Trí nhớ kỳ lạ của cụ bà 104 tuổi
Trong khi lũ trẻ chúng tôi áo trong, áo ngoài, môi tím tái vì lạnh thì cụ Nguyệt vẫn chỉ một áo trong và một áo dài bên ngoài chuyện trò với chúng tôi. Hỏi chuyện gì cụ cũng nhớ, có những chuyện con cháu cụ chưa kịp trả lời, cụ đã lên tiếng và ai ai cũng phải bật cười trước trí nhớ siêu phàm của cụ.
Anh Nguyễn Viết Cường, người cháu ngoại ở cùng nhà với cụ tấm tắc: “Cụ là người có một không hai. Cụ sống thọ là một chuyện nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, vẫn giúp con cháu được việc nọ, việc kia, không nề hà bất kỳ việc gì”.
Rồi như thấy chúng tôi vẫn còn nghi hoặc, anh lôi cuốn sổ ghi chép về việc sửa sang cổng nhà hồi đầu hè ra cho biết, trong khi tổng kết công thợ, anh Cường đang hì hục tính công, so lại với sổ của đội thợ làng cho chính xác thì cụ Nguyệt ở ngoài cứ nói vanh vách ngày thợ bắt đầu đến làm, ngày nào thợ nghỉ, cộng trừ đi lại, cuối cùng con số khớp với con số anh Cường và đội thợ đã ghi.
Anh Cường bảo, đội thợ trong làng mặc dù vẫn biết tiếng tăm khỏe mạnh, minh mẫn của cụ nhưng không khỏi ngạc nhiên trước trí nhớ siêu phàm của cụ.
Khi khách hỏi về con đàn cháu đống của cụ, cụ đọc vanh vách ngày sinh, tháng đẻ của từng người. Cụ có khoảng 30 cháu nội riêng của chồng, dù cụ và đám cháu ấy không được sống cùng nhau ngày nào, trừ những ngày tết chúng về thăm cụ hoặc những ngày về làm giỗ cho ông bà nội của chúng nhưng cụ vẫn nhớ tường tận tên, tuổi từng đứa.
Không chỉ minh mẫn, cụ còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Hàng ngày cụ vẫn giúp con cháu cơm nước, việc vặt trong nhà. Con cháu nhiều lần nhắc cụ không nên vào bếp nấu nướng vì lo cụ già, lóng ngóng, nhỡ có chuyện gì thì khổ nhưng cụ không nghe, dứt khoát học cách dùng bếp ga để có thể giúp đỡ con cháu.
“Nhưng cụ cũng ghê lắm, muốn giúp cụ việc gì cũng khó lắm” – anh Cường nói rồi nhìn sang người bà ngoại đã ngoài trăm tuổi của mình, ánh mắt đầy yêu thương. Hỏi anh sao bảo cụ ghê, anh kể, dù đã 104 tuổi nhưng cụ vẫn tự tắm giặt, ăn cơm xong tự pha sữa cho mình trước khi đi chứ không để con cháu làm giúp.
“Nhiều khi tôi nói dỗi “hay bà sợ con pha không đủ tiêu chuẩn, bà không tin con” nhưng bà chỉ cười tươi, mắng yêu rồi bảo “bà còn làm được thì bà làm, mày dành thời gian giúp vợ, dạy con học hành là được rồi” - anh kể.
Con rể của cụ, ông Nguyễn Viết Hoàn (năm nay đã 73 tuổi) cũng không tiếc lời trầm trồ khi nói về người mẹ vợ mà ông kính nể từ ngày về làm rể. Ông kể, ngay từ ngày đầu tiên đến thăm nhà vợ tương lai, gặp mẹ vợ, bà đã tuyên bố thẳng: bà chỉ còn 2 người con gái, dứt khoát đứa con gái đầu phải ở với bà.
