Túi nilon, đồ nhựa dùng đựng thực phẩm làm từ nhựa bẩn nguy hại thế nào?

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo PGS Thịnh, nhựa tái chế khi nấu lại, gia nhiệt sẽ tách ra các phân tử monomer kích thước nhỏ. Phân tử này khi khuếch tán vào thực phẩm sẽ gây ra những phân tử lạ trong cơ thể, gây ra bệnh tật.

Những phân tử cực độc trong nhựa tái chế

Sau khi Dân trí đăng tải bài viết "Rùng mình công nghệ tái chế nilon ở "làng xay rác lớn nhất Việt Nam" phản ánh hoạt động thu mua, tái chế rác nilon, nhựa phế thải ở thôn Minh Khai (hay còn gọi là làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên), bạn đọc đã để lại nhiều bình luận sôi nổi và bày tỏ không ít lo ngại.

Bạn đọc Thân Đức chia sẻ: "Con người hiện nay sống trên chất độc, cái gì cũng sử dụng túi nilon, không bệnh mới lạ? Lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi đi chợ mua gì cũng lá chuối, lá sen, lá chóc chứ không dùng túi nilon, ăn uống cũng an toàn… Ngày nay, thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra ở khắp nơi, nhiều người thờ ơ, không coi trọng sức khỏe…".

Bạn đọc Đông Xuân Mai nêu quan điểm: "Tái chế rác nilon là điều cần thiết để giúp cải thiện môi trường. Kinh tế của người dân vì thế cũng đi lên. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần quan tâm là chất lượng môi trường sống nơi tái chế và chất lượng sản phẩm tái chế. Nếu cả hai vấn đề này được quan tâm, cải thiện thì sẽ là tốt nhất".

Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Tran Tan cho rằng, tái chế rác thải nhựa là một việc làm tốt, tuy nhiên nên quản lý chặt chẽ để tạo ra sản phẩm tái chế đủ an toàn.

Liên quan vấn đề này, trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay: Tái chế là một hoạt động rất hữu ích, giúp giảm thiểu rác thải ra môi trường. Từ những túi nilon, chai, lọ nhựa vứt đi, nhiều người gom lại, tập trung lại, tái chế thành những sản phẩm có thể dùng được.

Tuy nhiên, nhựa tái chế dùng vào việc gì thì lại là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng. "Hiện nay, đa số các hộ, công ty tái chế đang chạy theo lợi nhuận và nhu cầu của thị trường. Người tiêu dùng cần cái gì thì họ sản xuất cái đó", PGS Thịnh nhấn mạnh.

Túi nilon, đồ nhựa dùng đựng thực phẩm làm từ nhựa bẩn nguy hại thế nào? - 1

Rác nilon được nung chảy. (Ảnh: H. A)

Theo nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, có hai loại nhựa: nhựa nguyên khai (nguyên sinh) và nhựa tái chế. Những hộp đựng thực phẩm, bình đựng nước, hay vỉ thuốc… được làm từ nhựa nguyên khai sẽ an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Nhựa nguyên khai là các plymer được tạo từ các phân tử monomer. Cái độc chính là monomer chứ không phải là polymer. Khi tổng hợp nhựa nguyên khai, người ta đã loại bỏ về cơ bản những monomer đơn chất nên các đồ dùng sẽ không gây độc.

Nhựa nguyên khai sản xuất ra rất nhiều đồ dùng, sản phẩm. Những đồ dùng này khi thành rác, được đem tái chế, nấu lại, gia nhiệt sẽ tách ra các phân tử monomer kích thước nhỏ. Phân tử này khi khuếch tán vào thực phẩm sẽ gây ra những phân tử lạ trong cơ thể, có thể gây ra bệnh (vô sinh, ung thư…).

