TPHCM:
100 công trình trăm tuổi nổi tiếng ở Việt Nam
(Dân trí) - Những công trình trăm tuổi tiêu biểu ở Việt Nam phải kể đến là các công trình về Đền, Chùa... như: Chùa Một Cột ở Hà Nội, Chùa Thiên Mụ ở Huế, Chùa Giác Lâm ở TPHCM…
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công bố Top 100 công trình trăm năm tuổi nổi tiếng ở Việt Nam lần thứ nhất năm 2014 nhằm tôn vinh giá trị và quảng bá rộng rãi, giúp mọi người có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch Việt Nam, chung tay bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo những tinh hoa văn hóa trong từng công trình 100 tuổi.
Những công trình trăm tuổi tiêu biểu ở Việt Nam phải kể đến là các công trình về Đền, Chùa... như: Chùa Một Cột ở Hà Nội, Chùa Thiên Mụ ở Huế, Chùa Giác Lâm ở TPHCM... Đây là những công trình có ý nghĩa về tín ngưỡng, tôn giáo của dân gian và gắn liền với những truyền thuyết nổi tiếng trong lịch sử của Việt Nam xưa.
Ngoài ra, những công trình gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân bao đời đã tồn tại và phát triển bền vững trên 100 năm nay như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Lớn TPHCM, Chợ Bến Thành... và rất nhiều công trình trăm tuổi khác nữa trên đất nước Việt Nam như những ngôi tháp cổ, những ngọn hải đăng hay những ngôi nhà cổ... đã chứng minh sức sống mãnh liệt, trở thành những biểu tượng của lịch sử và thời gian.
Các công trình trăm tuổi ở Việt Nam được xây dựng với mục đích phục vụ nhu cầu văn hóa, kinh tế - chính trị hay tín ngưỡng... đều ẩn chứa và lưu giữ những giá trị lịch sử, có ý nghĩa lớn cho muôn đời sau.
Hiện nay, có công trình vẫn giữ được những nét nguyên vẹn như thủa sơ khai, có những công trình được trùng tu lại nhưng vẫn giữ được những kiến trúc nguyên sơ ban đầu. Điều đó cho thấy tầm quan trọng về mặt ý nghĩa văn hóa và lịch sử của các công trình trăm tuổi và đòi hỏi ý thức bảo tồn của cả cộng đồng, xã hội.
Những công trình vững bền thực sự trở thành một tài sản vô giá, là sự tổng hợp của nhiều yếu tố để trở thành tài sản chung của cộng đồng xã hội, của quốc gia, khu vực và cả thế giới. Bởi đó là hiện thân tài hoa dựng xây của bao lớp người, là công sức giữ gìn, bảo tồn liên tục của rất nhiều thế hệ để tạo nên những giá trị to lớn góp phần khẳng định bản sắc văn hóa địa phương, quốc gia, dân tộc xứng đáng được lịch sử vinh danh, ngợi ca.
Nhất là đối với Việt Nam, một đất nước phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược đồng thời chịu sự khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm gió mùa, không ít công trình đặc sắc đã bị tàn phá, hư hại. Vì thế, những công trình “đi cùng năm tháng” trường tồn đến ngày nay là kết tinh của những giá trị vĩnh cửu và sự cố gắng nỗ lực của những con người khát khao lưu giữ những giá trị lịch sử cho hậu thế.
Công Quang
TOP 100 CÔNG TRÌNH 100 TUỔI TẠI VIỆT NAM | |||
STT | NĂM | TÊN ĐƠN VỊ | TỈNH/THÀNH |
1 | 1887 | Nhà thờ Cù lao Giêng | An Giang |
2 | 1862 | Hải đăng Vũng Tàu | Bà Rịa - Vũng Tàu |
3 | 1862 | Hải đăng Bảy Cạnh | Bà Rịa - Vũng Tàu |
4 | Khoảng thế kỷ IX | Tháp cổ Vĩnh Hưng | Bạc Liêu |
5 | 1700 - 1736 | Đình làng Đình Bảng | Bắc Ninh |
6 | 1686 - 1700 | Nhà thờ dòng họ Nguyễn Thạc tại làng Đình Bảng | Bắc Ninh |
7 | Cuối thập niên 80 của thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX | Nhà cổ Đại Điền | Bến Tre |
8 | 1835 | Nhà cổ cụ Trần Công Vàng | Bình Dương |
9 | 1868 | Chùa Hội Khánh | Bình Dương |
10 | 1890 | Hải đăng Cù lao Xanh | Bình Định |
11 | Cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII | Tháp bánh Ít (Quần thể Tháp Chàm) | Bình Định |
12 | Cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI | Tháp Bình Lâm (Quần thể Tháp Chàm) | Bình Định |
13 | Đầu thế kỷ XII | Tháp Cánh Tiên (Quần thể Tháp Chàm) | Bình Định |
14 | Cuối Thế kỷ XII | Tháp Đôi (Quần thể Tháp Chàm) | Bình Định |
15 | Cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII | Tháp Dương Long (Quần thể Tháp Chàm) | Bình Định |
16 | Cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII | Tháp Phú Lốc (Quần Thể Tháp Chàm) | Bình Định |
17 | Cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII | Tháp Thủ Thiện (Quần thể Tháp Chàm) | Bình Định |
18 | 1897 - 1898 | Hải đăng Khe Gà (Kê Gà) | Bình Thuận |
19 | Cuối thế kỷ VIII | Tháp Chăm Pôsah Inư | Bình Thuận |
20 | 1899 | Hải đăng Hòn Khoai | Cà Mau |
21 | 1870 | Nhà cổ Bình Thủy | Cần Thơ |
22 | 1844 - 1909 | Đình Bình Thủy Lê | Cần Thơ |
23 | 7.10.1883 - 19.2.1885 | Nhà cổ Buôn Đôn (của Vua săn bắt Voi) | Đắk Lắk |
24 | Cuối thế kỷ XIII | Tháp Yang Prong (Thần Vĩ Đại) | Lắk |
25 | 1895 | Nhà cổ Huỳnh Thủy | Đồng Tháp |
26 | 1054 | Chùa cổ Long Đọi Sơn | Hà Nam |
27 | 1049 | Chùa Diên Hựu (Chùa Một Cột) | Hà Nội |
28 | 1070 | Văn Miếu – Quốc Tử Giám | Hà Nội |
29 | 1804 | Chợ Đồng Xuân | Hà Nội |
30 | 1812 | Cột Cờ Hà Nội | Hà Nội |
31 | 1817 | Ô Quan Chưởng | Hà Nội |
32 | 1842 | Tháp Hòa Phong | Hà Nội |
33 | 1865 | Đền Ngọc Sơn | Hà Nội |
34 | 1886 | Tháp Rùa | Hà Nội |
35 | 1887 | Nhà hát lớn Hà Nội | Hà Nội |
36 | 1896 | Tượng Đài Vua Lê Thái Tổ | Hà Nội |
37 | 1899 | Khu di tích Nhà tù Hỏa lò | Hà Nội |
38 | 1898 - 1902 | Cầu Long Biên | Hà Nội |
39 | 1901 | Khách sạn Sofitel Metropole | Hà Nội |
40 | 1901 - 1906 | Phủ Chủ tịch - Phủ Toàn quyền Đông Dương | Hà Nội |
41 | Thế kỷ XVII | Chùa Thầy | Hà Nội |
42 | 1841 | Đình Hàng Kênh | Hải Phòng |
43 | 1894 | Hải đăng Hòn Dấu | Hải Phòng |
44 | 1902 | Đài thiên văn Phù Liễn | Hải Phòng |
45 | 1896 | Đền Mẫu | Hưng Yên |
46 | 1874 - 1877 | Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn | TPHCM |
