Vụ 4 mẹ con dọa nhảy cầu: Hãy ngừng công kích người mẹ
(Dân trí) - Theo các chuyên gia tâm lý, cách làm của người vợ là tiêu cực. Tuy nhiên, dư luận cũng không nên công kích người phụ nữ này bằng những lời lẽ nặng nề.
Tranh cãi trái chiều
Vụ 4 mẹ con nghi nhảy cầu Đông Trù (quận Long Biên, Hà Nội) để lại thư "tuyệt mệnh" gây xôn xao dư luận.
Trước đó, sáng 1/3, nhiều người di chuyển qua cầu Đông Trù nhìn thấy một chiếc Hyundai i10 đậu trên cầu. Gần đó là 4 đôi dép, trong đó có 3 đôi dép trẻ con. Người dân còn tìm thấy một bức thư "tuyệt mệnh" ký chữ "H." ở cuối thư.
Hàng chục cán bộ chiến sĩ, lực lượng cứu hộ, trục vớt đã được huy động tới 2 bờ sông Đuống, đoạn gầm cầu Đông Trù để tìm kiếm 4 người. Tuy nhiên, đến 11h cùng ngày, lực lượng chức năng xác nhận đã tìm thấy 4 mẹ con trong tình trạng khỏe mạnh.
Vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận và gây ra nhiều ý kiến tranh luận.
Chị Nguyễn Thị Hằng (ở Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Bốn mẹ con không sao là may rồi. Tôi nghĩ nhiều người sẽ lên tiếng chỉ trích người vợ nhưng cũng phải thấy rằng, phụ nữ vô cùng áp lực nhất là với các gia đình đông con. Trước đó, đã không thiếu trường hợp ôm con nghĩ quẩn vì trầm cảm rồi".
Anh Đoàn Công Duy (ở Cầu Giấy) thì cho rằng: "Vợ chồng giận dỗi nhau thế nào hay cuộc sống có áp lực đến đâu cũng không nên làm tới mức này bởi sẽ kéo theo nhiều vấn đề phiền toái".
Nhiều cư dân mạng, độc giả cũng bình luận, bốn mẹ con an toàn là may mắn nhất. Song vụ việc đã làm hao tốn không ít công sức của lực lượng chức năng, nhất là trong thời tiết giá rét. Không ít ý kiến còn lo ngại, việc để lại "thư tuyệt mệnh" dễ gây hiệu ứng xấu với xã hội, nhất là với tâm lý giới trẻ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thạc sĩ (Ths) tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt cho rằng, dư luận không nên dồn ép, công kích người vợ trong vụ việc.
Trong trường hợp nói trên, có thể người phụ nữ gặp vấn đề nào đó về sức khỏe tâm lý hoặc chị có những bất lực, mệt mỏi riêng.
Từng tiếp xúc, tư vấn tâm lý cho nhiều cặp vợ chồng, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm chia sẻ, giận dỗi, mâu thuẫn là vấn đề muôn thuở trong hôn nhân, cuộc sống. Trước những tình huống ấy, nhiều người phụ nữ thường có suy nghĩ tiêu cực, dọa ly hôn, ôm con bỏ nhà đi hay tắt máy điện thoại không liên lạc.
Tuy nhiên, dù giận dỗi, áp lực tới mức nào thì cũng không nên làm tổn hại đến sức khỏe hay có ý nghĩ đem tính mạng ra đánh đổi hay uy hiếp, dọa nạt ai. Sự việc chưa rõ thực hư nhưng có thể gây ra nhiều hệ lụy: Khiến người thân hoảng loạn, nghĩ quẩn, đi tự tử thật.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhận định, người thân của người phụ nữ trong vụ việc chắc hẳn đã phải trải qua những giây phút hoảng loạn khi đọc được thư "tuyệt mệnh" và nhìn thấy 4 đôi dép trên thành cầu.
