"Tuyệt chiêu" bóp bụng, một ngày tiêu chưa đến 60 nghìn đồng giữa Thủ đô
(Dân trí) - Giữa cái nóng 40 độ C, anh Hồng hì hục nhóm lửa. Khi chiếc bếp củi rừng rực cháy, người đàn ông làm nghề cửu vạn đun lại chút thức ăn và luộc nốt 1/3 mớ rau muống để chuẩn bị cho bữa cơm chiều.
Có đến những xóm trọ nghèo mới thấy được muôn vàn "tuyệt chiêu" tiết kiệm của những lao động tự do hay đội ngũ cửu vạn, xe ôm... Những "tuyệt chiêu" nghe có phần đắng đót giữa thời bão giá.
Họ ăn uống đạm bạc, dè sẻn từng chút khí đốt, sử dụng những thiết bị điện đơn giản nhất... Tất cả là để căn ke sao cho số tiền làm ra đủ trang trải cuộc sống nhọc nhằn và dành dụm ra được 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng phòng lúc ốm đau, bệnh tật.
Ngày hai lần đi chợ, tiêu chưa hết 60 nghìn đồng
Khoảng 9 -10 giờ sáng mỗi ngày, trong căn phòng trọ ở gần chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Hồng (SN 1970) lại lục tục nấu ăn. Đó là bữa sáng, kiêm bữa trưa của cặp vợ chồng quê Duy Tiên, Hà Nam suốt nhiều năm nay.
Chia sẻ với PV Dân trí, anh Hồng bảo, do đặc thù của công việc cửu vạn chợ đầu mối - "ngủ ngày cày đêm" nên cứ 9-10 giờ sáng, vợ chồng anh mới "bình minh". Lúc này, họ nấu một bữa ăn sáng kiêm ăn trưa.
Đến chiều, khoảng 4 giờ, cả hai nấu bữa tối, ăn cơm sớm lúc 5-6 giờ để nghỉ ngơi ít phút trước lúc kéo xe ra chợ bốc hàng.
Hôm PV Dân trí ghé thăm, chị Đinh Thị Bến (SN 1979) - vợ anh Hồng đang tranh thủ về quê gặt lúa của nhà và đi làm thuê nhân mùa thu hoạch. Trong căn phòng trọ rộng chừng chục mét vuông chỉ có anh Hồng cùng cô con gái mới học hết lớp 9 ở quê lên chơi.
Bữa trưa hôm ấy, anh Hồng mua hơn 40.000 tiền xương lợn để nấu với quả bí đỏ được mang từ quê lên. "Tôi cứ nấu nhiều và dư ra một chút, ăn bữa trưa và bữa chiều. Buổi tối, tôi luộc thêm 1/3 mớ rau muống và mua thêm vài nghìn dưa muối là xong", anh Hồng nói.
Quả đúng như anh Hồng dự đoán, phần canh bí đỏ nấu xương buổi trưa hai bố con anh ăn không hết, còn non nửa để lại.
Chiều đến, trước khi đi ra chợ mua dưa, anh Hồng hỏi con gái có muốn ăn thêm gì không. Đó có lẽ là cách chiều con gái duy nhất của người cha làm nghề cửu vạn này.
"Suốt từ hôm ở quê lên, nó chẳng được đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà chờ bố mẹ đi làm về", anh Hồng nói.
Lần đi chợ thứ hai trong ngày, anh Hồng chỉ tiêu hết 13 nghìn đồng, trong đó 10 nghìn đồng anh mua cho con gái 2 xiên thịt nướng, 3 nghìn đồng tiền dưa cải. Thêm 1/3 bó rau muống (có giá 10 nghìn mua hôm trước), vị chi ngày hôm ấy, tiền ăn của hai bố con hết gần 60 nghìn đồng.
Bữa cơm tối hôm ấy, hai bố con anh chưa ăn ngay mà còn chờ chị Bến ở quê lên.
Chỉ vào mâm cơm tối, anh Hồng bảo, những bữa cơm khác của gia đình anh cũng chỉ loanh quanh với chút thịt, cá, rau, dưa, đậu, lạc… như thế.
"Thức ăn chính tôi thường nấu một bữa ăn hai, thịt băm, cá kho, có khi là canh xương như lúc trưa... Tiền ăn trung bình một ngày từ 50 -70 nghìn đồng. Bữa nọ bù bữa kia", anh Hồng nói.
Nấu bếp củi để phải lo nghĩ đến tiền gas
Vợ chồng anh Hồng lên Hà Nội thuê trọ ở gần chợ Long Biên 6 năm nay. Cả hai chuyên bốc vác hoa quả cho một đầu mối kinh doanh trái cây ở Hải Dương lên chợ Long Biên nhập hàng.
Công việc phụ thuộc vào tình hình tiêu thụ hàng hóa của đầu mối nên không phải khi nào họ cũng đều chằn chặn có việc cả tháng. Mỗi ngày, cả hai đều chờ đợi những cuộc điện thoại gọi đi làm.
