Xóm nhặt rau muống thuê lúc nửa đêm ở TPHCM
(Dân trí) - Căn lều tạm sáng đèn lúc nửa đêm là hình ảnh gắn liền với những lao động nghèo ở xóm nhặt rau muống thuê tại TPHCM.
Hằng đêm, những căn lều tạm trên mảnh đất thuê cạnh rạch Dừa (TP Thủ Đức) lại sáng đèn, những âm thanh lụp bụp từ tiếng tuốt rau muống. Họ là những người quê gốc miền Tây lên TPHCM lập nghiệp với mong muốn có một cuộc sống khá giả, sung túc hơn.
Những bó rau muống được thương lái nhập từ huyện Củ Chi, Hóc Môn... chở đến xóm nhặt rau thuê trên đường Tam Bình (TP Thủ Đức) để tuốt lá, lấy cọng rồi bán cho các nhà hàng, quán nhậu...
Đồng hồ điểm 0h, những bó rau muống được các thương lái đặt ở đầu hẻm, người làm nghề nhặt rau muống thuê canh giờ ra nhận rau mang về nhà.
Vì đường hẹp nên nhiều hộ nhặt rau muống thuê ở hẻm 119 đường Tam Bình (TP Thủ Đức) phải dùng xe đẩy cỡ nhỏ để "thồ" những bó rau muống từ đầu hẻm vào nhà.
Xóm nhỏ ở hẻm 119 đường Tam Bình có 5 hộ làm nghề nhặt rau muống thuê, đa số họ là những người đã ở độ tuổi trên 60, làm nghề này để kiếm thêm thu nhập.
Xóm nhặt rau muống thuê ở đây đã hình thành hơn chục năm nay, chủ yếu là người lao động từ các tỉnh miền Tây lên TPHCM lập nghiệp.
"Ngoại cũng già rồi, không ngồi được lâu nên làm từ nửa đêm đến rạng sáng là phải nghỉ. Thức đêm nhiều mệt lắm nhưng ngoại cũng cố gắng để kiếm tiền sống qua ngày", bà Phượng (68 tuổi) chia sẻ.
Rau muống được tuốt hết lá, chỉ giữ lại phần cọng, rau nhặt xong sẽ được thương lái trả 2.000-2.200 đồng/kg. Thu nhập mỗi ngày công từ 150.000-250.000 đồng/người.
Những bó rau muống được tưới nước liên tục để giữ rau tươi lâu, dễ tuốt hơn.
Khi được hỏi tại sao không đeo găng để đỡ bị nước ăn tay, người nhặt rau cho biết đeo găng tay vào sẽ vướng víu, làm chậm.
Anh Thảo (quê tỉnh Cà Mau) cùng 3 thành viên trong gia đình nhận rau từ thương lái để nhặt kiếm thêm thu nhập. Công việc chính của anh là thợ hồ, nhưng hằng ngày anh Thảo tranh thủ dậy sớm để phụ gia đình.
Không chỉ làm nghề nhặt rau muống thuê, một số hộ dân sinh sống cạnh rạch Dừa còn tận dụng con rạch này để trồng rau bán cho các thương lái, chợ.
Đứa con trai út năm nay được 4 tuổi của bà Nguyễn Thị Kim Cương (42 tuổi) cũng hăng hái phụ mẹ vác những bó rau ra giao trả lại cho thương lái.
Cuộc sống của gia đình nhỏ gắn liền với căn phòng trọ chật chội chưa đầy 10m2. Bữa cơm muộn của 3 mẹ con cũng chỉ lác đác 1-2 món đơn sơ.
"Thu nhập từ việc nhặt rau muống cũng chỉ đủ để tôi trả tiền trọ, lo ăn uống cho 2 đứa con. Có việc cần tiền cũng phải đi vay mượn từ hàng xóm", bà Cương chia sẻ.