Bất ngờ trước phát hiện mới về loại vật liệu xây dựng Vạn Lý Trường Thành
(Dân trí) - Các chuyên gia đã phân tích một số đoạn tường Vạn Lý Trường Thành cổ nhất và phát hiện thấy trong thành phần vật liệu xây dựng có cây sậy và đất sỏi.
Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc, được xây liên tục bằng đất và đá từ thế kỷ 5 trước Công Nguyên cho tới thế kỷ 16, để bảo vệ quốc gia khỏi sự tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ và những bộ tộc du mục khác.
Công trình được xây bằng trí tuệ, sự hi sinh của rất nhiều người dân. Thay vì là dự án xây dựng khổng lồ, trên thực tế, công trình được xây, sửa và cải tạo trong 2.300 năm dưới 9 triều đại.
Không chỉ là một trong 7 kỳ quan thế giới, bức tường thành này còn chứa nhiều bí ẩn mà hậu thế vẫn chưa thể tìm hiểu hết.
Một số đoạn tường được xây từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, trong đó nổi tiếng nhất là phần tường do Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây từ năm 220 trước Công Nguyên và 200 trước Công Nguyên. Phần tường này nằm phía bắc cách xa phần Vạn Lý Trường Thành hiện tại xây dưới thời nhà Minh.
Nghiên cứu sơ bộ công bố hồi năm 2009, ước tính công trình có chiều dài 8.850 km. Theo số liệu của cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, công trình dài 21.196 km. Tuy nhiên, nếu chắp nối tất cả các đoạn tường thành với nhau thì tổng chiều dài của nó có thể lên tới 56.000km. Chiều cao trung bình bức tường 7m so với mặt đất.
Mặt trên của tường thành rộng trung bình từ 5-6m.
Mới đây, một nhóm các nhà khảo cổ học do tiến sĩ Robert Patalano đến từ khoa khảo cổ học thuộc viện nhân chủng học Max Planck dẫn đầu, phân tích các vật liệu thực vật được sử dụng để xây dựng đoạn tường thành cổ và tháp canh nằm ở phía tây bắc Trung Quốc.
Kết quả nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng chứng minh một số đoạn tường được xây và sửa chữa. Vài đoạn tường thành và pháo đài niên đại từ thời Tam Quốc (năm 475 -221 trước Công nguyên). Những đoạn tường này chứa cây sậy - loại vật liệu có sẵn ở địa phương, trộn cùng mẩu gỗ lẫn với đất sỏi.
Khi tiến hành phân tích, các nhà khảo cổ học nhận thấy, đây là loại sậy mọc ở những vùng đầm lầy thuộc vùng ôn đới và nhiệt đới trên khắp thế giới. Thông qua nhiều kỹ thuật, nhóm chuyên gia so sánh loại sậy cổ đại trong tường thành với những chủng cây hiện đại mọc ở tỉnh Cam Túc và Tân Cương. Kết quả cho thấy, phần lớn mẫu vật sậy cổ đại ở trạng thái bảo quản hoàn hảo.
Thông qua các mẫu vật giúp nhóm chuyên gia có thể "quay ngược thời gian" theo dõi những thay đổi lịch sử về môi trường và khí hậu dọc theo rìa phía đông lòng chảo Tarim dưới triều nhà Hán (năm 170 trước Công nguyên).