“Hồi đó tôi cũng có đôi chút lo lắng nhưng vì tình yêu, tôi vẫn đến ở rể nhà cụ. Càng sống bên cụ, tôi càng nể phục. Cụ là một tấm gương của tôi, không chỉ trong lao động nông nghiệp mà cả đối nhân xử thế, cụ khiến tôi thấy bao nhiêu năm nay tôi như đang ở nhà mình chứ không phải nhà vợ. Ngay cả cách cụ đối xử với con riêng của người chồng quá cố cũng khiến tôi phải khâm phục” – ông Hoàn tâm sự.
Tấm gương dạy con cháu thảo hiền
Cụ Nguyệt quê Thái Bình, về làm lẽ cụ ông ở làng Đường Lâm, Sơn Tây chưa dược bao lâu thì cụ ông mất, để lại 2 đứa con gái nhỏ nheo nhóc và đứa con gái nuôi mới chỉ chưa đầy 10 tuổi. Năm 1966, theo tiếng gọi của Đảng, cụ rời quê chồng vào vùng Ba Vì làm kinh tế mới.
Cụ nhớ ngày mới đến Ba Vì chỉ toàn cây và đồi núi. Chỗ không có cây thì chỉ thấy mênh mông nước. Ngày rời nhà đến Ba Vì, cụ phải chuyển từng viên gạch, cây cột từ nhà trên một chiếc xe bò kéo đến Tản Lĩnh bây giờ.
Một tay cụ phát hoang, dựng nhà tạo ruộng, cấy cày nuôi cả gia đình, đồng thời giúp bà con khác lao động, trồng hoa màu ổn định cuộc sống. Nhờ lao động giỏi nên cụ được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Vĩ Giang (tên gọi từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước), nhưng cụ không nhận chức Chủ nhiệm vì không biết chữ. Cụ chỉ nhận làm Đội trưởng đội sản xuất để đôn đốc bà con, chị em làm đồng.
Bao nhiêu năm sinh sống là bấy nhiêu năm cụ không xem ti vi, cứ 8h tối là cụ đi ngủ, đến 1-2h sáng tỉnh giấc và thức đến sáng luôn. Nhà cụ ngay bên trong hội trường nhà văn hóa của thôn nên cụ vẫn tự mình đi sinh hoạt người cao tuổi. Hôm nào nhà văn hóa có tổ chức chương trình gì cụ cũng tự mình đi ra xem. Mỗi khi thấy cụ, thanh niên trong xóm đều ồ lên thích thú, reo vang lên và mời cụ lên hàng ghế đầu tiên. Nhưng dù chương trình có hấp dẫn thế nào thì cứ đúng 8h tối là cụ về, kỳ cạch pha cốc sữa bột uống xong là lên giường ngủ một giấc đến cữ rồi dậy.
Cách đây vài năm, một tay cụ Nguyệt vẫn chăm sóc được 3 đứa chắt ngoại. Ông Hoàn kể, vợ chồng con gái ông bận rộn, chợ búa suốt ngày, không có thời gian chăm con nên chúng còi cọc, lại lười ăn. Mang lên ở với cụ Nguyệt được vài tháng thì đứa nào đứa nấy có da có thịt, quấn quýt cụ hơn cả bố mẹ.
Hàng ngày cụ vẫn ra vườn nhổ cỏ, hái rau để nấu thêm bát canh cho con, cháu. Gần đây mới thấy cụ phải đi viện khám vì ho nhiều, huyết áp lên xuống bất thường. Cụ bảo: “Già rồi, cũng phải đau yếu đi tí không có người ta lại bảo mình là siêu nhân”.
Ông Hoàn bảo, ông phục mẹ vợ ở sự công bằng, không thiên vị bất kỳ một đứa cháu, con nào. Dù cụ là mẹ kế, không phải nuôi con chồng nhưng con riêng của chồng đều quý mến cụ, coi cụ như người mẹ thứ hai, dịp tết, giỗ những người con chồng đều về quê thăm cụ và cả đại gia đình lại quây quần bên nhau, kể lại những câu chuyện xưa cũ, xem cách cụ bà sinh sống để học theo, đối xử với con cháu để gia đình được thuận hòa, êm ấm như đại gia đình mà cụ Nguyệt vẫn đang là rường cột, dù đã 104 tuổi.
Theo Pháp Luật Việt Nam