Vị chuyên gia phân tích, hủy hoại sức khỏe bản thân là đòn tâm lý nặng nề đánh vào người khác. Ở vị trí người có xích mích hay mâu thuẫn nào đó mà khiến cho người thân phải hành động dại dột, họ sẽ rất ân hận, xấu hổ, ăn năn, ám ảnh cả đời.
Có những người không làm gì sai, không gây nên tội lỗi gì to tát nhưng do cách phản ứng tiêu cực của người kia mà phải chịu nỗi đau đớn kéo dài.
Song, cũng có những người rơi vào tình thế không có "đòn" nào khác nên phải hành hạ sức khỏe của mình vì nghĩ rằng sẽ khiến người kia xấu hổ, dằn vặt.
"Tuy nhiên, trong bất cứ tình huống nào thì cũng không nên nghĩ đến việc hành hạ bản thân, tự tử hay dọa tự tử, đặc biệt càng không được đưa con vào cuộc cãi vã và coi đó là "công cụ", "vũ khí" giữa cuộc chiến của bố mẹ"; hay cách để giải quyết mâu thuẫn mà mình gặp phải", chuyên gia Trịnh Trung Hòa nói.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, việc dọa tự tử sẽ khiến gia đình, người thân và trẻ nhỏ sống trong sự sợ hãi và cảm giác bất an. Với họ đó là những cú sốc tâm lý khó quên.
Ngừng công kích, lan truyền
Trước làn sóng công kích người mẹ trong vụ việc, chuyên gia Trịnh Trung Hòa cho rằng, dư luận không nên có những bình luận tiêu cực, tác động đến tâm lý người trong cuộc. Mỗi gia đình có câu chuyện riêng và có thể người phụ nữ có những áp lực khó nói.
Sau vụ việc, bản thân người phụ nữ cũng đang trải phải qua những giây phút khó khăn, áp lực. Vì vậy, cư dân mạng nên ngừng chia sẻ những hình ảnh trong vụ việc, ngừng chỉ trích người phụ nữ để tránh làm tổn thương tâm lý tới người trong cuộc hoặc gây ra những hệ lụy tiêu cực khác. Sự việc nên khép lại tại đây.
"Tôi không đồng tình với hành vi của người vợ bởi đây không phải là một lựa chọn phù hợp khi giải quyết áp lực. Trong cuộc sống đời thường hay hôn nhân, dù gặp bất cứ chuyện gì chúng ta vẫn còn có nhiều giải pháp hợp lý khác. Tuy nhiên, dư luận cũng nên ngừng chỉ trích người vợ", ông Hòa nhấn mạnh.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, sau vụ việc, điều quan trọng là người chồng và gia đình cần tìm hiểu xem người vợ đang gặp áp lực hay vấn đề tâm lý nào mà phải sử dụng đến một biện pháp tiêu cực như vậy.
Nữ thạc sĩ cũng đưa ra lời khuyên, khi gặp mâu thuẫn, áp lực trong hôn nhân hay bất cứ áp lực nào trong cuộc sống, công việc, các cặp vợ chồng nên bình tĩnh đối thoại tìm phương án xử lý. Mọi sự nóng giận đều khiến đôi bên khó tìm được tiếng nói chung.
"Có cặp vợ chồng khi ly hôn rồi đến gặp tôi đã chia sẻ rằng vô cùng hối hận vì đã không giữ được bình tĩnh mà đưa ra quyết định khiến cả gia đình tan đàn xẻ nghé", chuyên gia tâm lý kể.
Theo Ths Nguyễn Thị Tâm, khi xảy ra cãi vã, người trong cuộc nếu không thể tự giải quyết có thể chia sẻ với người thân, bạn bè để tìm sự hỗ trợ, ngoài ra có thể tìm đến các tổ chức hòa giải, chuyên gia tâm lý.
"Người chồng, người vợ không nên vội vàng đưa ra một quyết định nào, đặc biệt càng không nên lôi trẻ con vào cuộc mâu thuẫn của bố mẹ", chị Tâm nói.