Thủ khoa đất võ 2013: “Là sinh viên, sống nhiệt thành bạn nhé!”

(Dân trí) - Là một trong số những thủ khoa đầu ra được TP Hà Nội vinh danh tại Văn Miếu, cô gái đất võ Mai Ánh Điệp, thủ khoa Học viện Y dược học cổ truyền, cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia, đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về cuộc sống nơi giảng đường.

Xin chào Ánh Điệp! Cảm giác của bạn khi biết tin mình là thủ khoa đầu ra và được thành phố Hà Nội vinh danh là như thế nào?

 

Thủ khoa Mai Ánh Điệp: Khi biết là thủ khoa đầu ra của trường mình rất vui, được vinh danh lại càng vui hơn nữa. Mình còn nhớ lúc ấy mình đã ngay lập tức báo với bố mẹ, cả nhà cùng vui.

 

Trước đó, bạn đã bao giờ từng nghĩ mình sẽ trở thành thủ khoa hoặc lấy đó làm mục tiêu phấn đấu chưa?

 

Khi mình còn là một học sinh THPT, thấy các anh chị sinh viên được thành phố vinh danh tại Văn Miếu, mình cũng đã mong một ngày nào đó sẽ được vinh danh như vậy. Sau này, lúc đặt chân vào giảng đường đại học, mình đã tự đặt ra cho mình một số mục tiêu phấn đấu, và danh hiệu thủ khoa cũng nằm trong số đó.  

 

Ánh Điệp trong một lần tình nguyện lên khám chữa bệnh ở vùng cao
Ánh Điệp trong một lần tình nguyện lên khám chữa bệnh ở vùng cao



Việc học tập ở môi trường y tế - đặc biệt là lĩnh vực y học cổ truyền, có gì khác lạ không?

 

Học tập ở trường Y có sự khác biệt với những trường khác, chúng mình luôn quen với việc sáng lên bệnh viện học, chiều học lí thuyết trên trường, tối đi trực tại bệnh viện. Nhưng chính với điều đó, mình thấy sinh viên Y được tiếp cận thực tế sớm hơn sinh viên trường khác, được so sánh,đối chứng giữa lí thuyết và lâm sàng.

 

Đặc biệt khi học chuyên ngành Y học cổ truyền thì song song với việc học kiến thức về Y học hiện đại, chúng mình còn phải học các kiến thức về Y học cổ truyền. Khối lượng kiến thức cần nhớ, cần nắm bắt cũng nhiều hơn nên việc học có lẽ là khó khăn hơn một chút.

 

Để đạt điểm cao ở tất cả các môn học như vậy không hề dễ, bạn có một bí quyết nào đặc biệt không?

 

Mình còn nhớ vào năm học đầu tiên, mình đã khá loay hoay để tìm phương pháp học, hỏi kinh nghiệm học tập của các anh chị khóa trên, mua sách về đọc... Mất một năm sau đó, mình mới tìm được phương pháp học phù hợp và hiệu quả nhất cho chính mình.

 

Luôn mong muốn sớm trở thành một người bác sỹ thực thụ, đem y - đức cứu người
Luôn mong muốn sớm trở thành một người bác sỹ thực thụ, đem y - đức cứu người



Vậy, có môn học nào gây khó dễ cho bạn không? Bạn đã vượt qua như thế nào?

 

“Khoai” nhất, nhưng cũng lại là môn học mình yêu thích là Phương tễ. Đây là môn học về các bài thuốc Đông y, môn học yêu cầu bạn phải nhớ thành phần của bài thuốc (có những lúc lên tới 15-16 vị thuốc/ bài), công dụng, chủ trị, ứng dụng lâm sàng. Trong quá trình học, chúng mình rất dễ nhầm, vị này sang bài khác.Và chúng mình đã tìm ra một giải pháp - chính là “làm thơ”. Nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng đúng là khi học thành các bài thơ thì dễ nhớ hơn rất nhiều. Cũng có những bài thì mình tự làm, có bài là của bạn khác, có nhiều bài là sưu tầm.

 

Nhiều người sẽ cho rằng: Thủ khoa chắc chỉ biết đến học mà thôi, không còn thời gian cho các hoạt động khác nữa – Trên thực tế thì cuộc sống sinh viên của bạn có phải như vậy không?

