Canada: Thành tích học tập của học sinh sụt giảm vì Covid-19

Các nhà giáo dục Canada bày tỏ lo ngại về tác động của phương pháp học từ xa kết hợp truyền thống lên học sinh trung học, gây ra sự sụt giảm về thành tích học tập.

Giáo dục trung học tại Canada đã thay đổi đáng kể trong năm học 2020. Theo đó, thời gian học trên lớp ít hơn, số buổi học từ xa hoặc tại nhà tăng cao. Nhiều nội dung chương trình được giảng dạy trong thời gian gấp rút.

Bill Torrens, Giám đốc phụ trách thành tích học tập tại Hội đồng Trường Trung học công lập Hamilton-Wentworth, cho biết: "Chúng tôi không làm tốt như năm ngoái. Đây là một điều đáng lo ngại. Chúng tôi đang cố gắng giữ học sinh tham gia học tập và đi đúng hướng".

Sau khi thống kê điểm giữa kỳ của học sinh, Hội đồng Trường Hamilton-Wentworth cho biết tỷ lệ trượt môn là 16%, gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái.

Điều này đồng nghĩa nhiều học sinh không đạt đủ tín chỉ học tập, có thể gây ảnh hưởng đến việc tốt nghiệp. Để giải quyết vấn đề trên, các kỳ thi cuối kỳ tại Hamilton-Wentworth đã bị hủy bỏ. Giáo viên trung học sẽ tập trung "cứu vớt" điểm số và tín chỉ của học sinh.

Canada: Thành tích học tập của học sinh sụt giảm vì Covid-19 - 1

Hội đồng Trường Trung học công lập Hamilton-Wentworth, Canada.

Tại Quebec, Hiệp hội các nhà quản lý trường học cấp tỉnh đã báo động số lượng học sinh nhận điểm trượt ở tất cả các cấp, kể cả trung học, tăng gấp ba lần bình thường.

Nicolas Prévost, Chủ tịch hiệp hội cho biết: "Dù đánh giá sơ bộ, kết quả là rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi không rõ nguyên nhân sự sụt giảm. Nó có thể bị gây ra bởi giảng dạy theo phương pháp trực tuyến nhưng học sinh phải cố bắt nhịp như học truyền thống".

Các nhà giáo dục cho biết, học sinh vật lộn với việc học trực tuyến từ mùa xuân khi trường học đóng cửa phòng Covid-19. Vì học từ xa không thường xuyên và cố định như học trực tuyến, tín chỉ học tập khó tích lũy hơn. Nếu không thể tham gia vào học từ xa, nhiều em có xu hướng bỏ học.

Louise Sirisko, Giám đốc điều hành Hội đồng Trường Trung học công lập York, nhận xét có nhiều yếu tố khiến kết quả học tập và tín chỉ học tập của học sinh giảm. Nó bao gồm lo lắng về đại dịch, các vấn đề sức khỏe tâm thần, không thể học thể chất, môn được tính tín chỉ như các môn văn hóa khác.

Jansen Sinnathamby, học sinh lớp 12 tại thành phố Surrey, cho biết phải nghỉ học hai tuần để tự cách ly tại nhà. Trong thời gian này, Sinnathamby không nhận được bài tập, tài liệu học từ trường và điểm môn Tiếng Pháp bị giảm. Để cải thiện điểm số, Sinnathamby phải tự học đến đêm khuya.

Niki Boyd, sống tại Vancouver, có con gái mới lên trung học vào năm nay. Nhận xét con là người mạnh mẽ, Boyd vẫn lo lắng con sẽ gặp khó khăn về học tập. Mỗi ngày, nữ sinh chỉ học tại trường ít hơn hai giờ, sau đó được giao bài tập về nhà.

"Tôi lo ngại học sinh sẽ bị thiếu hụt kiến thức trong năm nay. Con gái tôi có thể bị tụt lại phía sau. Khi chúng ta vượt qua được Covid-19, giáo viên có thể phải đối mặt với thách thức khác là thu hẹp khoảng cách học tập giữa học sinh. Tôi chưa hình dung nó sẽ như nào nhưng tôi thực sự lo ngại", Boyd cho biết.

Greg Thomas, Giáo sư Khoa Giáo dục Trung học tại Đại học Alberta, cho biết học sinh cần đến trường, không chỉ để học mà còn tương tác, kết nối với bạn bè đồng trang lứa. Khi học sinh phải "bó gối" tại nhà, thành tích của các em sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nhiều hội đồng trường cho biết vẫn còn quá sớm để đo lường thành tích học tập của học sinh trong đại dịch Covid-19. Tim Cusack, Phó Hiệu trưởng Trường Công giáo Edmonton, cho biết học sinh có kết quả tốt như mong đợi trong quý đầu tiên của năm 2020. Giáo viên trường đã hỗ trợ, mở rộng cơ hội để học sinh hoàn thành yêu cầu tín chỉ, tích lũy kiến thức.

Harvey Bischof, Chủ tịch Liên đoàn giáo viên trung học Ontario, cho biết giáo viên đã và đang hỗ trợ học sinh gặp khó khăn nhiều nhất có thể. Học sinh được tiếp cận với chương trình học cô đọng hơn so với chương trình truyền thống.

Do đó, các em cũng cần thời gian để thích nghi với phương pháp giáo dục mới. Bởi vậy, việc đánh giá ảnh hưởng của đại dịch lên giáo dục cần nhiều thời gian hơn.

Theo Tú Anh

Giáo dục & Thời đại