Tranh giành kho báu hàng tỷ USD dưới đáy biển

Colombia vừa thông báo tìm thấy xác của một con tàu lớn của Tây Ban Nha chở đầy vàng, bạc và những đồ vật có giá trị khác bị chìm tại biển Caribe cách đây 307 năm. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù có ý nghĩa quan trọng về lịch sử và văn hóa, nhưng việc phát hiện xác tàu San Jose có khả năng dẫn đến bùng phát tranh cãi về mặt pháp lý.


Một bức vẽ sơn dầu về trận đánh giữa tàu Anh và Tây Ban Nha ngoài khơi Cartagena năm 1708

Một bức vẽ sơn dầu về trận đánh giữa tàu Anh và Tây Ban Nha ngoài khơi Cartagena năm 1708

 

Xác tàu đắm chứa đầy vàng bạc

“Là người đứng đầu quốc gia, tôi rất vui mừng thông báo, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã tìm thấy tàu San Jose bị chìm cách đây 307 năm. Đây là kho báu quý giá nhất từng được tìm thấy trong lịch sử nhân loại”, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos thông báo hôm 5-12. Tổng thống Colombia cho biết, nước này đã mất 2 năm nghiên cứu các bản đồ lịch sử, khí tượng học và sử dụng công nghệ tìm kiếm đáy biển tiên tiến nhất để xác định vị trí tàu San Jose. Theo Guardian, một cuộc tìm kiếm do Viện Nhân chủng học và Lịch sử phối hợp với hải quân Colombia thực hiện xác định con tàu hiện nằm ở độ sâu 300m, cách bờ biển thành phố Cartagena của Colombia hơn 25km. Tổng thống Juan cũng cho hay, một viện bảo tàng sẽ được xây dựng ở thành phố Cartagena để trưng bày những đồ vật tìm thấy trên tàu.

San Jose được biết đến là một trong những con tàu mang theo lượng hàng hóa có giá trị lớn nhất trong lịch sử hàng hải thế giới. Tàu San Jose đã bị tàu chiến Anh tấn công vào năm 1708, trong lúc đang chở đầy vàng, bạc, trang sức và những loại đá quý khác, thu thập được từ những thuộc địa của Tây Ban Nha ở Nam Mỹ. Con tàu này, dự định vận chuyển số hàng trên đến Tây Ban Nha để giúp tài trợ cuộc chiến của Vua Philip V với Anh, đã bị đánh chìm ở biển Caribe, làm gần như tất cả 600 người trên tàu thiệt mạng.

Những người săn kho báu đã truy tìm xác tàu San Jose từ nhiều thập kỷ nay. Theo Công ty Sea Search Armada của Mỹ (SSA), năm 1981, họ đã định vị được con tàu ngoài khơi bờ biển của Colombia và thỏa thuận với Chính phủ Colombia chia đôi khoản tiền thu được từ khám phá này. Tuy nhiên, Chính phủ nước này sau đó rút khỏi thỏa thuận và nói rằng tài sản của con tàu thuộc về họ. Quốc hội Colombia còn thông qua một luật mới trao cho nước này mọi quyền hành đối với kho báu bên trong tàu đắm và chỉ chia cho SSA 5% giá trị kho báu gọi là “phí tìm thấy”.

Tranh cãi pháp lý kéo dài

Vụ việc dẫn đến một cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài nhiều thập kỷ và vào năm 2011 một tòa án ở Mỹ đã ra phán quyết, con tàu là tài sản của Chính phủ Colombia. Trong một cuộc họp báo cuối tuần trước, Bộ trưởng Văn hóa Colombia Mariana   Garcés Córdoba nói rằng, tất cả các thách thức pháp lý đều đã được phân xử theo hướng có lợi cho chính quyền Colombia và SSA không có quyền lợi gì đối với kho báu trên tàu San Jose.

Trong khi đó, chính quyền Tây Ban Nha cũng đang cân nhắc việc đòi quyền sở hữu đối với kho báu trên tàu San Jose. Ông Jose Maria Lasalle, Bộ trưởng Văn hóa Tây Ban Nha cho biết, Tây Ban Nha đang kiểm tra các thông tin do Colombia cung cấp trước khi quyết định “nên hành động như thế nào”. Như vậy, sau hơn 300 năm chìm dưới đáy biển, số phận con tàu San Jose vẫn chưa được định đoạt. Cuộc chiến pháp lý tranh giành khối tài sản trị giá ước tính lên tới 17 tỷ USD chứa bên trong tàu được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều năm.

Cũng liên quan đến xác tàu đắm, hồi năm 2012, sau hơn 4 năm tranh cãi pháp lý, Tòa án Tối cao Mỹ đã buộc Công ty Odyssey Marine Exploration của Mỹ phải trả lại cho Tây Ban Nha kho báu mà họ đã trục vớt từ con tàu Nuestra Senora de las Mercedes bị hải quân Anh đánh chìm ngoài khơi Bồ Đào Nha hồi tháng 10-1804.

Theo Hoàng Cường
An Ninh Thủ Đô

 

 

Tranh giành kho báu hàng tỷ USD dưới đáy biển - 2