Vợ chồng khắc khẩu, phải làm gì để gia đình êm ấm?

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Nhiều cặp vợ chồng không hòa hợp trong lời ăn tiếng nói, thường xuyên cãi vã vì những điều nhỏ nhặt nên không khí gia đình lúc nào cũng ngột ngạt, căng thẳng.

"Cãi nhau như cơm bữa"

"Vợ chồng tôi khắc khẩu lắm, cứ mở miệng ra là cãi nhau", đó là cách chị Lê Giang (35 tuổi, Hà Nội) miêu tả về cuộc hôn nhân của mình.

Vợ chồng chị kết hôn đã được hơn 6 năm, có với nhau 2 mặt con. Ngần ấy năm chung sống nhưng hai vợ chồng chẳng mấy khi trò chuyện vui vẻ với nhau được quá 5 phút.

Nguyên nhân khẩu chiến nhiều vô kể, từ những chuyện bé như dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, cho đến chuyện lớn như mua nhà, tính toán kinh doanh.

"Tính tôi gọn gàng còn chồng lại xuề xòa. Chỉ riêng chuyện để giày dép lung tung, ngủ dậy không gấp chăn màn, vứt đồ đạc bừa bãi… chúng tôi đã cãi nhau không biết bao nhiêu lần", chị than thở.

Vợ chồng khắc khẩu, phải làm gì để gia đình êm ấm? - 1

Nhiều cặp vợ chồng "cãi nhau như cơm bữa" (Ảnh minh họa: T.News).

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) cho biết, vợ chồng sống với nhau không tránh khỏi những lúc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt".

Cãi vã đôi khi là một gia vị của hôn nhân, khiến cả hai thấu hiểu, học cách dung hòa với nhau hơn. Tuy nhiên, nếu thường xuyên mâu thuẫn, tranh cãi thì lại khiến hôn nhân trở nên ngột ngạt, bế tắc, có thể dẫn đến những hệ lụy đáng buồn.

Sau 2 năm về chung một nhà và cãi nhau suốt ngày, vợ chồng Hà Thảo (27 tuổi, TP.HCM) đã quyết định ký đơn ly dị. Thảo cho biết, mâu thuẫn vợ chồng đa phần đến từ những chuyện vụn vặt như nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa

Thảo không chấp nhận được tính lười làm việc nhà, hay đi nhậu nhẹt của chồng. Còn chồng Thảo chê vợ hay cằn nhằn, cáu bẳn, thích kiểm soát, không tôn trọng chồng.

Đỉnh điểm trong một lần cãi nhau, Thảo đã nói: "Tôi mù nên mới lấy anh". Câu nói như giọt nước tràn ly, hai vợ chồng đã đường ai nấy đi sau đó.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2022, có trên 500.000 vụ ly hôn được thụ lý. Trong số đó, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi 18-30, xuất phát từ những mâu thuẫn do lối sống khác nhau, những xung đột, bất đồng quan điểm...

"Chìa khóa" để hôn nhân yên ấm, tránh cãi vã

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng, cảm xúc khó chịu, tiêu cực sẽ trỗi dậy mạnh mẽ khiến chúng ta muốn giải phóng ngay ra bên ngoài. Kết quả là cả hai lao vào tranh cãi, hơn thua nhau.

Trong cơn tức giận, chúng ta thường không sẵn sàng lắng nghe, mà có xu hướng chỉ trích, đổ lỗi, có thể buông ra những lời nói ác ý làm tổn thương đối phương.

Chính vì vậy, mấu chốt để tránh khắc khẩu, cãi vã không phải là nói mà là lắng nghe. Trong lúc nóng nảy, việc tranh cãi đúng sai không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ khiến sự việc thêm tồi tệ.

Vợ chồng khắc khẩu, phải làm gì để gia đình êm ấm? - 2

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, thay vì tranh nhau nói, nên học cách lắng nghe để hóa giải mâu thuẫn (Ảnh: NVCC).

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh cho biết, chúng ta mất 1-2 năm để học nói nhưng phải mất cả đời để học cách lắng nghe. Trong hôn nhân, lắng nghe là chìa khóa để hóa giải mâu thuẫn. Cuộc sống vốn là tương tác hai chiều.

Nếu chúng ta chỉ có một chiều nói để phát đi thông điệp của bản thân mà không có chiều lắng nghe để nhận thông điệp từ người khác, mối quan hệ sẽ không thể bền vững được.

Bởi vậy, dù có không đồng tình với những lý lẽ của bạn đời thì cũng hãy lắng nghe bằng thái độ tôn trọng để họ được giãi bày hết suy nghĩ của bản thân. Không nên ngay lập tức "chặn họng", hạ bệ, xúc phạm đối phương.

Mỗi người sinh ra trong một môi trường khác nhau, được giáo dục khác nhau, có những trải nghiệm quá khứ và góc nhìn khác nhau.

Không nên khăng khăng cho rằng góc nhìn của mình là đúng, của bạn đời là sai. Hãy đứng ở vị trí của nhau để nhìn nhận mọi vấn đề khách quan nhất, rồi cùng giải quyết vấn đề thay vì cãi vã.

Vợ chồng hiện diện bên nhau chính là hành trình để chữa lành tâm thức cho nhau. Khi nhìn thấy vấn đề của đối phương là chúng ta đang có cơ hội để chữa lành cho chính mình.

Do đó, hãy nói ngôn ngữ chữa lành bất luận ai đúng ai sai như: "Xin lỗi, cảm ơn anh/em", "Anh/em sẽ rút kinh nghiệm", "Làm ơn hãy tha thứ cho anh/em"...

Như vậy những cảm xúc tiêu cực của đối phương sẽ được hạ xuống ngay lập tức. Từ đó, cả hai sẽ tìm được tiếng nói chung, nói chuyện được với nhau bằng thái độ cởi mở, bình an giải quyết vấn đề.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm