Vớt "lộc trời", mỏi "tê lưng" người dân vẫn không dám ngẩng đầu lên

Hoàng Lam

(Dân trí) - Một cân rươi bằng nửa tạ lúa nhưng không phải khi nào sản vật này cũng sẵn. Bởi vậy, khi rươi nổi, người dân xã Châu Nhân còng lưng ngoài ruộng để vớt lộc trời, không có thời gian ngẩng mặt lên.

Người dân Châu Nhân khoanh ruộng vớt rươi kiếm bạc triệu

Còng lưng ngoài ruộng vớt rươi, "đếm" tiền theo con

Từ độ tháng 9 âm lịch hàng năm, khi ruộng đồng đã thu hoạch xong cũng là khi người dân sống dọc bãi bồi sông Lam đoạn qua xã Châu Nhân (Hưng Nguyên, Nghệ An) bước vào một "vụ mùa" đặc biệt - mùa rươi. Công việc thu hoạch rươi chỉ kéo dài hơn 3 tháng nhưng lại là thu nhập chính của gần 300 hộ dân nơi đây.

Vớt lộc trời, mỏi tê lưng người dân vẫn không dám ngẩng đầu lên - 1
Người dân xóm 1, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên, Nghệ An) chăng lưới bao ruộng để vớt rươi (ảnh: Hoàng Lam).

"Nghề" vớt rươi có từ bao giờ, người dân xóm 1, xã Châu Nhân chẳng ai biết. Chỉ biết rằng loại vật thân mềm đỏ au như con giun đất này đã cùng họ trải qua bao nhiêu bữa cơm ngày mưa dầm gió bấc. Tầm 15 năm trước, khi rươi được chế biến thành món ăn đặc sản thì con vật "mọc" từ đồng ruộng được mệnh danh là "rồng đất" này trở thành nguồn thu nhập chính của người dân.

Chị Phạm Thị Hồng (xóm 1, xã Châu Nhân) cho biết: "Giá rươi thu mua tại ruộng hiện nay dao động từ 350-400 nghìn đồng/kg, trong khi đó giá 1 tạ lúa chỉ gần 700 nghìn đồng, tính ra 1kg rươi bằng nửa tạ lúa. Mùa rươi nhà ít thì cũng kiếm được vài ba yến, nhiều thì thu hoạch cả tạ. Tính ra gấp bao nhiêu lần so với trồng lúa".

Vớt lộc trời, mỏi tê lưng người dân vẫn không dám ngẩng đầu lên - 2
Ông Phạm Văn Khánh có gần 30 năm tham gia vớt rươi cho biết, dù là "lộc trời ban" nhưng người dân cũng phải có "bí kíp" để loài rươi sinh trưởng.

Rươi ở Châu Nhân là loài rươi tự nhiên, béo múp, tầm 40 con cân được 1 lạng. Tính ra mỗi con rươi bé bằng đầu đũa có giá 1.000 đồng. Bởi vậy, dù lội bùn trong giá lạnh hay giữa đêm khuya, bất kỳ lúc nào rươi "mọc", người dân ở đây đều túa ra đồng để vớt lộc trời.

"Cái giống rươi này thường nổi rộ vào buổi tối hoặc rạng sáng mùng 1, ngày Rằm hoặc thỉnh thoảng nó lên bất kỳ, chẳng theo quy luật nào. Vào thời điểm rươi mọc, chỉ trừ người già và trẻ nhỏ, cả làng tay vợt tay xô, đầu mang đèn pin kéo nhau ra đồng. Cả đồng cứ như ngày hội, đèn lấp lóa sáng rực, huyên náo lắm.

Vớt lộc trời, mỏi tê lưng người dân vẫn không dám ngẩng đầu lên - 3

Có những thời điểm rươi lên đỏ ruộng, người dân chỉ việc mang vợt ra vớt có thể thu gần chục triệu mỗi đêm.

Rươi thu hoạch đến đâu, thương lái canh trên bờ thu mua đến đó, có thời điểm họ "đấu" nhau, rươi tăng giá vùn vụt, lên tới 550 nghìn/kg. Tiền tươi thóc thật nên dù mệt, dù rét ai cũng háo hức đi xúc rươi. Nhà nào gặp may, làm một đêm thu gần chục triệu", anh Vỹ (một hộ dân ở xóm 1, Châu Nhân) hào hứng kể về công việc đặc biệt của làng mình.

Vớt lộc trời, mỏi tê lưng người dân vẫn không dám ngẩng đầu lên - 4
Tranh thủ lúc rươi lên, sinh viên Phạm Thị Lài ra đồng giúp mẹ thu hoạch. Có đêm, gia đình cô đút túi 5-7 triệu đồng từ con rươi.