Chia sẻ với PV Dân trí qua điện thoại, chị Bến kể: "Khi nào bán hết hàng họ mới lên nhập tiếp. Họ điện cho chúng tôi ra bốc hàng ở từng ki-ốt một. Hai vợ chồng một người kéo, một người đẩy. Hôm nào tôi về quê thì chồng sẽ làm cùng với một người họ hàng thuê trọ ở bên cạnh", chị Bến kể.
Theo anh Hồng, tiền công được tính theo đầu thùng hoặc sọt. Vận chuyển loại sọt hoặc thùng hoa quả loại 20 - 30kg, cả hai được trả từ 2 nghìn - 3 nghìn/thùng, loại nặng 50kg như thùng mận được trả 5 nghìn đồng.
Tính trung bình, một buổi đi làm từ 9 giờ đêm đến 3 giờ sáng, cả hai kiếm được từ 300 - 400 nghìn đồng, hôm nào cao nhất là 500 nghìn đồng. Một tháng họ đi làm được nhiều nhất là 15 buổi như thế. Thu nhập khoảng 6 - 7,5 triệu đồng/tháng.
"Nếu xin vào các công ty ở gần nhà tôi làm thì lương cũng được 6-7 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, thời gian sẽ gò bó hơn. Vì mẹ tôi hay đau ốm, gia đình phát sinh nhiều việc lặt vặt, vậy nên tôi đành chấp nhận đi đi về về như vậy", chị Bến kể.
Mỗi lần về quê, hễ ai thuê làm mướn, chị Bến đều tranh thủ nhận việc. Những ngày này, quê chị đang vào vụ thu hoạch lúa nên chị Bến nhận gặt thuê với tiền công khoảng 180 nghìn đồng/ngày.
Tuy vậy, công việc này chỉ ăn theo thời vụ, hơn nữa, nhiều hộ gia đình thuê máy để gặt cho nhanh, lại không mất công tuốt lúa nên những người gặt tay như chị Bến cũng chẳng kiếm được là bao.
Như vậy, thu nhập một tháng của họ thường chỉ dừng lại ở con số ít ỏi khoảng 7 triệu đồng. Khoản tiền này được cả hai chia năm xẻ bảy. Họ đóng tiền thuê trọ hết 1 triệu đồng, khoảng 200 nghìn tiền điện nước, mấy trăm nghìn "biển số" ra vào chợ. Gạo không phải mua vì nhà cấy được nhưng tiền ăn cũng tiêu tốn của họ khoảng 1,8 triệu đồng.
Ngoài tiền trọ, tiền ăn, mỗi tháng, anh chị tốn một khoản khoảng 500 nghìn đồng mua thuốc bổ não cho anh Hồng và thuốc trị xương khớp cho chị Bến. Anh Hồng trước đây không may bị ngã, đầu bị chấn thương phải phẫu thuật. Chị Bến sau nhiều năm bốc vác hàng hóa nặng nhọc cũng đối diện với căn bệnh xương khớp dai dẳng.
Công việc không đều đặn, lại phải chăm sóc mẹ già, con nhỏ ở quê, chăm bón cho 5 sào ruộng… nên cứ đôi ba bữa chị Bến lại đi xe máy về quê Hà Nam. Chính vì phải di chuyển nhiều nên thời gian gần đây, chị xót ruột nhất là mỗi lần dắt xe vào cây xăng.
Anh Hồng và chị Bến sinh được hai đứa con, một trai, một gái. Cậu con trai lớn học xong cấp 3 đã đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Cô con gái út dự tính năm tới sẽ học bổ túc văn hóa sau đó đi học nghề.
Con lớn không phụ thuộc nữa nhưng còn đứa con út và người mẹ già cùng một người cô họ, vợ chồng anh Hồng chị Bến vẫn phải chăm lo, nuôi dưỡng.
Chính vì phải cáng đáng nhiều việc, nên hai vợ chồng cửu vạn này nghĩ đủ cách để tiết kiệm, bóp bụng trong chi tiêu. Cả hai nấu cơm bằng nồi cơm điện, còn thức ăn sẽ được nấu bằng bếp củi. Củi được gỡ ra từ một số thùng gỗ đựng hoa quả. Nhờ nấu ăn bếp củi, vợ chồng anh Hồng không phải quan tâm đến giá gas.
Chị Bến tâm sự: "Giá cả tăng, cái gì tiết kiệm được thì mình phải tiết kiệm. Những thứ như đồ ăn thức uống cần ăn thì vẫn phải mua.
Tuy nhiên, tôi chỉ mua vừa đủ ăn chứ không mua quá nhiều, ăn không hết sẽ dễ ôi thiu, phòng không có tủ lạnh, phải bỏ đi rất phí. Đồng tiền là mồ hôi nước mắt nên chi tiêu thế nào càng phải tính toán cẩn thận".