Việt Nam là điểm sáng toàn cầu về chống đói nghèo và bình đẳng giới
(Dân trí) - Thu hẹp khoảng cách giới và giảm nghèo là 2 điểm sáng của Việt Nam sau 10 năm triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục.
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo.
Trong 10 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trên cơ sở bám sát Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 22 được nêu tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ.
Những kết quả đạt được trong lĩnh vực lao động và xã hội được thể hiện ở nhiều mặt. Trong đó, hai điểm sáng là giảm nghèo bền vững và bình đẳng giới.
Việt Nam đã thực hiện giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận đa chiều thay cho cách tiếp cận giảm nghèo theo thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo tại Việt Nam liên tục giảm từ năm 2016 đến nay, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về chống đói nghèo của thế giới.
Về công tác bình đẳng giới, năm 2022, chỉ số xếp hạng bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021. Khoảng cách giới ngày càng được thu hẹp. Nội dung bình đẳng giới được lồng ghép vào trong luật pháp, chính sách.
Đáng kể, bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những cải thiện rõ nét thông qua các con số.
Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, có quyền tự chủ hơn trong nhiều mặt như việc làm, thu nhập, kết hôn, sinh con…
Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hoạt động chính trị, đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo ở các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tăng lên đáng kể. Tại Quốc hội khóa XIV, 41/133 nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số, đạt 8,3%. Tại Quốc hội khóa XV, con số này là 8,8%.
Số đại biểu nữ người dân tộc thiểu số trong các năm gần đây đạt mức gần ngang bằng với số nam đại biểu người dân tộc thiểu số (44 nữ/45 nam).
Trong lĩnh vực lao động - việc làm, tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số có công việc hưởng lương, tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số là cán bộ, công chức, chủ cơ sở kinh doanh cũng có chiều hướng tăng mạnh.
Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoảng cách giới của học sinh dân tộc thiểu số được thu hẹp. Nhiều tỉnh thành như Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng… đã giảm được tỷ lệ học sinh nữ người dân tộc thiểu số bỏ học để kết hôn sớm. Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 34,5%, tăng 8,2% so với năm 2019.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đề cập thêm, trong 10 năm qua, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó có 9/10 công ước cơ bản về tiêu chuẩn lao động, 7/9 công ước cốt lõi của Liên hợp quốc về quyền con người.
Bộ LĐ-TB&XH đã trình ban hành 6 Luật, Bộ luật và một hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và các công ước đã tham gia.
Ở mảng lao động, việc làm, khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động trong khu vực ngày càng được nâng cao, trình độ kỹ năng nghề và kết quả tham gia các kỳ thi tay nghề thế giới được cải thiện, thu nhập bình quân tăng.
Đặc biệt, nhóm lao động yếu thế, lao động là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật được tiếp cận nhiều hơn với cơ hội việc làm. Chế độ trợ cấp xã hội cho các đối tượng này liên tục được điều chỉnh tăng phù hợp với mức sống và trình độ phát triển của đất nước.
Viện trợ phi chính phủ trực tiếp qua Bộ LĐ-TB&XH mỗi năm đạt từ 6-10 triệu USD, góp phần cải thiện cuộc sống cho nhóm đối tượng lao động dễ bị tổn thương. Cùng với đó, an sinh xã hội mở rộng độ bao phủ với tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt gần 17,49 triệu người.
Lãnh đạo ngành yêu cầu quán triệt sâu sắc chủ trương hội nhập quốc tế, trong đó cần sự phối hợp chặt chẽ các cơ quan bộ ngành giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội và thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường các điều kiện chính sách đảm bảo quyền của người dân trong nhóm yếu thế...