Vị chuyên gia phân tích: Chẳng hạn, thức ăn của chúng ta đựng trong bát nhựa (bát nhựa là polymer, không hòa tan được) nhưng bát làm từ nhựa tái chế thì trong chiếc bát đó lại có nhiều phân tử kích thước nhỏ monomer. Phân tử này sẽ hòa vào thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm chứa axit như dưa chua, canh chua, rượu… thì càng dễ hòa tan. Khi vào cơ thể chúng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Các loại rác nilon, chai lọ phế liệu thường không được tinh chế hết chất bẩn, chất bẩn vì thế được hòa lẫn vào nhựa trong quá trình tái chế. Có thể, các vi sinh vật không đáng ngại vì chúng bị tiêu diệt bởi nhiệt. Nhưng có những chất bẩn, chất độc, kim loại nặng không phân giải được, vẫn còn tồn tại. Các tạp chất này khi lẫn với nhựa dễ hòa tan vào thực phẩm.

Thực tế, người tiêu dùng rất khó phân biệt giữa túi nilon, đồ dùng được làm từ nhựa nguyên khai và túi nilon, đồ dùng được làm từ nhựa tái chế. .

Chính vì vậy, theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Nhà nước cần có quy định cụ thể về việc những hạt nhựa tái chế được dùng vào việc gì. Chẳng hạn, có thể dùng để làm ra ghế ngồi, thùng đựng rác, sọt vận chuyển hàng hóa, các đồ dùng không tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Nếu dùng hạt nhựa tái chế để làm các đồ đựng thực phẩm thì không nên, bởi có thể gây nhiễm độc cho người dùng.

Nhiều nước trên thế giới có ký hiệu riêng với các sản phẩm làm từ nhựa nguyên khai. Những đồ làm từ nhựa tái chế sẽ không có ký hiệu đó. Những đồ nhựa được phép dùng cho thực phẩm cũng có ký hiệu riêng. Người dân chỉ cần căn cứ vào đó để lựa chọn và sử dụng cho mục đích thích hợp. Đáng tiếc Việt Nam không có quy định rõ ràng, không có dấu hiệu nào nhận biết nên người dân không biết đâu là hàng xịn, hàng lởm.

Túi nilon, đồ nhựa dùng đựng thực phẩm làm từ nhựa bẩn nguy hại thế nào? - 2

Người Việt có thói quen dùng túi nilon, hộp nhựa đựng thực phẩm. (Ảnh: Toàn Vũ).

Liên quan đến phương án tăng thuế để hạn chế việc sử dụng túi nilon, đồ nhựa, PGS Nguyễn Duy Thịnh, việc làm này có thể khiến người bán điều chỉnh giá, giảm bớt nhu cầu tiêu dùng. Đây có thể xem là một giải pháp hạn chế phần nào đó việc sử dụng túi nilon, đồ nhựa ồ ạt như hiện nay. Tăng thuế, người sản xuất sẽ buộc phải tăng giá. Giá cao người dùng sẽ phải tính toán hơn.

Tuy nhiên, theo ông, quan trọng nhất vẫn là biện pháp quản lý từ khâu định hướng sản xuất để đảm bảo hài hòa nhu cầu của các bên. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần định hướng cho người dân để họ vừa đảm bảo sinh kế, vừa giúp ích cho xã hội, bảo vệ môi trường, vừa làm được các mặt hàng tiêu dùng không gây hại cho cộng đồng. Cần quy định rõ không được sử dụng hạt nhựa tái chế bẩn để làm ra các loại đồ dùng đựng thực phẩm như túi nilon, cốc nhựa, bát nhựa, ống hút…

Lối đi nào cho những làng nghề ô nhiễm?

Từ lâu, những làng thu gom, tái chế như ở Hưng Yên, Bắc Ninh hay Hà Nội đều gặp phải tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nhìn nhận từ góc độ này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, tình trạng ô nhiễm ở hầu hết các làng nghề hiện nay chưa được giải quyết. Nhiều địa phương chưa đủ quyết liệt khi xử lý các vấn đề ô nhiễm làng nghề.

Ô nhiễm vì thế cứ thế lan rộng và ngày một trầm trọng. Tình trạng ô nhiễm này, nếu không xử lý và cứ để tiếp diễn từ năm này qua tháng khác thì người dân trực tiếp chịu hậu quả. Họ phải hít bầu không khí đó, uống nguồn nước đó.

Theo GS Đặng Hùng Võ các làng nghề truyền thống bao giờ cũng sản xuất theo công nghệ cổ xưa, rất thô sơ. Quy trình, công nghệ thô sơ ấy đương nhiên sẽ gây ra ô nhiễm môi trường.

Túi nilon, đồ nhựa dùng đựng thực phẩm làm từ nhựa bẩn nguy hại thế nào? - 3

Tình trạng ô nhiễm ở hầu hết các làng nghề hiện nay chưa được giải quyết. (Ảnh: Toàn Vũ).

Tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng khi các cơ sở sản xuất chỉ chú trọng thúc đẩy tăng sản lượng. Việc tăng sản lượng đồng nghĩa với ô nhiễm môi trường sẽ nhiều hơn. Không có giải pháp về xử lý, không có hạ tầng về môi trường thì chắc chắn nguồn đất, nguồn nước, không khí và con người sẽ phải chịu những tác động nguy hại.

Liên quan đến giải pháp đối với các làng nghề gây ô nhiễm môi trường, GS Đặng Hùng Võ cho biết, về mặt chủ trương, Nhà nước cũng đã có một khoản ngân sách để trợ giúp vấn đề môi trường của các làng nghề. Về cơ bản chính sách là đúng, nhưng theo ông chưa đạt được thành tựu cần thiết để giải quyết tình trạng ô nhiễm hiện nay.

Việc thu xếp ngân sách thế nào cho từng làng nghề cụ thể, chuyện cổ vũ người dân có thể gom góp một phần nào đó từ lợi ích thu được vào câu chuyện môi trường… đến nay vẫn chưa rõ.

Theo ông, nước ta có xu hướng muốn đưa các làng nghề thành các cụm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, các cụm công nghiệp ấy phải có cơ chế xử lý các chất thải, nước thải tập trung. Câu hỏi đặt ra, ai là người đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp này.

Túi nilon, đồ nhựa dùng đựng thực phẩm làm từ nhựa bẩn nguy hại thế nào? - 4

Quá trình tái chế sẽ khiến nguồn nước, không khí ô nhiễm nặng. (Ảnh: Toàn Vũ).

"Hiện nay gần như không có ai cả. Bởi các nhà đầu tư lớn thì muốn đầu tư hạ tầng vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới. Người ta làm mới toanh và đầu tư vào những ngành nghề không gây ô nhiễm, còn bản thân làng nghề đang tồn tại và đang gây ô nhiễm nên không ai muốn đầu tư", GS Đặng Hùng Võ nói.

Ngoài ra, giá thuê ở nhiều cụm công nghiệp làng nghề hiện còn quá cao. Nếu giá quá cao thì các chủ cơ sở vẫn phải bám lấy quy trình sản xuất cũ theo kiểu không có đầu tư cho môi trường.

Trước thực trạng báo động như hiện nay tại các làng nghề đang gây ra ô nhiễm, ông cho rằng, phải rà soát từng làng nghề một, để quyết định làng nghề nào, cơ sở sản xuất loại nào được giữ lại và nơi nào phải giải tán. Chủ trương đề ra phải cụ thể chứ không nên chung chung cho mọi làng nghề. Phải nghiên cứu từng làng nghề một cách công tâm, khách quan độc lập, từ đó vạch ra lịch trình cụ thể. Chúng ta cần phát triển công nghiệp hiện đại chứ không phải công nghiệp cổ như vậy.

Làng nghề có nhiều vai trò, cần cân nhắc giữa văn hóa và kinh tế. Với những làng nghề được giữ lại, Nhà nước nên có chính sách trợ giúp. Chẳng hạn như trợ giúp về hạ tầng cho các cụm công nghiệp làng nghề. Từ đó, mức giá thuê hợp lý thì người dân mới mặn mà.