Vụ người khuyết tật bị xe buýt "ngó lơ": Doanh nghiệp vận tải báo cáo gì?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Doanh nghiệp này cho rằng thông tin nhiều xe buýt đi qua nhưng không dừng hỗ trợ hành khách khuyết tật lên xe là không chính xác.

Khách hàng đứng ngoài điểm đón khách

Tổng công ty thương mại và xây dựng Đông Bắc - Công ty cổ phần tại Nghệ An (đơn vị khai thác, vận hành tuyến xe buýt 05 Yên Thành - Vinh) đã có báo cáo gửi Sở Giao thông vận tải Nghệ An liên quan thông tin xe buýt ngó lơ người khuyết tật.

Vụ người khuyết tật bị xe buýt ngó lơ: Doanh nghiệp vận tải báo cáo gì? - 1

Thông tin về người đàn ông khuyết tật đón xe đi từ Yên Thành xuống thành phố Vinh bị xe buýt "ngó lơ" được đăng tải trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Theo báo cáo của doanh nghiệp này, khách hàng khuyết tật đứng đón xe cách vị trí điểm dừng xe buýt gần nhất khoảng cách 15m, ngoài điểm dừng, đỗ đón trả khách theo quy định.

Do là khách hàng khuyết tật cơ thể cả tay lẫn chân, cùng với đó, vị trí đón xe ở ngoài điểm dừng, đón trả khách theo quy định và không có người khác đi cùng hoặc vẫy, đón xe hộ dẫn đến các nhân viên lái xe buýt đi qua đều không biết được nhu cầu của hành khách để dừng lại hỗ trợ đón khách lên xe.

Tại thời điểm vị khách trên đón xe chỉ có một xe buýt đi qua, tuy nhiên do khách hàng đứng vị trí ngoài điểm đón, trả khách và không nhận biết được nhu cầu từ phía khách hàng nên lái xe vẫn tiếp tục hàng trình.

Chỉ đến khi xe buýt kế tiếp đến và có sự hỗ trợ từ người dân thì nhân viên lái xe mới biết được sự việc và dừng lại, hỗ trợ đón khách lên xe, đồng thời nhân viên bán vé đã hỗ trợ giá cước đi xe đối với khách hàng trên theo quy định, chính sách của công ty.

Vụ người khuyết tật bị xe buýt ngó lơ: Doanh nghiệp vận tải báo cáo gì? - 2

Tuyến 05 (Vinh - Yên Thành) và ngược lại hiện do hãng xe buýt Đông Bắc khai thác, vận hành, tần suất 50 phút/chuyến/chiều đi.

Theo công ty này, các thông tin đăng tải 4 chuyến xe buýt đã "ngó lơ" khách hàng người khuyết tật là không chính xác. Trong khi đó, video đăng tải, vị hành khách này cho biết anh chờ xe buýt từ lúc 7h ngày 3/8, thời điểm vụ việc được người dân quay video lại là khi khách hàng này "hụt" đón chuyến xe thứ 4, trước đó 3 chiếc xe chạy qua đã không dừng lại. 

Khi người dân vẫy xe buýt dừng và bế hành khách này lên xe là khoảng 9h30. Trong khoảng thời gian đó, do điểm chờ xe buýt không có nhà chờ, không có bóng râm nên người đàn ông khuyết tật và một số hành khách khác phải đứng lui về phía bóng râm, cách vị trí điểm chờ khoảng hơn 10m.

Theo ông Nguyễn Sỹ Thắng - Trưởng phòng quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải Nghệ An, tuyến xe buýt Vinh - Yên Thành và ngược lại hiện chỉ có hãng xe Đông Bắc khai thác. Theo đăng ký, mỗi chiều đi, cách 50 phút sẽ có một xe qua điểm.

Chấn chỉnh hoạt động xe buýt

Chiều 4/8, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải ký văn bản chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thời gian qua, hoạt động xe buýt trên địa bàn còn bộc lộ nhiều tồn tại như công tác điều hành hoạt động vận tải tại một số đơn vị còn yếu, bộ phận kiểm tra an toàn giao thông một số đơn vị hoạt động không hiệu quả, để lái xe vi phạm nhưng không chấn chỉnh và xử lý kịp thời; nhân viên lái xe, phục vụ không mặc đồng phục, không đeo thẻ tên, thái độ trong lời nói cử chỉ hành động chưa chuẩn mực đối với khách hàng; dừng xe chờ khách, bốc hàng hóa tại các điểm dừng, các khu vực có hàng quán, dịch vụ...

Vụ người khuyết tật bị xe buýt ngó lơ: Doanh nghiệp vận tải báo cáo gì? - 3

Sở Giao thông vận tải Nghệ An yêu cầu các công ty vận tải nâng cao chất lượng phục vụ cho lái, phụ xe, đặc biệt là trong lời nói, cử chỉ, hành động với hành khách... Địa phương này hiện có 300 xe buýt đang hoạt động.

Sở Giao thông vận tải Nghệ An yêu cầu các đơn vị kinh doanh xe buýt tổ chức tập huấn, nâng cao chất lượng phục vụ cho lái, phụ xe, đặc biệt là trong lời nói, cử chỉ, hành động với hành khách; hỗ trợ hành khách là người tàn tật, người già và các đối tượng ưu tiên khác.

Tăng cường kiểm tra tại hai điểm đầu xuất phát để đảm bảo xe đi đúng biểu đồ, tần suất đã được chấp thuận; thường xuyên kiểm tra, giám sát qua thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát. Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe vi phạm quy định về đồng phục, thái độ, cử chỉ, hành động, lời nói với khách hàng... nhiều lần phải xem xét chấm dứt hợp đồng lao động.

Các xe buýt phải thực hiện dừng đón, trả khách đúng quy định, thời gian cần thiết đủ để khách lên, xuống phương tiện. Nghiêm cấm dừng, đỗ xe để chờ khách, bốc hàng hóa lên xe, dừng các khu vực dịch vụ, bán hàng hóa...

Sở Giao thông vận tải Nghệ An cũng phân công cụ thể về đôn đốc, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm thuộc trách nhiệm của Phòng thanh tra và Phòng quản lý phương tiện vận tải, để qua đó nâng cao chất lượng phục vụ đối với hoạt động vận tải khách bằng xe buýt.