Bài 2: 400 ngày đêm mở lối trên không

(Dân trí) - Giải được bài toán định tuyến, dự án cáp treo Bà Nà – Suối Mơ chính thức bước vào giai đoạn thi công kéo dài 12 tháng. Đây cũng là khoảng thời gian thử thách ý chí và sức bền ghê gớm nhất là khi hầu hết việc vận chuyển nguyên vật liệu, thi công hố móng, dựng trụ, kéo cáp đều chỉ có thể được thực hiện bằng những đôi tay trần. Khó tin đến độ, ngay cả những chuyên gia lạc quan nhất của Doppelmayr Garaventa cũng hoài nghi về việc dự án sẽ về đích chỉ sau gần 400 ngày.

Vượt qua hoài nghi

Thực tế, ngay từ khi dự án xây dựng tuyến cáp treo số 1 mới chỉ nằm trên… giấy thì đã có rất nhiều hoài nghi được đặt ra với công trình. Thậm chí, bản thân những người trong cuộc lúc bấy giờ cũng không dám tin rằng mình có thể giải quyết khối lượng công việc khổng lồ chỉ trong vòng 1 năm.

Nhớ về khoảng thời gian đầu tiên này, ông Phạm Văn Hoàng (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Cáp treo Bà Nà) kể lại: “Năm 2007, tôi đang làm Ban quản lý du lịch Bà Nà và đã rất ngạc nhiên khi nghe thông tin Sun Group sẽ đầu tư xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh Núi Chúa. Ngày đó thực sự không ai tin, kể cả lãnh đạo thành phố [Đà Nẵng-PV] đến các cán bộ nhân viên khu du lịch đều thấy mơ hồ và nghi là mấy ông này… xạo”.

Bài 2: 400 ngày đêm mở lối trên không - 1
Ông Trần Tịnh kể lại quá trình mở đường thi công cáp treo số 1

Ngay cả mục tiêu phục vụ khoảng 1.000 người mỗi ngày sau khi cáp treo đi vào hoạt động cũng bị đặt dấu hỏi lớn bởi trước đó lượng khách lên Bà Nà rất ít. Theo số liệu Ban quản lý khu du lịch Bà Nà, năm “bội thu” nhất [2006-PV], khu du lịch Bà Nà cũ cũng chỉ thu hút được khoảng 70.000 du khách.

Ông Hoàng Văn Thiệu, một Phó Giám đốc khác của Công ty Cáp treo Bà Nà cũng đã phải “toát mồ hôi hột” khi mường tượng về tiến độ dự án trong những ngày đầu.

“Theo yêu cầu của lãnh đạo Tập đoàn, thời gian để hoàn thành toàn bộ tuyến cáp treo số 1 chỉ là 1 năm. Hồi đó, bản thân tôi chưa nhìn thấy cơ hội thực hiện mà chỉ cảm thấy áp lực ghê gớm, vì riêng bài toán về nhân công và vận chuyển dự kiến đã phải mất 2 năm mới có thể giải quyết trọn vẹn,” ông Thiệu nhớ lại.

Bài 2: 400 ngày đêm mở lối trên không - 2
Thi công cáp treo số 1

Cộng với việc vào năm 2007, khái niệm về Cáp treo qua núi còn rất mơ hồ, quyết định đầu tư cũng như những tham vọng đặt ra của Sun Group đã bị nhiều người cho là viển vông và hoang đường. Hoàn thành thế nào nổi khi kinh nghiệm xây dựng Cáp chỉ là con số 0 tròn trĩnh? Quá trình vận chuyển hàng nghìn tấn vật liệu, máy móc lên dọc sườn núi Bà Nà sẽ tiến hành ra sao khi không được phép chặt hạ cây rừng tạo tuyến? 22 hố móng chỉ được đào bằng sức người liệu tới bao giờ mới xong? Một loạt câu hỏi được đặt ra khiến cho những kỹ sư, công nhân tại Bà Nà ngày ấy đã phải chịu sức ép rất lớn.

Thậm chí, đến cả các chuyên gia đến từ Doppelmayr – tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực cáp treo của thế giới cũng không tin vào thời hạn một năm do đối tác Việt Nam đưa ra. Chỉ riêng trong khâu vận chuyển, phía Doppelmayr ban đầu đưa ra phương án dùng trực thăng “bốc” toàn bộ vật liệu, bao gồm bê tông và các trụ thép bay thẳng tới vị trí các móng trụ. Đây là cách thức vận chuyển thường thấy khi thi công cáp tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù của Bà Nà, phương án này là bất khả thi.

Anh Trịnh Hà, cựu cán bộ trắc đạc là một trong những người tham gia dự án từ những ngày sơ khai. Anh vẫn không thể quên được cái lắc đầu ngao ngán của các chuyên gia đến từ Áo.

“Họ nghĩ, nếu không sử dụng trực thăng, dự án sẽ bị đình trệ. Không ai trong số các Tây nghĩ chúng tôi sẽ thực hiện đúng thời hạn cả,” anh nhớ lại.

Thế nhưng, bất chấp tất cả những nghi ngờ đổ về từ tứ phía ấy, hàng trăm kỹ sư, công nhân vẫn quăng mình vào rừng thẳm, bắt đầu cho hành trình tưởng chừng như điên rồ kéo dài gần 400 ngày để mở lối trên không lên đỉnh Bà Nà… Bởi nói như anh Hà, “đến tận bây giờ khi cùng ngồi lại để nhắc tới chuyện ngày xưa, tôi cũng không lý giải nổi vì sao chúng tôi có thể làm việc trong điều kiện thiếu thốn đủ bề mà tinh thần vẫn lạc quan và tràn đầy nhiệt huyết? Có lẽ chúng tôi muốn tự định nghĩa “Cáp treo là gì” và sẽ giải mã nó, để thấy rằng nó chẳng có gì là huyền bí”.

Bài 2: 400 ngày đêm mở lối trên không - 3
Thi công cáp treo số 1

Kỳ tích trên sống lưng Trường Sơn

Trên địa đồ Tổ Quốc, Bà Nà, nằm trên sống lưng dãy Trường Sơn, vốn là một sống đá hoa cương khổng lồ đột khởi từ Lào rồi men theo biên giới phía Nam Thừa Thiên-Huế hướng ra thẳng vịnh Đà Nẵng. Với điều kiện địa hình nhiều dốc đứng, có rừng nguyên sinh bao phủ, Bà Nà thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng với thế hệ những người đầu tiên thi công tuyến cáp treo số 1.

Do 22 địa điểm được chọn để thi công hố móng đều nằm sâu trong rừng rậm, đường vào hết sức khó khăn; cộng thêm chủ trương không phá rừng từ chủ đầu tư nên mọi phương tiện, máy móc vận chuyển nguyên vật liệu đều phải đầu hàng vô điều kiện. Phương án khả thi nhất được đưa ra và phê duyệt là dùng bằng sức người “cõng” sắt, đá, xi măng lên núi. Bất chấp những nghi ngại đến từ Doppelmayr, ngày ngày, từng đoàn người vác từng gùi cát, sỏi, xi măng hổn hển leo dốc, vượt ghềnh để vào các điểm tập kết.

Anh Trần Văn Minh, một trong những người thợ thi công có mặt tại Bà Nà ngay từ những ngày đầu đến tận bây giờ vẫn không thể hình dung được nguồn động lực nào đã giúp anh và các đồng nghiệp có thể “gồng gánh” hàng chục nghìn tấn vật liệu từ chân núi lên những độ cao hơn một ngàn mét.

“Lắm lúc, vác sỏi đá, máy móc đến chai cứng cả hai vai, mồ hôi lúc nào cũng đầm đìa như tắm. Chúng tôi còn thuê cả đồng bào Stieng làm cùng vì chỉ có họ mới quen rừng, quen núi,” anh Minh khẽ nheo nheo mắt nói.

Kỹ sư Phạm Khắc Hằng cũng được nếm trải cảm giác rã rời và tê dại khi tay không vác theo máy khoan địa chất xuyên qua đại ngàn. Sau này, mỗi lần nhớ lại, anh lại rùng mình: “Để đem máy đi, chúng tôi phải tháo rời từng cấu kiện rồi vác bộ. Từ cột trụ này sang cột trụ khác mất tới 3,4 ngày di chuyển. Bà Nà khi đó lại đang đúng mùa mưa. Vừa đi, vừa trượt ngã, lăn lê với bùn sình”.

Bài 2: 400 ngày đêm mở lối trên không - 4
Xây dựng cáp treo số 1

Đưa máy móc cồng kềnh vào tận chân công trình là điều bất khả thi, những đôi tay trần lại thêm phần chai sạn khi tất cả công việc san gạt, đào móng… chỉ được thực hiện bằng những dụng cụ thô sơ nhất.

Anh Nguyễn Hữu Tấn, nhân viên kỹ thuật tuyến cáp treo số 1 kể lại: Mỗi hố móng có kích thước khoảng 15x15m, sâu gần chục mét. Những gã thợ chỉ có cuốc, xẻng… trần mình hì hục khoét từng mảng đất. Cấu tạo đất của Núi Chúa rất lạ. Chỉ cần đào sâu xuống khoảng hơn 1m là đã bắt gặp gốc cây khổng lồ cả chục người ôm, cứng như hóa thạch; cứng đến nỗi cuốc xẻng cũng phải oằn cả lưỡi nếu không may va phải. Đó là còn chưa kể đến những tảng đá mồ côi – thứ đặc sản không kém phần… quái gở của Bà Nà. Đá trắng toát, phẳng lì, có khi to bằng cả nửa gian bếp nằm nửa chìm, nửa nổi trong lòng đất. Đây là thứ đá mà ngay cả máy khoan cũng phải “chào thua” do độ bền khó tin của mình.

Cực nhất với cánh thợ là thi phải thi công trong mùa mưa. Gió Bà Nà ngậm nặng hơi biển, sầm sập đổ mưa xuống các sườn dốc đứng. Mưa ồ ạt táp vào mặt người đau như roi quất. Mưa trắng núi, trắng trời. Mưa đỏ ngòm màu bùn đất. Nước khiến đá từ trên những mỏm cao lăn lông lốc chạy về phía các lán trại đơn sơ khiến hàng chục gã trai đang trú bên trong nơm nớp sợ.

Có đợt mưa lớn kéo dài đến gần cả tuần, toàn bộ đường cung ứng thực phẩm cho công trường bị cắt đứt. Người bên ngoài xót xa nhìn đồ ăn hỏng, còn bên trong rừng thì anh em phải mò cua bắt cá qua ngày.

“Cựu binh” Trần Tịnh năm nay đã 62 tuổi nhưng vẫn giữ được vóc dáng tráng kiện thuở nào. Dẫn chúng tôi đi sâu vào rừng Bà Nà, nơi ông và các đồng nghiệp đã lăn lộn một thời, ông vẫn đủ sức leo thoăn thoắt qua các con dốc dựng đứng chằng chịt cây gai. Chốc chốc, ông lại dừng hẳn lại để chờ đợi đoàn khách muốn trải nghiệm phần nào sự khốc liệt của Bà Nà đang đỏ mặt tía tai, hổn hển thở dốc.

Ngồi nghỉ trên mỏm đá nhô ra trên lưng chừng núi, ông bảo: Người đi rừng 12 năm về trước không ngán ngại điều gì: Từ rắn, vắt, muỗi rừng…, mà chỉ sợ nhất… lũ. Những chuyện như đang ngủ cây đổ ràm rạp vào đầu hay bị sét đánh cháy đen cả lán trại… dần dần trở nên bình thường nếu đặt cạnh nguy cơ từ lũ ống.