Mỗi tháng may ra chỉ có 3 đến 5 ngày rươi mọc, bởi vậy những ngày này người dân huy động "tổng lực" ra đồng để vớt rươi. Thoăn thoắt vớt rươi đổ vào chiếc xô sơn, chị Lê Thị Nga cho biết, hôm nay rươi mọc từ lúc 3h chiều, đến tối mịt vẫn ùn ùn nổi lên. Đây là cơ hội hiếm để kiếm tiền nên 3 người trong gia đình chị kéo đồng vớt rươi. 

"Vớt từ chiều giờ chưa kịp ăn gì luôn. Cúi suốt mấy tiếng, lưng đau cứng rồi nhưng có dám ngẩng đầu lên đâu. Tiền tiêu Tết cả đấy, phải tranh thủ vì dịp may không phải bao giờ cũng có", chị Nga cho hay. 

Riêng ngày hôm nay, mẹ con chị Nga kiếm được gần 8 triệu đồng. Số tiền này cũng tạm đủ để lo một cái Tết tươm tất hơn cho gia đình. "Thường thì vào mùng 1 tháng 11 âm lịch là rươi "mọc" nhiều nhất. Hi vọng hôm đó thu nhập khá hơn hôm nay", người phụ nữ này khấp khởi nghĩ đến cái Tết ấm no hơn. 

Nghiên cứu chuyên canh "rồng đất"

Theo ông Phạm Văn Khánh, người có hơn 30 năm lội ruộng vớt lộc trời, rươi là loài sinh sôi tự nhiên "trời cho ai người ấy hưởng". Loài rươi chỉ sinh sôi, nảy nở ở những nơi có nước lợ theo thủy triều vào đồng. Bởi vậy, dù là "lộc trời ban" nhưng người dân cũng phải có "bí kíp" để loài rươi sinh trưởng.

Vớt lộc trời, mỏi tê lưng người dân vẫn không dám ngẩng đầu lên - 5
Với giá thu mua tại ruộng ở thời điểm này, gần 2kg rươi có giá trị ngang 1 tạ lúa.

"Loài rươi rất kén đất sống, đất phải sạch nó mới chịu ở. Đồng đất ở đây sản xuất 2 vụ lúa mỗi năm nhưng thu nhập từ lúa so với con rươi là rất thấp. Để đất sạch nuôi rươi, chúng tôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho lúa.

Sau khi thu hoạch xong, đất phải cày bừa thật kỹ để có độ tơi xốp cho rươi sinh sống. Những ruộng này phải được bón phân hữu cơ, vừa xốp đất, vừa tạo nguồn thức ăn cho rươi. Dù vậy, có rươi để thu hoạch hay không cũng hên xui. Hai thửa ruộng cạnh nhau nhưng nhà này thu hoạch hàng yến, nhà khác thu hoạch được vài cân một mùa cũng không có gì lạ", ông Khánh cho biết thêm.

Vớt lộc trời, mỏi tê lưng người dân vẫn không dám ngẩng đầu lên - 6
Rươi Châu Nhân hiện nay là loại sinh sống trong môi trường tự nhiên, có giá trị dinh dưỡng, đặc biệt là giàu chất đạm.

Theo tính toán của ông Lê Khánh Quang - Chủ tịch UBND xã Châu Nhân, một sào ruộng (500m2) nếu trồng lúa, sau khi thu hoạch, trừ các loại chi phí, người dân chỉ lãi chưa đến 1 triệu đồng. Trong khi đó, thu hoạch từ rươi có thể lên tới hàng chục triệu đồng cho một mùa kéo dài hơn 3 tháng, thậm chí, có trường hợp thu được cả tấn rươi. Bởi vậy, dù là công việc mang tính thời vụ nhưng đây là nguồn thu nhập chính của các hộ có ruộng rươi.

"Xã cũng nhận thấy tiềm năng kinh tế từ con rươi so với các loại cây trồng, vật nuôi khác và cũng đang có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây con, hướng tới chuyên canh loài sản vật có giá trị kinh tế lớn này. Chúng tôi cũng đang xúc tiến để nhờ các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu tính khả thi của việc nuôi rươi.

Vớt lộc trời, mỏi tê lưng người dân vẫn không dám ngẩng đầu lên - 7
Nếu việc chuyên canh rươi khả thi, đây sẽ là hướng phát triển kinh tế cho xã ven sông Lam này.

Nếu khả thi, đây sẽ là một hướng phát triển kinh tế mới của địa phương. Trước mắt chúng tôi hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cho người dân để phát huy hiệu quả nhất nguồn lợi thủy sản này", ông Quang cho hay.