Ý chí phi thường của võ sư trở lại võ đài sau tai nạn mất một chân

Thời gian gần đây, khi xem một Game show truyền hình thực tế trên VTV, nhiều người đã không khỏi bất ngờ khi chứng kiến vị võ sư một chân, nhưng lại có những đường múa đao rất đẹp mắt và trận đấu trên sân khấu đầy kịch tính.

Ít ai ngờ rằng, để có được màn trình diễn đầy nghị lực đó, võ sư Tạ Anh Dũng (SN 1961) hiện ngụ tại Quận 8, TP. Hồ Chí Minh đã phải vượt qua nhiều nỗi đau…

Biến cố đời người

Tạ Anh Dũng là võ sư của môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn được nhiều người biết đến. Tuy được giới thiệu từ trước, nhưng chúng tôi không khỏi bối rối khi ông chào khách với bước đi khập khiễng. Ngôi nhà gỗ tuềnh toàng với ba phần tư nằm dôi ra trên dòng sông Kênh Tẻ - là nơi võ sư Tạ Anh Dũng sinh sống bấy lâu nay. Đồ đạc, vật dụng trong nhà đã sờn cũ, nền nhà đóng ván gỗ tạm bợ. Thời gian có thể bào mòn nhiều thứ, còn với Tạ Anh Dũng hơn nửa đời người trải qua nhiều biến cố, khổ đau nhưng đam mê võ thuật chưa bao giờ tắt trong ông.

“Ý chí của con người luôn phải được đặt lên hàng đầu. Đôi khi nhiều người đầy đủ lại hay đầu hàng với cuộc đua của cuộc đời. Mình tin mình làm được thì mình sẽ làm được”. Đó là lời chia sẻ của vị võ sư một chân Tạ Anh Dũng đã nói với chúng tôi và cho rằng, nghị lực vượt khó để đến với đỉnh cao của võ học chỉ là nhờ lòng tin vào chính bản thân mình.

Võ sư chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống võ học. Ba ông- võ sư Tạ Ánh Đăng, một tay võ cừ khôi nổi danh thời Pháp thuộc. Với những đường võ thần tốc ít ai đỡ nổi nên cha ông được gọi bằng cái tên võ sư Ánh Sáng. “Thời bấy giờ, cha tôi theo học một võ phái ở tỉnh Tây Ninh. Sau khi võ luyện đã thành thục, ông quyết định xuống Sài Gòn thi đấu. Do đánh bại nhiều đối thủ, ông lấy được bằng Thần Trung. Kể cũng là do duyên số, mẹ tôi khi đó là một tiểu thư con nhà khá giả tại Sài Gòn, còn ba tôi chỉ là một võ sư nghèo. Mê tài đánh võ của ông, bà đã yêu và lấy ông làm chồng, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn”, Tạ Anh Dũng nhớ lại.

Từ nhỏ, Tạ Anh Dũng lớn lên trong sự dạy dỗ, giáo huấn nghiêm khắc của người cha. Với vẻ trầm ngâm, tư lự của một người từng trải, ông nói: “Tôi có thể theo con đường võ nghiệp đến ngày hôm nay cũng là nhờ được ba dạy dỗ từ nhỏ. Mẹ tôi mềm mỏng bao nhiêu thì ông lại nghiêm khắc bấy nhiêu. Hồi tôi mới lên bốn tuổi, ngày nào cũng vậy cứ tầm 4-5h sáng, ba lôi tôi dậy ra đứng giữa sân để học đứng tấn, đánh quyền cùng với các anh trai”.

Ở đời xưa nay vốn chẳng ai đoán được chữ ngờ, ông trời quả lắm oái ăm khi thử thách nghị lực của con người. Tạ Anh Dũng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Những năm thập niên 80, Tạ Anh Dũng chỉ là chàng trai tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết. Vì cuộc sống mưu sinh, chàng trai trẻ phải lăn xả giữa cuộc đời. Ai thuê gì làm nấy, miễn đó là công việc kiếm tiền chân chính. Sáng ra, cậu bé Dũng đã theo ghe thuyền ra biển khơi đánh cá. Giữa trăm đợt sóng chập chùng vỗ mạnh vào mạn thuyền, có lúc chông chênh tay kéo lưới Tạ Anh Dũng bị ngã và chấn thương nặng một bên chân.

Được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Tạ Anh Dũng tỉnh dậy trong đau đớn khi biết một bên chân bị cắt bỏ. Đối với một người theo võ thuật, sức mạnh tập trung thể hiện qua tứ chi. Bởi lẽ đó, cắt bỏ một bên chân cũng chẳng khác nào giấc mộng chinh phục võ thuật bị “cắt bỏ” theo. Suốt buổi trò chuyện bên dòng Kênh Tẻ, không ít lần võ sư nhắc tới cụm từ “ông trời không lấy đi của ai bất cứ điều gì” để nói về mình. “Thật tình cờ, cùng nằm buồng bệnh điều trị với tôi có một đôi nam nữ. Nhưng không hiểu sao, cậu thanh niên và cô gái đều chọn cách tự tử để kết thúc cuộc đời còn son trẻ. Tôi ám ảnh câu chuyện này mãi. Lúc đó, tôi nghĩ bây giờ có buồn khổ thì chân cũng chẳng mọc lại được. Cách tốt nhất để tôi có thể tiếp tục sống là phải nhìn thẳng vào số phận”, vị võ sư chia sẻ.

Thức trắng đêm nằm trên giường bệnh giữa bầu không khí nặng mùi băng gạc, thuốc men cùng lời bàn tán xì xầm không ngớt của những bệnh nhân khác, ông cố giữ cho tâm trí được tĩnh tại. Ông nghĩ về những ngày nằm viện, dẫu chưa dài nhưng nó khiến bản thân ông suy sụp, tưởng chừng như không thể gượng dậy nổi. Ông nghĩ về đời người thật ngắn ngủi, sống được ngày nào thì phải biết trân quý và sống sao cho đẹp đời. Ông nhận ra rằng, dù nghèo khó, số phận đẩy đưa đến con đường cùng đi chăng nữa cũng nhất định phải sống.

Võ sư Tạ Anh Dũng giữa đời thường.

Võ sư Tạ Anh Dũng giữa đời thường.

Đi đến cùng đam mê

Kể từ đó, một ngày của cậu thanh niên Tạ Anh Dũng được đi lên bằng một chân, khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục. Ban đầu người ta hoài nghi, “một chân thì làm được gì, ăn thôi đã khó, nói gì đến võ thuật”. Mặc kệ người đời, Tạ Anh Dũng với một chân phải vẫn theo tàu ra khơi đánh cá. Những lúc rảnh rỗi, ai thuê vá lưới ông cũng không ngần ngại. Mấy năm sau, Tạ Anh Dũng lấy vợ và sinh con như bao chàng trai khác. Không muốn vợ con lo lắng, ông bỏ nghề đi biển và mưu sinh bằng cách đi bán báo dạo. Đôi mắt cương nghị của ông lại sáng lên khi có ai nhắc tới võ thuật. Dường như “máu” đam mê võ chưa bao giờ thôi ngừng chảy trong con người ông. Mỗi lần đi bán báo qua công viên Văn Lang (Quận 5), cách đấy không xa có một lò luyện võ và không ít lần, ông đứng lặng người hồi lâu trước cửa rồi mới chịu đi. Ngày nào đi qua đó, niềm đam mê võ thuật lại thôi thúc chẳng khác nào như “tình cũ không hẹn mà gặp”. Ông tự hứa với lòng mình, một ngày nào đó khi cuộc sống ổn định sẽ quay lại võ đường.

“Để kiếm tiền nuôi đàn con, ngần ấy năm tôi chưa bao giờ đón một cái Tết thảnh thơi như người ta. Ngày thường tôi đi bỏ báo, ngày Tết thì tranh thủ đi múa lân kiếm thêm tiền. Rồi đến một ngày, khi niềm thôi thúc võ thuật trỗi dậy, tôi quyết định đến gặp vị võ sư môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn để xin học võ. Ngay từ lần gặp đầu, sư phụ đã không hề ái ngại khi nhận tôi làm đệ tử, bởi ông nhận ra niềm đam mê võ thuật trong con người tôi”, Tạ Anh Dũng nói và cho biết thêm, niềm đam mê lịch sử cũng là một động lực để ông theo đuổi, gắn bó với môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn. Ông cho rằng, người thuộc sử và mê lịch sử Việt thì sẽ gìn giữ văn hóa Việt. Cũng từ đó, sáng ra ông tranh thủ đi giao báo, thời gian còn lại ông dành để luyện võ. Những ngày đầu quay lại với niềm đam mê võ thuật đối với ông không hề dễ dàng. “Chỉ còn một chân nên tôi đã mất thăng bằng. Nhưng vốn có bản tính độc lập, tôi muốn phải chiến thắng được chính bản thân mình. Ngày tập luyện, tối về nằm vắt trán ngẫm nghĩ tìm ra sự cân bằng cơ thể rồi tự điều chỉnh dần”, ông Dũng nhớ lại những ngày tập luyện vất vả của mình.

Với một môn võ đòi hỏi cần nhiều di chuyển và cầm binh khí, Tạ Anh Dũng cho biết, bí quyết để ông có thể thành thục cả hai chỉ với một chân đó là: “Tôi thiếu một chân thì phải cố gắng tập cho chân còn lại thật khỏe. Tiếp sau đó, là tập cơ lưng thật chắc để bật dậy thật nhanh trong lúc đánh võ”. Đúng như các cụ xưa có nói “Có chí thì nên”, sau nhiều ngày đêm tập luyện ông đã có thể đấu võ và trở thành võ sư môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn như ngày hôm nay. Thế nhưng, có một nỗi niềm luôn khắc khoải trong ông đó chính là gia đình. Vị võ sư tâm sự, vì đam mê võ thuật ông đã không giữ trọn vẹn được mái ấm gia đình. Ông và vợ ly hôn khi đứa con đầu lòng mới 15 tuổi, còn cô gái út mới lên 2. Một mình ông “gà trống nuôi con”, đi đánh bắt cá, trồng rừng, chở hàng thuê… và tiếp tục theo đuổi đam mê võ thuật thật không hề dễ dàng.

Giờ đây, niềm vui đối với vị võ sư 55 tuổi Tạ Anh Dũng ngoài võ thuật, là ba đứa cháu nhỏ trong nhà. Hằng ngày, ông tranh thủ đi giao báo từ rất sớm rồi tranh thủ đi tập võ. Trưa tự mình đi chợ và nấu cơm cho ba đứa cháu. Chiều tối, ông tranh thủ đi dạy võ, dạy chơi bóng bàn ở các trường học, trung tâm TDTT để kiếm thêm thu nhập. Khi được hỏi về bí quyết nào giúp ông có thể chinh phục được võ đường, võ sư Tạ Anh Dũng nói: “Tạo hóa công bằng cho mình cái này sẽ lấy đi cái khác. Cho tài không cho sức, cho sức không cho tài, cho cả tài cả sức thì lại mất đi cái quan trọng nhất là hạnh phúc gia đình. Tôi nghĩ, có người sinh ra được trải thảm đỏ, con đường mình đi có gai thì phải đạp gai, nhổ gai mà đi tiếp. Chính niềm đam mê võ thuật đã níu kéo tôi trở lại với cuộc sống”.

Khôi Nguyên
Báo Gia đình & Xã hội