Bán trà sữa ngập hành lá, ớt cay gây phản cảm, quán ở TPHCM bị "ném đá"
(Dân trí) - Thời gian gần đây, một quán trà sữa ở TPHCM tung ra hai sản phẩm vị hành lá và ớt cay đã gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Trà sữa ngập hành lá, ớt cay
Ngày 30/3, một quán trà sữa ở quận 10 (TPHCM) đăng tải đoạn video giới thiệu "trà sữa hành lá - món mới ra mắt" vào ngày 1/4.
Sau ba ngày, đoạn video nhanh chóng thu hút gần 17 triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt tương tác và bình luận. Từ đó, trà sữa hành lá tạo nên cơn sốt trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhiều người cho rằng đây chỉ là trò đùa ngày Cá tháng tư. Tuy nhiên, đến ngày 1/4, quán trà sữa này thông báo chính thức bán trà sữa hành lá, món này được đưa lên ứng dụng giao đồ ăn.
Quán lưu ý "hành lá được để riêng, khách hàng muốn trải nghiệm thì cho vào sau".
Theo tìm hiểu, một bộ thức uống bao gồm một ly trà sữa, một hộp topping (gồm trân châu, thạch phô mai, củ năng, thạch tạo hình chân mèo), một hộp hành lá thái nhỏ và một gói mì, có tổng giá 49.000 đồng.
Đi kèm đồ uống, cửa hàng ghi chú cho khách dòng: "Chúc bạn ngày Cá tháng tư vui vẻ, hành lá ăn chung với mì".
Chưa dừng lại, quán trà sữa này còn tung ra "trà sữa nóng nảy", kết hợp vị cay nồng từ ớt tươi và vị ngọt từ trà sữa. Trên mạng xã hội, nhiều người dùng mạng "ném đá" quán này cố tình "câu" tương tác bằng cách cho ra mắt các món trà sữa phản cảm.
"Bản thân mình là một người yêu ẩm thực, nhìn cách quán tạo ra những loại đồ uống kinh tởm như vậy thật sự bị xúc phạm", người dùng Lê Linh bình luận.
"Hỏi thật quán đang muốn làm gì vậy? Đây là hành động lãng phí đồ ăn, thức uống, phá hoại nền ẩm thực, mất thiện cảm với quán", một người khác bày tỏ bức xúc.
Một vài TikToker chuyên review (đánh giá) đồ ăn đã mạnh dạn trải nghiệm trà sữa hành lá. Họ chia sẻ vị hăng của hành lá sống không thể hòa chung với hương vị béo và ngọt của trà sữa.
Do đó tổng thể món ăn "không thể chấp nhận được", nhiều người "cảm thấy kinh khủng và buồn nôn, không dám uống ngụm thứ hai".
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một nhân viên quán trà sữa này xác nhận quán thực sự bán món trà sữa hành lá, còn trà sữa vị ớt cay chỉ là một hình thức quảng cáo. Đến chiều 2/4, quán đã gỡ trà sữa hành lá khỏi nền tảng giao đồ ăn.
Chuyên gia nói gì?
Trên thực tế, trà sữa hành lá có nguồn gốc từ Trung Quốc. Năm 2022, cửa hàng cá nướng Kao Jiang ở Thành Đô cho trà sữa hành lá vào thực đơn từ ngày 18 đến 30/4 với giá 6,6 tệ (hơn 20.000 đồng).
Thành phần chính là trà xanh matcha của Nhật Bản kết hợp kem tươi nhưng chỉ rắc vài cọng hành lên trên để trang trí, không đổ trực tiếp một lượng lớn hành sống như ở Việt Nam. Do đó, mùi vị trà sữa không bị ảnh hưởng nhiều, trừ những người vốn nhạy cảm với mùi.
Tương tự, cà phê bột ớt cũng có xuất xứ Trung Quốc, được quán cà phê Jingshi tại tỉnh Giang Tây bày bán vào tháng 12/2023. Món này kết hợp giữa latte đá truyền thống với ớt khô, bột ớt nhằm tôn vinh nền ẩm thực nhiều đồ cay nổi tiếng của địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng, chuyên gia trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage Service - dịch vụ ẩm thực, nhà hàng, ăn uống), người sáng lập chuỗi Pizza Home, nhận định trà sữa hành lá và ớt cay được tạo ra chủ yếu tạo hiệu ứng quảng cáo, nhắc nhở khách hàng về thương hiệu, chứ không nhằm mục đích bán hàng.
Theo ông, trong lĩnh vực F&B, không phải sản phẩm nào cũng để bán hàng. Có những sản phẩm là công cụ marketing (quảng cáo), tạo tính năng viral (lan tỏa).
Trên thực tế, nhu cầu của khách hàng với những sản phẩm như trà sữa hành lá không quá nhiều. Một số khách hàng chỉ vì tò mò nên dùng thử hoặc các TikToker, Reviewer mua để trải nghiệm, làm sáng tạo nội dung.
"Những sản phẩm này ngoài giá trị độc lạ thì không còn giá trị nào khác cho khách hàng", ông Tùng nói.
Theo chuyên gia, không chỉ những nhãn hàng nhỏ, mà nhiều thương hiệu lớn, nổi tiếng, cũng từng tung ra thị trường những dòng sản phẩm mang tính chất độc lạ, thu hút khách hàng.
Ví dụ KFC từng ra mắt nhang thắp hương có mùi gà vào dịp Tết Nguyên đán 2023 hay kem chống nắng mùi gà rán năm 2016. Đây là những ví dụ tiêu biểu cho thấy một sản phẩm kỳ quặc nhưng mang lại sức hút truyền thông, tạo độ lan tỏa mạnh mẽ.
Ngoài ra, một số sản phẩm độc lạ có tệp khách hàng trung thành, như: đậu phụ thối của Trung Quốc, cà phê muối, cà phê mắm. Những sản phẩm này ban đầu nghe hơi lạ, nhưng thực chất đã tồn tại từ rất lâu trên thị trường, có lượng khách hàng ổn định.
"Những sản phẩm độc lạ, nhưng có tệp khách hàng trung thành, thì vẫn sẽ tồn tại trên thị trường. Còn trà sữa hành lá, ớt cay, là những sản phẩm được tạo ra chỉ nhằm mục tiêu lan truyền, chứ không có giá trị lâu dài", ông Tùng nói.