Ứng dụng công nghệ trong quản lý sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Sau thời gian nghiên cứu, dự án ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã triển khai thành công máy bay cứu hộ không người lái tại Hòa Bình và hệ thống quan trắc môi trường biển tại Phú Yên.

Chuyển đổi số ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn ở Hòa Bình

Ứng dụng công nghệ trong quản lý sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn - 1
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học của Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn, đại diện Vinasarcom và Aus4Innovation tại hội thảo.

Sau gần hai năm hợp tác nghiên cứu, phát triển giữa các nhà khoa học Úc và Việt Nam (thuộc Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn) cùng các đơn vị của Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, hội thảo đã diễn tập thực địa thành công việc ứng dụng máy bay không người lái tích hợp phần mềm nhận dạng, công nghệ mô phỏng trong hoạt động đào tạo, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Các thuật toán AI và công nghệ cảm biến từ xa dựa trên tín hiệu hình ảnh, ảnh nhiệt có thể tìm kiếm người bị nạn ở các môi trường điều kiện khác nhau ngay cả ban đêm, trời tối. Công nghệ AI, máy bay không người lái có thể ứng dụng cho việc tìm kiếm, cứu người bị nạn ở môi trường biển, đồi núi, sông hay lũ lụt,… phát hiện ra con người mà nhân viên tìm kiếm cứu nạn khó nhìn thấy.

Ông Lã Đại Phong - Phó chánh văn phòng Vinasarcom cho biết, hệ thống phát triển bởi chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo Aus4Innovation có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn tại Việt Nam, nhất là ở các nhiệm vụ rủi ro cao như tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn - 2
Máy bay không người lái có thể nhận dạng người trong tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khi điều kiện không thuận lợi như bị cây che khuất, đồi núi, ban đêm, trên biển, sông hay lũ lụt,…
Ứng dụng công nghệ trong quản lý sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn - 3
Máy bay không người lái cứu hộ đang thả thiết bị cứu sinh tại buổi diễn tập.

Hệ thống quan trắc môi trường biển được lắp đặt tại Phú Yên

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Bách khoa TPHCM, hai bên đã phát triển hệ thống quan trắc gồm 4 trạm, sử dụng những công nghệ và thiết kế tiên tiến trong lĩnh vực IoT, robot, phân tích dữ liệu lớn và cơ điện tử.

Trạm cung cấp số liệu quan trắc trực tiếp môi trường biển với độ trễ xử lý 0,5 giây; dựa trên công nghệ kết nối vạn vật (IoT) được lắp đặt ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) từ năm 2020. Đến nay, trạm đã thu thập các dữ liệu chỉ số quan trắc gồm nhiệt độ, độ pH, hàm lượng oxy hòa tan, độ mặn và độ trong của nước.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn - 4

Bà Sarah Hooper, Tổng lãnh sự Australia tại TPHCM, đại diện Trường Đại học Công nghệ Sydney, Đại học Bách khoa TPHCM, Aus4Innovation, đại diện tỉnh Phú Yên,….tại lễ chuyển giao công nghệ hệ thống quan trắc môi trường biển.

Theo ban quản lý dự án, hệ thống quan trắc biển được thiết kế có thể chịu bão nhiệt đới và các điều kiện khắc nghiệt của môi trường nước biển trong gần 4 năm qua. Các bộ phận cơ khí tự động tiên tiến được áp dụng cho quá trình bảo trì nhằm gia tăng tuổi thọ của bộ cảm biến. Đây là một trong những hệ thống quan trắc môi trường biển đầu tiên ở Việt Nam và cũng thuộc số ít hệ thống trên thế giới có thể theo dõi các chỉ số về môi trường nước biển theo thời gian thực, trong những điều kiện khắc nghiệt.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn - 5
Một trong các trạm quan trắc môi trường biển thời gian thực được lắp đặt ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) (Ảnh: Đại học Công nghệ Sydney).

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết: "Hệ thống quan trắc môi trường biển thời gian thực giúp chính quyền địa phương thiết kế cơ chế phù hợp để quản lý và tổ chức việc nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường biển trong sạch, phục vụ cho nhu cầu phát triển bền vững tại địa phương ven biển".

Theo GS Michael Blumenstein - Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ Sydney, bằng sự hợp tác này, các giáo sư, nhà khoa học của Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Bách khoa TPHCM đã thực hiện nhiều dự án mang lại giá trị, đóng góp vào sự phát triển chung của Australia và Việt Nam.

Là người kết nối đổi mới sáng tạo giữa Úc và Việt Nam, Giáo sư Diep N. Nguyen (Điệp Nguyễn), Đại học Công nghệ Sydney nhấn mạnh: "Chúng tôi rất vui mừng khi kết quả hợp tác đổi mới sáng tạo của chương trình Aus4Innovation giữa Úc và Việt Nam có thể giải quyết các vấn đề thiết thực của hai nước. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, sự kiện hợp tác được kỳ vọng sẽ góp phần kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của hai nước, một trong ba trụ cột của hợp tác chiến lược Australia - Việt Nam".