Tục thờ cá Ông và niềm tin bám biển của ngư dân Vũng Tàu
(Dân trí) - Ở Phước Hải (Vũng Tàu), cá Ông được coi là thủy thần mang lại nhiều may mắn cho ngư dân. Qua nhiều năm, ngư dân nơi đây đã tiếp cận văn hóa từ nhiều vùng miền và dần hình thành tín ngưỡng thờ cá Ông.
Ngày 7/3, trong lúc ra khơi đánh cá, anh Trương Văn Phong (sinh năm 1978, chủ ghe ở huyện Phước Hải, Vũng Tàu) phát hiện cá voi - cá Ông theo cách gọi của người dân địa phương - chết trên biển. Anh Phong đưa xác cá Ông về Dinh Ông ở địa phương để làm lễ an táng và chôn cất. Đây cũng là lần thứ 2 anh Phong đưa cá Ông về Dinh, lần đầu tiên cách đây 14 năm.
Xác cá Ông được làm sạch bằng rượu. Sau khi cúng bái đầy đủ lễ nghi tại Dinh thì ngư dân đưa xác ông về mộ để chuẩn bị chôn cất.
Theo vạn trưởng chia sẻ: "Bình thường cứ đến dịp lễ Nghinh Ông thì Ông sẽ về nhập Dinh".
Cá Ông chết gọi là "lụy". Theo địa phương, người phát hiện Ông lụy đầu tiên được xem là trưởng nam, thay mặt dân làng đeo khăn trắng chịu tang, hàng năm cúng giỗ đầu, 49 ngày, 100 ngày, thăm viếng và lễ bái đầy đủ giống như thành viên trong gia đình. Thời gian chịu tang của trưởng nam cũng khác nhau tùy vào cá Ông, đối với cá Ông nhỏ là 3 năm, cá Ông lớn là 5 năm.
Ngư dân Phước Hải đã đào hố cát và chuẩn bị sẵn sàng cho việc chôn cất. Nghĩa trang cá Ông được xây dựng vào năm 1999, đến nay đã đưa 508 cá Ông về để chôn cất. Phước Hải cũng là nơi an táng cá Ông lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 2.000m2.
Xác cá Ông khi an táng được quấn khăn màu đỏ, có xe đưa tang riêng được phủ lọng thêu hình rồng phượng.
Cùng ngày 7/3, khi "được" cá Ông chọn làm người lo việc tạ thế, ghe của anh Phong đã cứu được 6 người trong một vụ chìm ghe, 4 người ở trên thuyền thúng và 2 người ở dưới biển.
Mỗi bia mộ sẽ được ghi tên ghe khi phát hiện xác cá Ông. Vào những ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng, ngư dân đến mộ thăm viếng, cầu bình an, may mắn khi ra khơi đánh bắt.
Vào ngày 12/2 âm lịch hàng năm, sau 3 năm để tang và chôn cất cá Ông, ngư dân sẽ làm lễ bái và bốc hài cốt cá Ông đưa về Dinh để thờ cúng và xả tang.
Ngư dân làm sạch hài cốt cá Ông bằng bàn chải và rượu. Răng của cá Ông được giữ lại làm vật may mắn hoặc trang sức.
Mỗi phần hài cốt của Ông được gói ở trong một tấm khăn màu đỏ, bên ngoài ghi tên ghe "được" Ông - cách gọi người đã phát hiện xác cá Ông. Sau đó, hài cốt cá Ông được phơi khô khoảng 5 tiếng và đưa vào hầm của Dinh để thờ cúng.
Ông Tư (sinh năm 1945) đã bám biển từ năm 14 tuổi đến đến năm 55 tuổi. Năm 2000, ông chuyển về trông coi Dinh và cũng là người phụ trách đưa hài cốt vào trong hầm. Ông Tư chia sẻ : "Ghe mà gặp được Ông lần thứ 2 là rất hiếm. Nếu ngư dân "được" Ông thì cực kỳ may mắn và ra khơi gặp nhiều thuận lợi".
Ngày 15/2 âm lịch hàng năm, sau 3 ngày ngư dân bốc hài cốt cá Ông, chính quyền địa phương và đông đảo ngư dân làng chài Phước Hải long trọng tổ chức lễ Nghinh Ông với nhiều hoạt động sôi nổi như: Lễ cầu an; cúng giỗ tiền hiền; lễ nghinh thủy thần; cúng bà Ngũ Hành...
Nghi lễ nghinh thủy thần với cờ ngũ sắc, ngai vàng và quân lính... nghinh đón thần Nam Hải về Dinh. Quy mô tổ chức lễ hội Nghinh Ông hàng năm phụ thuộc vào việc nguồn thu nhập đóng góp của ngư dân nơi đây. Đây cũng là nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội Nghinh Ông.
Hát bả trạo là một hoạt động cuối cùng sau khi người dân dự lễ Nghinh Ông về, các đoàn nghệ thuật diễn lại cảnh chèo thuyền đánh bắt mang đậm tinh thần lạc quan và khát vọng về cuộc sống no đủ của ngư dân. Bên cạnh đó thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của cộng đồng ngư dân đối với cá Ông đã giúp đỡ ngư dân vượt qua sóng gió, những tai ương trên biển.
Với gần 80% dân số sống bằng nghề đánh bắt và chế biến hải sản, Phước Hải phát triển mạnh về đánh bắt gần và xa bờ cùng với các dịch vụ nghề cá. Ngư dân nơi đây bằng tấm lòng và sự chân thành đều cầu mong bình an cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt, được thuận buồm xuôi gió.