 

Mình thấy may mắn vì những năm trên giảng đường không chỉ xoay quanh những quyển sách mà nó đầy sắc màu. Mình cũng đã từng đi làm gia sư , cũng đã đi tình nguyện ở nhiều nơi như tiếp sức mùa thi, khám chữa bệnh miễn phí, tổ chức chương trình cho trẻ em… Và đặc biệt, mỗi khi hè về thì mình lại làm “chị phụ trách”, dạy các em thiếu nhi tại khu nhà mình học hát, học múa, dựng trại hè…

 

Có một thực tế là nhiều sinh viên gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp, thậm chí “thủ khoa” cũng thất nghiệp? Bạn có lo lắng không?

 

Tìm việc làm là vấn đề mình cũng đã băn khoăn và suy nghĩ rất nhiều. Nhưng mình hi vọng với những kiến thức mình tích lũy được, cùng với lòng yêu nghề, mình sẽ tìm được một công việc phù hợp để có thể góp sức mình cho nền y tế nước nhà.

 

Mai Ánh Điệp: “Đừng bỏ lỡ những hoạt động thời sinh viên, nếu không sẽ đáng tiếc lắm!”
Mai Ánh Điệp: “Đừng bỏ lỡ những hoạt động thời sinh viên, nếu không sẽ đáng tiếc lắm!”



Theo bạn, những bạn sinh viên mới tốt nghiệp cần “đối mặt” với những khó khăn đó như thế nào?

 

Mình nghĩ rằng, chúng ta đừng nản lòng, hãy tự tin thể hiện cho các nhà tuyển dụng biết thực lực của bạn, sự mong muốn và quyết tâm có được công việc đó của bạn. Nhưng để có thể tự tin thì ngay khi ngồi trên ghế giảng đường bạn cần học tập thật nghiêm túc, không ngừng tích lũy kinh  nghiệm.

 

Có bao giờ bạn nghĩ: “Là thủ khoa thì đương nhiên có quyền chọn công việc tốt, thu nhập phải thật cao” không?

 

Mình không nghĩ vậy mà chỉ mong muốn có một công việc phù hợp để phát triển được năng lực của bản thân. Cũng như mọi người, như những sinh viên mới ra trường khác, cái mà thủ khoa hay bất cứ ai đi chăng nữa cần làm, nên làm chính là đem trí tuệ, tài năng, sức lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ để làm giàu chính đáng cho bản thân, đóng góp cho xã hội.

 

Còn điều gì Ánh Điệp có thể chia sẻ với những bạn sinh viên mới bước vào giảng đường trong mùa thu này?

 

Trước hết, mình xin chúc mừng các bạn đã vượt vũ môn thành công và bước vào thời sinh viên, quãng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ. Từ những gì đã trải nghiệm, mình nghĩ rằng, điều quan trọng là các bạn tự vạch ra “lộ trình” trong những năm sắp tới ngay từ bây giờ. Và chỉ nghỉ ngơi một chút thôi, đừng “xả hơi” lâu quá nhé, không là dễ … “mất đà” lắm !

 

Bốn năm, năm năm hay sáu năm cũng sẽ trôi qua rất nhanh, vì vậy, hãy sống một cách nhiệt thành nhất, bạn nhé. Mình nghĩ rằng, tham gia các hoạt động xã hội cũng chính là một hình thức học tập, đó chính là môi trường để bạn có những kĩ năng mềm, những thứ không có trong sách vở và nếu như bạn bỏ lỡ, chắc sẽ vô cùng đáng tiếc đấy!

 

Cảm ơn Ánh Điệp! Chúc bạn sớm trở thành người thầy thuốc giỏi, mang nhiệt huyết và tri thức đóng góp cho xã hội, nhất là y học cổ truyền nước nhà.
 

 Mai Ánh Điệp – Thủ khoa đầu ra Học viện Y học cổ truyền.

 Ngày sinh : 30/05/1989

Quê quán: Hoài Nhơn – Bình Định

Sở thích : ca hát, nghe nhạc, chơi cầu lông, xem phim kinh dị

12 kỳ được nhận học bổng, điểm học tập toàn khóa : 8.25/10, điểm rèn luyện: xuất sắc; nhận giải thưởng “Sao Tháng Giêng” do TW hội SVVN trao tặng năm học 2008-2009, nhiều giấy khen của Thành đoàn Hà Nội và đoàn học viện.

 

Thực hiện: Hải Nam

Ảnh: Nhân vật cung cấp