Chỉ tay lên con thác trắng xóa đang ràn rạt chảy từ sườn núi xuống cả chục mét phía dưới, ông cười cười: “Trông lành thế đấy, nhưng chỉ sau một cơn mưa, thác nước này sẽ biến thành ác mộng. Nước dồn ứ từ trên cao đổ về, biến thành lũ ống, quét sạch tất cả những gì nó gặp trên đường đi.”

Ngay như cựu Giám đốc Vũ Huy Thắng – một trong 10 người đầu tiên của Sun Group có mặt tại Bà Nà cũng từng suýt chết vì gặp phải cơn “trở mình” của Núi Chúa.

Khẽ lau mồ hôi đã lấm tấm trên trán, ông kể: “Một lần, anh em dừng lại nghỉ đêm ven một con suối nhỏ. Lúc này không ai biết, từ phía thượng nguồn, lũ ồng ộc đổ về.”

May mắn, nghe âm thanh như trâu phi nước kiệu, một thành viên chỉ kịp hô: “Chạy!”, gần chục người cuống cuồng lao ra khỏi phạm vi lòng suối cạn. Chỉ vài phút sau, nước ầm ầm lao xuống, cuốn phăng đi hết võng mền, quần áo…

“Sáng hôm sau, khi đã hoàn hồn rồi, chúng tôi quay lại thì chỉ thấy ngổn ngang đá sỏi cùng những thân cây gãy đổ. Hôm ấy, chỉ cần chậm một chút nữa thôi là tất cả đã nằm lại với Bà Nà rồi.” người đàn ông rắn rỏi run run kể lại.

Song song với vận chuyển và thi công thủ công, một tuyến cáp công vụ sơ khai cũng khẩn trương được thành hình. Nhưng kéo cáp thế nào và bằng phương tiện gì lại là một bài toán khó.

Bài 2: 400 ngày đêm mở lối trên không - 5

Anh Hoàng Văn Thiệu

Nhớ lại thời điểm này, ông Hoàng Văn Thiệu (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Cáp treo Bà Nà) kể lại: “Nếu dựng cáp công vụ theo đề xuất của Doppelmayr thì giá trị quá lớn. Phía công ty buộc phải linh hoạt”.

Thay vì dựng cột đỡ, thợ cơ khí sẽ cố định từng đoạn cáp tải lên các thân cây rừng rồi dùng pa lăng và tời điện để di chuyển các “lô hàng”. Lần đầu tiên được mục sở thị tuyến cáp công vụ kiểu Việt Nam và do người Việt Nam tự làm, nhóm chuyên gia Châu Âu mắt tròn mắt dẹt.Trong suốt nhiều năm làm nghề, chưa bao giờ họ thấy một hệ thống cáp phụ trợ mà hệ thống cột trụ lại chính là những thân cây rừng đồ sộ và được vận hành theo từng chặng.

“Nói thì đơn giản, nhưng để vận chuyển những bó cáp nặng cả tấn, kéo xuyên qua rừng, leo dốc cũng rất mất thời gian và công sức của anh em, trung bình cứ 3 tháng mới kéo được một chặng cáp công vụ. Chỉ tới khi bắt tay hợp tác với 2 nhà thầu khác, tiến độ mới được đẩy nhanh lên.”

Tới tháng 6/2008, thuần túy nhờ vào sức người, tuyến cáp công vụ (LCS) chính thức được vận hành trên toàn tuyến, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của cả đại công trình trên đỉnh Bà Nà. Bắt đầu từ đây, máy móc cỡ lớn cùng hàng nghìn tấn vật liệu nối đuôi nhau vào tận chân các móng trụ. Nhìn tuyến cáp con chạy băng giữa đại ngàn, những gã trai lấm lem bùn đất và ướt đầm mồ hôi ai cũng mường tượng ra ngày về đích đã rất gần…