47 | 1913 | Trường đại học Mỹ Thuật TP.HCM | TPHCM |
48 | 1898 - 1909 | Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - Dinh Xã Tây | TPHCM |
49 | 1679 | Đình thông tây Hội | TPHCM |
50 | 1744 | Chùa Giác Lâm | TPHCM |
51 | 1912 - 1914 | Chợ Bến Thành | TPHCM |
52 | 1863 | Bến Nhà Rồng | TPHCM |
53 | 1863 - 1865 | Nhà thờ Đức Bà | TPHCM |
54 | 1866 | Cung Văn hóa lao động | TPHCM |
55 | 1870 - 1876 | Nhà thờ Tân Định | TPHCM |
56 | 1878 - 1880 | Khách sạn Continental | TPHCM |
57 | 1885- 1890 | Bảo tàng Cách mạng TPHCM | TPHCM |
58 | 1886-1891 | Bưu điện TPHCM | TPHCM |
59 | 1882 - 1896 | Nhà thờ Chợ Quán | TPHCM |
60 | 1898 - 1900 | Nhà hát Lớn TP.HCM | TPHCM |
61 | 1900 - 1902 | Nhà Thờ Cha Tam | TPHCM |
62 | 1902 - 1905 | Nhà thờ Huyện Sỹ | TPHCM |
63 | Cuối thế kỷ XII, Đầu thế kỷ XIII | Tháp Bà Pô Nagar | Khánh Hòa |
64 | 1735 - 1739 | Lăng Mạc Cửu | Kiên Giang |
65 | 1901-1903 | Nhà trăm cột | Long An |
66 | Thế kỷ XVII | Đền Vua Lê | Ninh Bình |
67 | Thế kỷ XVII | Đền Vua Đinh | Ninh Bình |
68 | 1875 - 1899 | Nhà thờ đá Phát Diệm | Ninh Bình |
69 | Thế kỷ IX | Tháp Hòa Lai | Ninh Thuận |
70 | Cuối XIII, Đầu XIV | Tháp Pôklông Garai | Ninh Thuận |
71 | Cuối XVI, Đầu XVII | Tháp Pôrômê | Ninh Thuận |
72 | Cuối XI, Đầu XII | Tháp Nhạn | Phú Yên |
73 | 1890 | Hải đăng Đại Lãnh | Phú Yên |
74 | Thế kỷ IV TCN | Thánh địa Mỹ Sơn | Quảng Nam |
75 | Cuối thế kỷ XII | Tháp Bằng An | Quảng Nam |
76 | 1901 | Tháp Chàm Khương Mỹ | Quảng Nam |
77 | Cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI | Tháp Chiên Đàn | Quảng Nam |
78 | Giữa Thế kỷ XVIII | Nhà thờ tộc Trương ở Hội An | Quảng Nam |
79 | 1850 | Nhà cổ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh | Quảng Nam |
80 | Cuối Thế kỷ XIX | Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên | Quảng Nam |
81 | 1780 | Nhà cổ Phùng Hưng | Quảng Nam |
82 | 1741 | Nhà cổ Tấn Ký | Quảng Nam |
83 | Đầu Thế kỷ XIX | Nhà thờ tộc Trần Hội An | Quảng Nam |
84 | 1817 | Chùa Cầu | Quảng Nam |
85 | 1632 | Chùa Thần Quang (chùa Keo) | Thái Bình |
86 | 1397 | Thành nhà Hồ | Thanh Hóa |
87 | 1601 | Chùa Thiên Mụ | Thừa Thiên Huế |
88 | 1804 | Cung Diên Thọ | Thừa Thiên Huế |
89 | Trên 200 tuổi | Nhà cổ Trương Công Bậc | Thừa Thiên Huế |
90 | 1808 | Văn Miếu Huế | Thừa Thiên Huế |
91 | 1821 - 1822 | Thế Miếu | Thừa Thiên Huế |
92 | 1814 - 1820 | Lăng Gia Long | Thừa Thiên Huế |
93 | 1833 | Ngọ môn | Thừa Thiên Huế |
94 | 1839 | Phủ Tuy Lý Vương | Thừa Thiên Huế |
95 | 1840 - 1843 | Lăng Minh Mạng | Thừa Thiên Huế |
96 | 1864 - 1867 | Lăng Tự Đức | Thừa Thiên Huế |
97 | 1886 | Điện Hòn Chén | Thừa Thiên Huế |
98 | 1889 | Nhà Vườn Lạc Tịnh Viên | Thừa Thiên Huế |
99 | 1895 | Nhà Vườn An Hiên | Thừa Thiên Huế |
100 | Thế kỷ XII - XIII | Tháp Bình Sơn (Tháp Then) | Vĩnh Phúc |