Vụ 4 nữ tiếp viên mang ma túy: Nguy cơ "chết người" nếu xách hộ đồ sân bay
(Dân trí) - Luật sư khuyến cáo hành khách không xách hộ đồ, bảo quản hành lý cẩn thận khi làm thủ tục tại sân bay, tránh bị kẻ xấu lợi dụng đưa hàng hóa lạ vào trong vali.
Nguy cơ "chết người" nếu xách hộ chất cấm
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, không hiếm lần người dân nhận xách hộ đồ tại sân bay, bến xe,… sau đó tá hỏa vì bên trong chứa chất cấm.
Theo ông Tiền, hình thức tội phạm ngày càng tinh vi, thường ngụy trang chất cấm trong những vật dụng thông thường mà mắt thường khó nhận ra. Nhiều đối tượng nhờ hành khách cùng chuyến bay cầm hộ một số đồ dùng cá nhân với lý do "hành lý quá cân", nhưng trên thực tế bên trong chứa chất cấm.
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan nhận định, tình hình tội phạm ma túy, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tại các cửa khẩu biên giới đường bộ, đường hàng không, đường biển.
"Cũng có trường hợp người lạ tại sân bay nhờ trông đồ để đi vệ sinh, nhưng không quay lại. Hành khách khi qua cổng an ninh bị giữ lại do bên trong gói đồ là… thuốc nổ", luật sư Tiền nói.
Theo Cục hàng không Việt Nam, hành lý đi theo người, người đi theo giấy tờ nên hành lý của ai chứa chất cấm thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
"Nếu không biết người nhờ cầm hộ là ai, bên trong gói đồ gì, thì việc cầm hộ đồ tiềm ẩn rủi ro rất cao", luật sư Tiền cho hay.
Theo đó, nếu qua cổng an ninh phát hiện bên trong chứa chất cấm thì người đầu tiên chịu trách nhiệm chính là người cầm hộ. Trường hợp không có camera an ninh hoặc người làm chứng, thì việc chứng minh đồ cầm hộ là vô cùng khó khăn.
Cảnh giác bị "kẻ xấu" lợi dụng xách đồ sân bay
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, tiếp viên hàng không là nghề đặc thù mà trong quy định của luật hàng không, nội quy của hãng và chương trình đào tạo, các tiếp viên không được nhận, cầm hộ đồ của người khác từ nước ngoài về Việt Nam.
Quá trình đào tạo, các tiếp viên hàng không cũng được trang bị kiến thức, biện pháp an ninh cho bản thân bao gồm bảo đảm cách ly và giám sát hành lý cá nhân tránh trường hợp người xấu lợi dụng sơ hở và bỏ các vật phẩm cấm vào vali như chất gây cháy nổ, vũ khí, chất gây nghiện,...
Với nghiệp vụ và chuyên môn trong nghề, các tiếp viên có đủ năng lực, nhận thức và cả kỹ năng để biết những rủi ro và hậu quả họ có thể đối mặt nếu nhận cầm hộ hàng hóa từ bất kỳ cá nhân nào.
"Ngay cả trong trường hợp nếu đây chỉ là hàng hóa bình thường và không chứa chất cấm, thì việc tiếp viên nhận vận chuyển hàng hóa hộ người khác cũng là vi phạm nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp", luật sư Tiền phân tích.
Trên thực tế, nhiều tiếp viên hàng không thường tranh thủ cơ hội "đánh" hàng xách tay về nước rồi bỏ mối cho các cửa hàng kinh doanh. Thậm chí, một số người còn vận chuyển "tiền đen", vàng, điện thoại di động, thuốc lá... Các hoạt động này được khái quát bằng khái niệm "mang - vác - xách".
Trước sự việc trên, luật sư nhấn mạnh đây là lời cảnh tỉnh không chỉ cho những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng không mà còn đối với cả người dân khi tham gia các chuyến bay nội địa/ quốc tế.
Tình trạng gửi nhờ hàng hóa, thậm chí mua bán số kg hành lý ký gửi cũng là một dịch vụ phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, kể cả người quen hay bạn bè nhờ gửi đồ, nếu trong hàng hóa có chứa chất cấm, người dân cũng không thể xác định được bằng mắt thường.
"Để bảo vệ bản thân, người dân không nên nhận gửi hàng hóa thông qua các chuyến bay hàng không, đồng thời bảo quản hành lý cẩn thận khi làm thủ tục tại sân bay, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng đưa hàng hóa lạ vào trong vali của mình", luật sư khuyến cáo.
Liên quan việc phát hiện 11kg ma túy trong hành lý của 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines hôm 16/3, luật sư Trần Xuân Tiền nhận định đây là vụ việc nghiêm trọng và phức tạp. Để có căn cứ xem xét trách nhiệm và xử lý các cá nhân liên quan, cơ quan chức năng cần xác định yếu tố lỗi, động cơ và mục đích.
Tại cơ quan chức năng, các tiếp viên khai được một người (chưa xác định danh tính) nhờ "xách tay một số hàng hóa về nước" mà không biết bên trong có ma túy.
Luật sư cho biết cần chứng minh lời khai này, từ đó nếu xác định có căn cứ cho thấy 4 người biết đây là chất ma túy mà vẫn cố tình vận chuyển, thì sẽ cấu thành tội vận chuyển trái phép chất ma túy, hình phạt cao nhất là tử hình.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ mở rộng điều tra, xác định các đối tượng có liên quan trong vụ việc, đặc biệt người mua/bán.
Ngày 16/3, tại ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu (Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) nghi vấn hành lý của 4 nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines về từ Pháp chứa ma túy.
Các cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện bên trong những túyp kem đánh răng, nước súc miệng các tiếp viên mang về có hơn 8kg thuốc lắc và hơn 3kg ketamine (ma túy khay, loại đắt tiền nhất), cocain.
Các tiếp viên tỏ ra sửng sốt, bật khóc khi biết có ma túy trong hành lý. Họ khai rằng khi ở Pháp đã được một người (chưa xác định danh tính) nhờ "xách tay một số hàng hóa về nước" và trả công hơn 10 triệu đồng.
Do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, các tiếp viên chỉ xem qua loa vài túyp kem, không thấy có gì bất thường.
Khi ra sân bay của Pháp để về Việt Nam, lực lượng chức năng nước sở tại không phát hiện trong hành lý của họ có ma túy, cho đến khi về đến Tân Sơn Nhất.