm rằng, rằm tháng 7 không chỉ là dịp để gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu mà còn ẩn chứa nhiều câu chuyện và ý nghĩa khác.

Bí mật ý nghĩa ngày rằm tháng 7 của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng - 1

Cao Bằng là địa phương duy nhất trên cả nước chưa phát hiện ca F0 trong cộng đồng. Trong hình là phiên chợ rằm tháng 7 năm nay tại xã Lương Thông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Tháng 7 âm lịch là dấu mốc quan trọng trong quá trình sản xuất suốt một năm của cộng đồng người Tày, Nùng. Thời điểm này, bà con vừa thu hoạch xong vụ lúa chiêm, vụ ngô và cấy xong vụ mùa. Việc lao động sản xuất cũng thảnh thơi hơn, người dân địa phương chỉ cần làm cỏ, chăm bón chờ đến ngày thu hoạch. 

Bởi vậy, bà con mở tiệc ăn mừng, làm cỗ thắp hương mời tổ tiên về chứng kiến và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây lúa sinh trưởng tốt tươi để mùa màng bội thu. 

Bí mật ý nghĩa ngày rằm tháng 7 của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng - 2

Người mua, người bán nhộn nhịp trong phiên chợ rằm tháng 7.

Bên cạnh đó, rằm tháng Bảy còn là dịp để bà con tưởng nhớ vong linh những chiến binh của nghĩa quân Nùng Trí Cao - một anh hùng dân tộc Tày sống ở thời nhà Lý thế kỷ 11.

Nùng Trí Cao là con của một thủ lĩnh địa phương, được triều đình nhà Lý giao quyền cai quản, bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc trước sự xâm lấn của nhà Tống từ phương Bắc. Trong một trận chiến ác liệt ở Tổng Quỷ, gần cửa khẩu Tà Lùng, huyện Quảng Hòa - Cao Bằng ngày nay, nhiều quân binh cùng Nùng Trí Cao tử trận. Nhân dân thương tiếc, lấy ngày 14/7 làm ngày giỗ của quân binh. Trong ngày này, người dân thường làm "péng tái" hay còn gọi là bánh gai để cúng vong hồn binh sỹ.

"Péng tái" dịch ra nguyên nghĩa là bánh đưa đường. Tương truyền, khi quân của Trí Cao lên đường đánh giặc, đi đến đâu, người dân cũng làm bánh gai cho quân sỹ làm lương thực.

Bí mật ý nghĩa ngày rằm tháng 7 của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng - 3

Người dân thu hoạch lá gai, rửa sạch đem về gói bánh .

Với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, rằm tháng 7 cũng là dịp để những cô gái đã lấy chồng về thăm cha mẹ, gia đình. Ngày lễ này còn được gọi là Tết "Pây Tái", con gái và con rể đem lễ về thăm và biếu nhà ngoại đôi vịt béo, chục bánh gai để thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ.

Chia sẻ với Dân trí, chị Nông Thị Đào (xã Cần Yên, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ: "Tôi rất tự hào với truyền thống làm bánh gai ở địa phương vào dịp rằm tháng 7. Mỗi năm tôi chỉ có một ngày được quây quần cùng gia đình bên bếp lửa gói bánh, vì làm dâu xa và bận nương rẫy quanh năm. Cứ đến dịp này được về bên nhà ngoại nên tôi thấy rất hạnh phúc. Dù ai đi xa, đi ngược về xuôi vẫn nhớ rằm tháng 7 để gói bánh, chuẩn bị mâm cỗ thờ cúng tổ tiên".

Bí mật ý nghĩa ngày rằm tháng 7 của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng - 4

Cô Đào làm món bánh gai truyền thống của địa phương trong dịp về thăm gia đình nhân ngày rằm tháng 7.

6 năm đi học xa nhà không thể quây quần bên gia đình vào rằm tháng 7 nên năm nay, cô bạn Nông Thảo Ly (SN 2000) cảm thấy rất vui và thích thú khi được trở về quê Cao Bằng, cùng bố mẹ đón dịp lễ Tết truyền thống đặc biệt này.

"Năm nay đã tốt nghiệp đại học nên mình có thời gian nghỉ ngơi, trở về quê nhà cùng gia đình đón rằm tháng 7. Mình được gói bánh cùng mẹ bên bếp lửa hồng, bày cỗ lên bàn thờ và thắp nhang tưởng nhớ tổ tiên. Cảm giác rất hạnh phúc và xúc động khi mình được tham gia và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình cũng như quê hương", Thảo Ly bày tỏ.