Bạc Liêu phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL

(Dân trí) - Theo kế hoạch phát triển ngành du lịch của tỉnh Bạc Liêu, tỉnh này phấn đấu đến năm 2030 đón trên 12 triệu lượt khách, trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Có phát triển nhưng vẫn còn nhiều hạn chế

Theo Tỉnh ủy Bạc Liêu, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy (ngày 24/6/2011) về “Đẩy mạnh phát triển du lịch”, ngành du lịch của tỉnh có bước phát triển khá. Hàng năm, lượng khách tăng trung bình khoảng 22%, tổng thu du lịch tăng trung bình khoảng 20%.

Trong năm 2018, lượng khách du lịch đạt khoảng 1,69 triệu lượt, tăng 3,19 lần và tổng thu ngành du lịch đạt khoảng 1.290 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với năm 2011.

Bạc Liêu hiện có 9 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực. Bên cạnh đó, có nhiều sản phẩm du lịch đã tạo thương hiệu trong khu vực và cả nước như Nhà máy điện gió, Nhà Công tử Bạc Liêu,…

Bạc Liêu phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL - 1

Bạc Liêu vừa diễn ra thành công "Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2019", đón hơn 500.000 lượt khách. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Tuy nhiên, ngành du lịch Bạc Liêu vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phát triển chưa bền vững, thiếu tính chuyên nghiệp và đồng bộ; cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ và nền kinh tế còn thấp; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt rõ nét; hoạt động quảng bá, xúc tiến và giới thiệu về du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp chưa cao;…

Nguyên nhân được tỉnh Bạc Liêu đưa ra là do các cấp, các ngành chưa thực sự coi trọng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và mang nội dung văn hóa sâu sắc; khởi nghiệp trong ngành du lịch chưa được quan tâm đúng mức;…

Bạc Liêu phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL - 2

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cùng chụp ảnh lưu niệm với đại biểu sau khi tham dự một chương trình trước Nhà hát Cao Văn Lầu (còn gọi ví von là Nhà hát 3 nón lá). Đây được xem là một nhà hát có kiến trúc, hình dáng độc đáo của Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung.

Đưa du lịch thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện Nghị quyết 11 (ngày 17/12/2018) của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết mục tiêu đến năm 2020 thu hút trên 3 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 3.000 tỷ đồng, toàn tỉnh có 10 điểm du lịch được công nhận.

Đến năm 2025, thu hút 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu 10.000 tỷ đồng, toàn tỉnh có 15 điểm du lịch, 1 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh sách các khu vực có tiềm năng phát triển khu du lịch Quốc gia.

Và đến năm 2030, thu hút trên 12 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 28.000 tỷ đồng, có 20 điểm du lịch, 2 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận, trong đó có 1 khu du lịch được công nhận là khu du lịch Quốc gia.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, quan điểm của tỉnh là phát triển du lịch trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Trong đó, đến năm 2030, ngành du lịch Bạc Liêu sẽ phát triển bền vững, với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp, là một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL.

Bạc Liêu phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL - 3

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - bà Lâm Thị Sang cho biết tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đạt mục tiêu theo Nghị quyết về phát triển du lịch đã đưa ra. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Trong đó, Bạc Liêu sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, gồm: Sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị bất hủ của bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu "Công tử Bạc Liêu"; sản phẩm du lịch tham quan Điện gió gắn với hệ sinh thái rừng ven biển; sản phẩm du lịch tham quan Quảng trường Hùng Vương và các công trình nghệ thuật kiến trúc, văn hóa xung quanh; sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp truyền thống và công nghệ cao;…

Bạc Liêu xây dựng không gian du lịch tại trung tâm TP Bạc Liêu; không gian trục ven biển TP Bạc Liêu; không gian vành đai sinh thái ven biển từ giáp ranh TP Bạc Liêu đến cửa biển Gành Hào; không gian Giá Rai - Đông Hải; không gian Vĩnh Lợi - Hồng Dân - Phước Long;…

Phấn đấu đến năm 2030 đưa TP Bạc Liêu trở thành thành phố du lịch, là trung tâm điều tiết, kết nối, tạo động lực phát triển du lịch của toàn tỉnh, cũng như là một trong những trung tâm điều tiết, kết nối du lịch của các đô thị thuộc khu vực ĐBSCL.

Bạc Liêu phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL - 4

Một góc trung tâm TP Bạc Liêu. 

Bạc Liêu phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL - 5

Trong đó có Quảng trường Hùng Vương và các công trình xung quanh được xem là một sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.

Bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng với mục tiêu đến năm 2030, số lượng du khách mà tỉnh phấn đấu đạt được nếu so nhiều tỉnh, thành khác vẫn còn thấp nhưng là điều mà Bạc Liêu mong muốn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh sẽ cố gắng huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, tạo cơ chế môi trường thuận lợi; đầu tư kết cấu hạ tầng; phát triển đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là sản phẩm du lịch đặc thù; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, đặc biệt là vùng ĐBSCL và các thành phố lớn để quảng bá hình ảnh du lịch Bạc Liêu đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Huỳnh Hải