Ba món dân dã trên đường rong ruổi phố núi Pleiku
(Dân trí) - Không có nhiều địa danh du lịch như Đà Lạt, không giàu bản sắc văn hóa như Buôn Ma Thuột nhưng Pleiku thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, khí trời trong lành, con người thân thiện cùng một nền ẩm thực phong phú, độc đáo rất riêng.
Bò một nắng chấm muối kiến vàng
KrongPa – một thị trấn của tỉnh Gia Lai được nhiều người nhắc đến không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên mát lành mà còn nhờ món thịt bò một nắng lừng danh.
Để có món bò một nắng chính hiệu, trước tiên phải chọn được thịt bò ngon. Loại bò này được nuôi thả rông trên những triền núi, quanh năm chỉ ăn cây cỏ. Thịt bò được đem thái từng tảng to như lòng bàn tay sau đó mang ướp gia vị. Một trong những bí quyết khi ướp bò của người Tây Nguyên là cho thật nhiều sả để giảm bớt độ hăng.
Với khí hậu nơi đây, chỉ cần một ngày phơi nắng cũng đủ làm thịt bò trở nên đậm đà và có màu nâu đỏ trông đẹp mắt. Khi thực khách muốn thưởng thức, gia chủ chỉ cần bỏ thịt lên than hoa nướng sơ qua chừng 5 - 7 phút. Khâu nướng thịt cũng cần rất khéo léo để thịt không quá cháy, vẫn giữ được độ ngọt, dai và không bị khô.
Món ăn này sẽ tròn vị nếu bạn chấm cùng với muối được chế biến từ loại kiến vàng sống trên cây rừng. Người dân tộc tìm và bắt trọn ổ kiến sau đó mang về rang thật nhanh trên chảo nóng. Lá é - một loại lá từng được sử dụng để tiến vua với mùi thơm thoang thoảng cũng là hương vị chủ đạo. Người dân ở huyện KrongPa sử dụng chúng hòa chung vào muối để cho ra món chấm lạ miệng.
Lấy một miếng thịt bò nướng còn nóng hổi chấm vào chén muối ớt kiến vàng lá é, thực khách sẽ cảm nhận được vị thơm của sả, vị béo của trứng kiến, vị hăng của kiến vàng và mùi thơm nồng từ lá é. Tất cả quyện vào nhau khiến thực khách khó lòng dứt ra được.
Phở khô
Năm 2012, phở khô là một trong 10 món ăn Việt Nam xác lập kỷ lục châu Á. Phở khô còn có tên gọi khác là phở hai tô. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì khi thưởng thức món ăn này, thực khách sẽ được phục vụ hai tô, một tô bánh phở và một tô nước súp.
Phở khô có sợi nhỏ như sợi hủ tiếu nhưng săn và dai hơn. Trụng bánh phở tưởng chừng đơn giản nhưng phải có bí quyết riêng. Bánh phở trụng phải vừa ăn, dai, không nát, không vón cục để thực khách dễ dàng pha chế với tương nâu, xì dầu, tương ớt cho vừa khẩu vị của từng người.
Ngoài sợi phở, nước dùng cũng là thành phần quan trọng làm nên sự ngon miệng cho món ăn. Nước của phở khô Gia Lai trong veo và có vị thanh ngọt rất ngon miệng. Khi ăn, bánh phở được chần chín và để riêng trong một tô, nước dùng được để riêng trong một tô còn lại. Nguyên liệu ăn phở khô rất phong phú, bạn có thể ăn với thịt gà, thịt bò tái hoặc bò viên.
Ăn phở khô không thể thiếu tương đen, đây chính là chất xúc tác, tăng hương vị cho món ăn. Tương vừa có vị mặn nhưng vẫn có vị ngòn ngọt của đậu được lên men. Khi ăn, thực khách chỉ cần cho tất cả các nguyên liệu sẵn có vào trộn đều và cứ thế thưởng thức. Các loại rau ăn kèm là xà lách, húng quế, ngò gai và giá tươi được cho vào ăn chung với bánh phở hoặc nước dùng tùy theo ý thích mỗi người.
Gà nướng cơm lam
Một món ăn nhất định bạn không thể bỏ qua đó là cơm lam gà nướng. Những ống cơm lam được nấu trong ống tre có mùi thơm thơm của gạo quyện lẫn mùi ngai ngái của tre nứa, tất cả như thấm đẫm hương vị của núi rừng.
Cơm lam ở đây được nấu bằng loại gạo nếp nương hạt nhỏ, thuôn dài. Bóc từng miếng tre nứa bên ngoài sẽ thấy phần cơm trắng nõn, dẻo và thơm phức.
Thưởng thức cơm lam với gà nướng sả ớt thì không gì ngon bằng. Những con gà được nuôi thả nên thịt dai, chắc. Đem thịt gà ướp cùng với chút muối, ớt, sả cho đậm đà và một chút mật ong rồi kẹp vào thanh tre nướng trên bếp lửa hồng đến khi thành một màu vàng ruộm, mỡ màng.
Gà không cần chặt mà cứ để nguyên con, thực khách ăn đến đâu xé đến đó. Vị ngọt của mật ong quyện với vị ngọt của thịt, vị cay của ớt kích thích vị giác khiến bạn cứ muốn ăn mãi.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp