Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Bản làng người Dao học cách phát triển kinh tế từ du lịch

Hồng Anh

(Dân trí) - Ông Ngọ Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định nhấn mạnh, thôn Lũng Slàng có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng.

Những năm gần đây, người Dao ở thôn Lũng Slàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đã tận dụng những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng và bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để phát triển du lịch, phát triển kinh tế địa phương.

Thôn Lũng Slàng có 37 hộ dân với 182 nhân khẩu. Người dân sinh sống trong thôn 100% là dân tộc Dao. Thôn được ví như một ốc đảo giữa núi cao với phong cảnh đẹp, yên bình.

Bản làng người Dao học cách phát triển kinh tế từ du lịch - 1

Phụ nữ người Dao ở thôn Lũng Slàng chào đón du khách (Ảnh: Hồng Anh).

Vây quanh thôn là núi, đồi, ở giữa là những thửa ruộng bậc thang, chỉ có một con đường duy nhất đi vào thôn. Muốn khám phá được "ốc đảo" này, du khách chỉ có thể di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ.

Tất cả các hộ dân trong thôn đều sống trong những ngôi nhà sàn bằng gỗ. Các gia đình vẫn lưu giữ các nghề truyền thống như: đan lát, làm men rượu từ lá rừng, nấu rượu ngô thủ công từ men lá, thêu thổ cẩm, hái lá thuốc làm lá tắm…

Người Dao ở Lũng Slàng vẫn lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác các làn điệu hát Páo Dung. Các nghi lễ truyền thống trong đám cưới, đám tang, lễ cấp sắc, lễ nhảy lửa… vẫn được bảo tồn.

Mấy năm gần đây, các gia đình trong thôn Lũng Slàng đã mở dịch vụ lưu trú, tiếp đón các đoàn khách du lịch. Hàng chục người có nhiệm vụ vận chuyển, đưa đón khách từ điểm đỗ xe ô tô vào trung tâm thôn.

Đồng bào người Dao nơi đây đã tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách thức làm du lịch, tìm hiểu nhu cầu du khách để cùng nhau cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng gia đình (chăn màn, bát đĩa, tủ lạnh…).

Nhiều hộ gia đình đầu tư xây nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh để phục vụ khách. Mỗi khi khách đến, họ phân công nhau đón tiếp, phục vụ khách ăn uống, nghỉ ngơi, đưa khách đi tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh ruộng bậc thang, vườn cây ăn quả, rừng trúc…

Bản làng người Dao học cách phát triển kinh tế từ du lịch - 2

Du khách thích thú tạo dáng bên những ngôi nhà truyền thống của người Dao ở thôn Lũng Slàng (Ảnh: Hồng Anh).

Thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đến khảo sát Lũng Slàng và nhiều điểm du lịch khác tại huyện Tràng Định. Các hoạt động xúc tiến nhằm kết hợp với địa phương cùng đẩy mạnh phát triển du lịch nơi đây, góp phần nâng cao đời sống cho cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ông Ngọ Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định nhấn mạnh, thôn Lũng Slàng có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Huyện sẽ định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa trên địa bàn.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Dự án tập trung xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng; góp phần nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, hỗ trợ cải thiện chất lượng dân số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng đồng và xây dựng cơ sở chính trị ở thôn bản vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm