Xuất hiện "cô đồng ngửi cau" ở Hà Nội, hút hàng triệu lượt xem trên mạng

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo những clip chia sẻ, "cô đồng ngửi cau" có thể "nhìn rõ" được mộ phần, công danh, sự nghiệp và vận hạn của người đến xem với thao tác ngửi cau.

Gần đây, dư luận xôn xao chia sẻ clip về một "cô đồng ngửi cau" ở Hà Nội. Chưa cần bổ hẳn quả cau ra như "cô đồng" Trương Thị Hương ở Hải Dương trước đây, cô đồng này chỉ cần đưa quả cau lên mũi ngửi là có thể "nhìn thấu" mọi chuyện.

Trong clip có hơn 1 triệu lượt xem, cô đồng đưa quả cau lên ngửi là có thể "nhìn ra" mộ phần và cảnh người tai nạn thương vong. Theo người này, vì quả cau có mùi tanh nên gần nhà người xem có đoạn rẽ xảy ra tai nạn.

Xuất hiện cô đồng ngửi cau ở Hà Nội, hút hàng triệu lượt xem trên mạng - 1

"Cô đồng ngửi cau" gây xôn xao mạng xã hội (Ảnh: Cắt từ clip).

Ngoài những clip trên, còn rất nhiều clip khác quay lại cảnh cô đồng xem bói phán về mồ mả, gia tiên, đường công danh sự nghiệp, con cái hay bệnh tật… Nhiều lần, cô đồng khẳng định người đến xem bị vong theo, mộ phạm, đứt long mạch… cần chi tiền cúng lễ.

Tài khoản Tiktok có tên Ng. Th. Th. P. L được cho là của "cô đồng ngửi cau" hiện có 72 nghìn người theo dõi, đăng tải công khai số điện thoại. Nhiều clip có cả triệu lượt xem, thu hút lượng tương tác lớn. 

Trong các bài viết, khi có người đặt lịch xem, chủ tài khoản còn tương tác, để lại số điện thoại, kêu gọi mọi người kết bạn Zalo để được hướng dẫn cách xem.

Theo số điện thoại được chia sẻ, phóng viên Dân trí đã liên hệ tìm hiểu thì được một người phụ nữ xác nhận, "cô đồng ngửi cau" gây xôn xao trên mạng có tên là Th. Th. hiện sống ở Thạch Thất, Hà Nội.

Xuất hiện cô đồng ngửi cau ở Hà Nội, hút hàng triệu lượt xem trên mạng - 2

Cô đồng ngửi cau, sau đó bổ cau để xem bói cho khách (Ảnh: Cắt từ clip).

Cô nhận xem bói online và xem bói trực tiếp. Nếu muốn xem bói online thì người xem cần đặt lịch, còn xem bói ngửi cau thì phải đến trực tiếp thôn Vân Lôi, xã Bình Yên, Thạch Thất.

"Xem online cô chỉ xem tay, xem tướng, còn muốn xem cau thì phải đến tận nơi. Cô làm việc từ 8h nhưng tuần này cô bận nhiều khóa lễ nên chỉ có thể xem vào thứ 3, thứ 4, thứ 7 tuần sau", người phụ nữ này nói.

Cũng theo người phụ nữ này, trước khi đến, người xem phải chuẩn bị hoa, quả hoặc bánh, đặc biệt, phải mua 5 lá trầu, 5 quả cau. Số trầu cau này không được cúng lễ trước ở nhà hay bất cứ đâu. "Nếu cúng rồi là cô không xem được đâu", người phụ nữ nói.

Năm 2023, "cô đồng bổ cau" Trương Thị Hương ở Hải Dương gây xôn xao dư luận với khả năng "xem bói, bổ cau phán vanh vách đủ chuyện ma quỷ, âm dương". Bà Hương sau đó đã bị bắt tạm giam để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Vì vậy, hiện tượng "cô đồng ngửi cau" này lập tức gây tranh cãi. Nhiều người lo ngại đây là biểu hiện của tình trạng mê tín dị đoan và dẫn tới các trường hợp lừa đảo như sự việc của "cô đồng bổ cau" ở Hải Dương trước đây.

Trước đó, nói về tình trạng xem bói, lợi dụng bói toán hành nghề mê tín dị đoan, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo "điều này điều kia" dưới góc độ thần thánh đã tồn tại hàng nghìn năm qua.

Theo chuyên gia văn hóa này, chưa có nghiên cứu đầy đủ xác định hành vi hầu đồng là đúng hay sai, mà tùy theo quan niệm của từng người. Tuy nhiên, với những người tự xưng là "cô đồng", dùng mạng xã hội để lan truyền, quảng bá hiện tượng mê tín, dị đoan thì cần xử lý theo quy định pháp luật.

"Hành động này khiến con người, nhất là thế hệ trẻ, mất niềm tin vào chính mình, mà bấu víu vào một thế lực siêu nhiên nào đó. Thậm chí, mỗi lời nói của "cô đồng" cũng dễ đẩy con người đến bờ vực bi quan", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật TNHH Hưng Đông cho hay, điểm đ khoản 7 điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với việc tổ chức hoạt động mê tín dị đoan như sau: "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan".

Ngoài ra, nếu người đó có hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan thì có thể bị phạt 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (điểm c khoản 6 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP). Đây được coi là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa.

Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên:

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ngoài ra, theo quy định này, người nào cố ý hành nghề mê tín, dị đoan từ đủ 16 tuổi với đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, sẽ bị xử lý hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn còn thực hiện;

+ Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Làm chết người;

+ Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Thì sẽ bị phạt tù tối đa đến 10 năm tù và còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng.