Văn hóa giao thông nhìn từ nước Nhật

(Dân trí) - Một tuần lễ ở đất nước “Mặt trời mọc” đã giúp tôi khám phá nhiều điều mới lạ, để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên về đất nước, con người Nhật Bản. Và một trong những ấn tượng đó chính là văn hóa giao thông.

Ở Nhật Bản, từ thành phố cho tới nông thôn, trên những tuyến đường giao thông đều có vạch phân làn đường cho từng loại xe, đường ai nấy chạy, xe nào chạy trên đường đó, không có chuyện chạy lấn tuyến hay phóng nhanh vượt ẩu. Suốt một tuần lễ đi từ thủ đô Tokyo cho đến các địa phương như Hakone, Fukoroi, Nagoya, Kyoto, Osaka… bằng xe buýt, tôi chưa thấy một vụ kẹt xe nào.

Hai bên đường đều có những mảng tường cách âm mà theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên người địa phương là để đảm bảo an toàn cho các tài xế khi tham gia giao thông. Cùng với mảng tường cách âm, trên những tuyến đường có lập dải phân cách thì ở đó người ta trồng những mảng cây dây leo cách nhau khoảng 5- 6m nhằm hạn chế ánh đèn pha của những xe chạy ngược chiều với nhau, cũng là cách để hạn chế tai nạn giao thông. Tại những chỗ giao nhau trên các tuyến đường đều có đèn tín hiệu giao thông và có vạch phân đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp.

Người dân qua đường đúng phần vạch đường quy định.
Người dân qua đường đúng phần vạch đường quy định.

Người Nhật tuân thủ quy định sang đường rất nghiêm túc. Tôi đã quan sát rất nhiều và thấy khi đèn đỏ trên đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp bật lên, tất cả đều dừng lại, không một ai vượt qua đường, kể cả khi đó đường dành cho xe ôtô không có xe chạy, chỉ khi đèn xanh bật lên mọi người mới hối hả vượt sang bên kia đường mà thôi.

Thậm chí, tại các ngã tư đường còn có tín hiệu dành cho người khiếm thị bằng tiếng chim hót líu lo nên người khiếm thị qua đường mà không cần người dắt. Những ngày ở Nhật Bản, tôi cũng để ý nhiều và tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một cảnh sát giao thông nào trên đường.

Anh Nguyễn Văn Long (hướng dẫn viên người Việt Nam ở Nhật) cho biết: “Ở Nhật Bản, ý thức chấp hành giao thông của người dân rất tốt nên ít khi có sự tham gia của cảnh sát giao thông. Có chăng chỉ là một số người địa phương được huấn luyện nghiệp vụ hướng dẫn giao thông tại các ngã tư đường vào giờ cao điểm mà thôi”.

Một trạm dừng chân.
Một trạm dừng chân.

Trên nhiều tuyến đường dài ở Nhật Bản đều có trạm dừng chân. Tất cả các tài xế khi điều khiển xe qua những trạm này bắt buộc phải dừng xe cho hành khách cũng như cho chính bản thân họ nghỉ ngơi cho tỉnh táo, thoải mái tinh thần rồi mới đi tiếp. Trong khi đó, ở Việt Nam, cánh tài xế đường dài luôn tranh thủ chạy cho nhanh, nghỉ thật ít để quay cho được nhiều “tua” nên nhiều vụ tai nạn xảy ra do tài xế… ngủ gật trên vô lăng.

Tàu điện ở Nhật Bản cũng là một khám phá thú vị đối với chúng tôi. Có mặt trên những chuyến tàu điện, tôi thấy người rất đông nhưng khá trật tự, không có sự chen lấn, xô đẩy. Một chi tiết khá thú vị khi chúng tôi đi xe điện cao tốc từ Hamatsu đến Nagoya là lái tàu điều khiển tàu đỗ hết sức chuẩn xác vào vị trí khách đi tàu đứng chờ. Chúng tôi đứng chờ tại cột số 6 để lên toa số 14 theo vạch vàng có sẵn trên sân ga. Khi đoàn tàu dừng lại, cửa tàu mở đúng ngay vị trí chúng tôi đang đứng chờ để lên tàu, không xê xích một chút nào, cứ vậy hành khách bước vào toa chứ không phải chạy tìm kiếm cửa lên tàu. Được biết, lái tàu phải học và luyện rất kỹ việc dừng tàu này, nếu người nào điều khiển tàu đỗ không đúng vị trí thì phải báo cáo và bị trừ điểm, còn không báo cáo thì bị xử lý nặng.

Nhật Bản là quốc gia có các tập đoàn sản xuất ô tô mạnh vào loại bậc nhất thế giới, còn ở thủ đô Tokyo với 12 triệu dân, gần 7 triệu ôtô, vậy mà trên các đường phố Tokyo, mật độ ô tô lại không nhiều, các dòng xe tham gia giao thông lại rất trật tự và nề nếp.

Học sinh Nhật đi học bằng xe điện ngầm.
Học sinh Nhật đi học bằng xe điện ngầm.

Anh Long cho biết thêm: Ở Nhật, người dân đã quen với các phương tiện vận tải công cộng. Việc đi lại hàng ngày của họ chủ yếu là các phương tiện vận tải khách công cộng như tàu điện trên cao, tàu điện ngầm và hệ thống xe bus. Được biết, các phương tiện vận tải hành khách công cộng ở Nhật Bản đã vận chuyển tới 3/4 lưu lượng khách trong thành phố, đã thế lại rất thuận lợi cho mọi người dân, bởi nó chính xác đến từng phút. Tàu điện ngầm và tàu điện trên cao cứ vài phút lại có một chuyến. Tại các nhà ga đều có sự chỉ dẫn chi tiết về thời gian tàu đến, tàu đi và hướng đi lại. Khách đi lại thường xuyên đa phần mua vé tháng, còn khách có nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi có thể mua vé ngồi ở một toa riêng. Ở đó người ta trang bị các ghế mềm, diện tích rộng khiến cho hành khách luôn cảm thấy thoải mái.

Du khách đến Nhật Bản đều có chung cảm nhận rằng, bức tranh giao thông ở Nhật thật ấn tượng, hiện đại, tiện lợi và an toàn. Anh Long cho biết, đó là một quá trình dài mà cả nước Nhật dày công phấn đấu gây dựng mới có được.

Tác giả tại một tuyến xe điện ngầm.
Tác giả tại một tuyến xe điện ngầm.

Đến Nhật Bản ai cũng có thể cảm nhận hệ thống xe điện thật sự là "báu vật" ở xứ sở mặt trời mọc. Ở đây có hai loại xe điện là xe điện ngầm và xe điện nổi. Hệ thống xe điện ngầm gồm 14 tuyến chuyên chở được 8 triệu lượt khách/ngày. Ngoài hệ thống đường quốc gia do các cơ quan nhà nước quản lý, còn có tới 11 tuyến của tư nhân. Hệ thống giao thông này trên thực tế đã vận chuyển tới 36 triệu lượt khách/ngày đêm. Xe nổi, xe ngầm nhiều như vậy, nên không ai có thể nhớ hết được các ga trên mỗi tuyến đường.

Theo anh Long, ở Nhật Bản nạn ùn tắc giao thông về cơ bản đã được giải quyết. Những ngày ở Nhật Bản là thời gian chúng tôi có điều kiện tiếp cận với nhiều thành phố ở đất nước mặt trời mọc. Tất cả đều có bức tranh giao thông tương đối giống nhau. Đó là không có cảnh tắc đường, đường thông, hè thoáng. Ở đây không có cảnh người ta lấn chiếm vỉa hè để làm nơi kinh doanh.

Anh Nguyễn Văn Long cũng cho biết, ở Nhật Bản, gần như đường không có tên mà chỉ có biển hướng dẫn hướng đường, phố không có chợ như thường thấy ở Việt Nam. Đường đã thoáng, vỉa hè lại rất sạch và hầu như không có ô nhiễm môi trường. Suốt ngày đi bộ với đôi giày trắng nhưng không thấy có chút bụi bẩn nào bám vào.

Hệ thống giao thông ở Nhật Bản được nhiều du khách đánh giá là một bức tranh sáng.
Hệ thống giao thông ở Nhật Bản được nhiều du khách đánh giá là một "bức tranh" sáng.

Theo giải thích thì Nhật Bản là quốc gia đất chật, người đông nên để lưu lượng ô tô không bị ùn tắc, phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau để bảo đảm các tuyến đường luôn thực sự "thông", vỉa hè thật sự "thoáng". Trong đó, chuyện dừng, đỗ xe đúng nơi quy định tại các tuyến đường không chỉ được áp dụng với xe bus và cũng không chỉ riêng ở Tokyo mà đối với các loại phương tiện khác.

Được biết, Quốc hội Nhật Bản đã sửa đổi đạo luật về giao thông, trong đó có điều khoản về bãi đỗ ô tô. Theo đó, tất cả các tỉnh, thành phố đều phải có quy hoạch về bãi đỗ xe bảo đảm yêu cầu quy định. Luật cũng quy định, khi mua ô tô phải đăng ký có chỗ đỗ xe trong phạm vi dưới 2km. Đối với các công trình xây dựng cao tầng trong nội thành, thì việc có bãi đỗ xe là một yêu cầu bắt buộc để xem xét cấp phép xây dựng. Mức phạt cho các trường hợp đỗ xe sai nơi quy định ở Tokyo từ 5.000 đến 10.000 yên (tương đương 700.000 đồng - 1,4 triệu đồng Việt Nam).

Bài, ảnh: Cao Xuân Lương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm