Xúc động chủ quán ăn chữa khỏi Covid-19 vẫn xin nhập viện chăm sóc F0
(Dân trí) - Được xuất viện về nhà sau khi khỏi Covid-19 nhưng anh Nguyễn Hồng Kỳ (sinh năm 1987, TP Hồ Chí Minh) lại xin các bác sỹ quay trở lại hỗ trợ bệnh nhân F0 đang điều trị tại bệnh viện dã chiến số 4.
Tình nguyện "nhập viện" để chăm sóc F0
Ngày 3/8 anh Hồng Kỳ được ra viện sau gần một tháng điều trị Covid-19 tại bệnh viện dã chiến số 4, Vĩnh Lộc B (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Về đến nhà, sau khi hoàn thành 14 ngày tự cách ly, thay vì "ai ở đâu, ở yên đó", người đàn ông này lại "khăn gói" xung phong quay trở lại bệnh viện, hỗ trợ, chăm sóc các bệnh nhân F0.
"Lý do tôi quay trở lại rất đơn giản, tôi thấy có gì đó thôi thúc trong lòng khi nhìn thấy những đoàn xe dài chở bệnh nhân đi cách ly. Lúc đó bản thân nghĩ phải làm gì đó thôi. Vậy là quyết định đi. Từ lúc suy nghĩ đến khi quyết định chỉ vỏn vẹn 5 phút. Vui nhất là gia đình, vợ con không ai phản đối quyết định này, còn các y bác sỹ thì chào đón rất nồng nhiệt", anh Kỳ chia sẻ với Dân trí.
Sáng 16/8, anh Kỳ bắt đầu công việc làm tình nguyện viên chống dịch. Anh ở chung phòng với 2 bác sỹ và 4 điều dưỡng ngay gần bệnh viện. Nơi đây trước kia là một trường tiểu học được trưng dụng làm chỗ ở cho cán bộ, dân quân và y tế trong bệnh viện. Các phòng học được sắp xếp lại làm phòng ngủ, không có máy lạnh, không có đệm, các y bác sỹ ngủ ngay dưới nền đất với những chiếc màn chụp.
"Ban đầu mình được sắp xếp giao cơm, nhận quà cứu trợ từ mạnh thường quân nhưng sau đó mọi người có ý chuyển sang hỗ trợ phòng cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân nặng nằm thở máy, mình đồng ý ngay", anh Kỳ nói.
7 giờ sáng anh Kỳ bắt đầu với công việc quét dọn, vận chuyển đồ, thiết bị y tế, sau đó hỗ trợ các bệnh nhân tập thở, ăn uống, vệ sinh cá nhân, thay bỉm cho những người bệnh nặng.
Công việc cứ như thế lặp đi lặp lại thành nhiều ca trong ngày. Thường thì khoảng 7 giờ tối là xong việc. Thời gian rảnh anh Kỳ tranh thủ gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình vợ con hoặc trò chuyện động viên tinh thần những bệnh nhân mà anh chăm sóc. Những lúc không ở viện anh để lại số điện thoại để ai cần hỗ trợ có thể liên lạc được.
Anh Kỳ là người vui tính lại hay pha trò nên gần như trong phòng bệnh các bệnh nhân đều biết đến anh. Có người cần anh hỗ trợ thay tã bỉm, bón cháo, người thì đơn giản chỉ cần anh bên cạnh động viên, trò chuyện để có thêm nghị lực vượt qua bệnh tật. Với ai, anh Kỳ cũng ân cần, tỉ mỉ và chu đáo như chăm sóc với chính người thân của mình.
Ở trong bệnh viện, mọi người đều mặc quần áo bảo hộ, che kín mặt mũi nên chỉ nhận biết nhau qua giọng nói. Mỗi lần thấy tiếng anh Kỳ, người này vẫy tay lại "khoe hôm nay đã có thể ngồi dậy", người kia kể "đã tự tay cầm được bát cháo ăn"… Những điều đơn giản này cũng khiến anh Kỳ "thấy vui cả ngày".
"Trong phòng bệnh tôi hỗ trợ chủ yếu là những bệnh nhân lớn tuổi. Nhiều người có hoàn cảnh rất thương tâm, người kinh tế khó khăn, người thì neo đơn, không có gia đình, người thân chăm sóc.
Vì thế, không chỉ giúp mọi người các công việc vệ sinh cá nhân, tôi còn trò chuyện, động viên hoặc nghe họ chia sẻ các câu chuyện đời thường. Đây cũng là cách giúp người bệnh bớt cô đơn, tủi thân, vững tin vượt qua bệnh tật", anh Kỳ nói.
Người đàn ông này xúc động cho biết, có tận mắt chứng kiến, trải nghiệm các công việc trong bệnh viện mới càng thấy thương yêu, nể phục các y bác sỹ. Mỗi ngày, họ phải làm việc với áp lực quay cuồng, chạy đua từng phút giây giành giật sự sống cho người bệnh.
Có bác sỹ, phải nhận cả trăm cuộc điện thoại để tư vấn mỗi ngày, người chỉ kịp ngủ gục xuống sàn nhà vài ba tiếng lại vội vã chạy vào phòng cấp cứu bệnh nhân.
Rất nhiều người xa gia đình cả tháng, nhớ nhà, nhớ người thân nhưng cũng chỉ tranh thủ được vài ba phút gọi điện thoại về nhà. Họ làm việc với hơn 100 phần trăm sức lực chỉ với mong mỏi giành giật sự sống cho người bệnh.
"Những ngày nằm viện điều trị Covid-19, bản thân tôi cũng được các y bác sỹ chăm sóc rất tận tình. Đây cũng là một trong những lý do tôi quay trở lại góp công sức của mình cùng đồng hành vào cuộc chiến này", anh Kỳ xúc động nói.
Hành trình chiến đấu với Covid-19
Trước khi dịch bùng mạnh ở TP. Hồ Chí Minh, anh Kỳ là chủ một cửa hàng ăn uống ở gần nhà. Đầu tháng 7, cả xóm anh ở bị phong tỏa vì một người dương tính với SARS-CoV-2. Mấy ngày sau, anh Kỳ cũng bắt đầu sốt, người lừ đừ, khó thở.
Cả xóm sau đó được làm xét nghiệm, anh và nhiều người bàng hoàng khi cùng nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
"Lúc đó bản thân rất lo, lo nhất là không biết có lây cho gia đình, từ trẻ nhỏ tới người lớn hay không? Rồi những người bạn mình từng tiếp xúc trước đó nữa. Ngay lập tức tôi chủ động thông báo để mọi người theo dõi sức khỏe và xét nghiệm Covid-19", anh Kỳ kể.
Những ngày đầu, anh Kỳ cách ly ở trung tâm triển lãm quận Tân Bình, sau đó di chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 4, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Đây là khu chung cư bình dân, chưa có ai ở, được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến. Toàn khu có 10 block, mỗi block 5 tầng, mỗi tầng 8 phòng. Phòng cách ly là dạng nhà một phòng ngủ, một phòng khách, dành cho 5 người. Nếu phòng lớn có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách thì chứa được khoảng 6 - 8 người.
Mỗi block có 5-7 dân quân, nhân viên y tế chịu trách nhiệm hỗ trợ. Các phòng đều có số điện thoại để liên lạc trong những tình huống khẩn cấp.
Những ngày đầu, anh Kỳ không ngủ được do mệt mỏi, khó thở, ho mạnh và bắt đầu mất khứu giác, vị giác. Anh được các bác sỹ cho uống thuốc hạ sốt, bổ sung thêm vitamin C. Hàng ngày anh tự học cách suy nghĩ tích cực lạc quan, tập vận động thể dục tùy theo tình hình sức khỏe.
Bệnh viện cung cấp ngày 3 bữa ăn, thực đơn được thay đổi liên tục với cơm sườn, cá, thịt kho, chả… Ngoài ra, các mạnh thường quân cũng thường xuyên ủng hộ nhu yếu phẩm.
"Có những ngày sức khỏe rất mệt, sốt cao, khó thở, cả đêm mất ngủ, nằm li bì trên giường bệnh. Ăn uống cũng không ngon miệng, bản thân tôi tự động viên cố gắng, phải cố gắng để có sức lực vượt qua", anh Kỳ nhớ lại.
Đến ngày thứ 7, anh Kỳ bắt đầu khỏe lại, không còn sốt hay mất khứu giác, vị giác. Sau 28 ngày, anh Kỳ âm tính 3 lần liên tiếp khi xét nghiệm. Ngày 3/8 anh đủ điều kiện xuất viện.
Trải qua hành trình dài "chiến đấu" với Covid-19, người đàn ông này đúc kết: "Nếu ai không may mắc Covid-19 thì cũng không nên quá hoang mang, lo lắng mà cần phải giữ vững tinh thần lạc quan. Điều này quyết định rất lớn đến việc chiến thắng bệnh tật".
Hiện tại, anh Kỳ cho biết anh sẽ tiếp tục ở lại bệnh viện dã chiến để hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân F0 cho đến khi nào dịch bệnh được đẩy lùi. Đây cũng chính là cách anh tri ân những y bác sỹ đã cứu chữa cho anh trong suốt những ngày nằm viện vừa qua.