Tranh cãi mô hình hộp ngủ 2m2 ở Hà Nội, TPHCM: Rẻ nhưng có an toàn?

Minh Nhân

(Dân trí) - Chuyên gia cảnh báo nếu các nhà trọ kiểu hộp ngủ xảy ra cháy nổ, thì việc thoát hiểm rất khó khăn do không đủ ánh sáng, lối đi lại hẹp, đông người sử dụng.

Tranh cãi mô hình hộp ngủ tại các thành phố lớn

Sau loạt bài của báo Dân trí về việc nở rộ hình thức hộp ngủ tại TPHCM và Hà Nội, các độc giả nêu quan điểm trái chiều: Mô hình giá thuê rẻ, phù hợp túi tiền sinh viên, người thu nhập thấp, song tự phát, thiếu quy định phòng cháy chữa cháy.

Hộp ngủ (sleep box) ban đầu là dịch vụ tại sân bay để khách nghỉ ngơi, làm việc trong thời gian chờ máy bay. Tuy nhiên, từ năm 2021 mô hình này nở rộ tại TPHCM, rồi nhanh chóng lan ra Hà Nội.

Mô hình hộp ngủ được hiểu là một khoang ngủ (cabin) dành cho một người, nằm trong một căn phòng chung với nhiều người khác. Loại hình này tối ưu chi phí và diện tích, được nhiều chủ đầu tư gọi với cái tên mỹ miều là "ký túc xá kiểu mới".

Tranh cãi mô hình hộp ngủ 2m2 ở Hà Nội, TPHCM: Rẻ nhưng có an toàn? - 1

Hộp ngủ nở rộ tại Hà Nội trong những năm gần đây (Ảnh: Minh Nhân).

Độc giả Phong Vân cho rằng có những người đi làm cả ngày, tối về chỉ cần một chỗ để ngủ. Họ ngại thuê phòng trọ lớn tốn kém chi phí, nên tìm đến hộp ngủ - đúng nghĩa là "hộp để ngủ", chứ không phải nơi sống và sinh hoạt.

"Hộp ngủ phát triển tại các thành phố lớn trên thế giới nhiều năm qua, thường dành cho khách du lịch cá nhân hoặc người làm việc lưu động, di chuyển nhiều giữa các thành phố. Khách thuê vài ngày, một tuần hoặc lâu hơn tùy nhu cầu", Phong Vân cho hay.

Là người sống tại hộp ngủ ở quận 7 (TPHCM) với giá 2 triệu đồng/tháng, độc giả Hữu Nghĩa cho biết mô hình nhà trọ này cung cấp đủ nhu cầu thiết yếu về việc ăn, ở, sinh hoạt hàng tháng tại thành phố đắt đỏ.

Chủ đầu tư trang bị tủ lạnh, máy giặt, khách được sử dụng wifi, điện và nước miễn phí.

"Với người trẻ như tôi, muốn sống tại TPHCM với mức lương không cao, chi phí sinh hoạt lại đắt đỏ, thực sự là một bài toán khó", Nghĩa thừa nhận.

Anh cho hay từng ở ghép, song gặp nhiều vấn đề an ninh, vệ sinh, trong khi hộp ngủ đảm bảo tính riêng tư, quy định vệ sinh chung.

Tranh cãi mô hình hộp ngủ 2m2 ở Hà Nội, TPHCM: Rẻ nhưng có an toàn? - 2

Mỗi hộp ngủ chỉ rộng 1,5-2m2, bên trong có ổ điện, bóng đèn và thanh sắt treo quần áo (Ảnh: Minh Nhân).

Bên cạnh đó, nhiều độc giả bày tỏ không ủng hộ mô hình hộp ngủ. Độc giả Nguyễn Đức cho rằng vật liệu giá rẻ, không có phương án phòng cháy chữa cháy đã biến hộp ngủ trở thành hiểm họa. Anh đề xuất chính quyền địa phương cấm mô hình này trước khi nó trở thành trào lưu rộng rãi.

"Sống trong mô hình đông người, cháy nổ là nguy hiểm hàng đầu. Chỉ cần một điểm bắt lửa thì thảm họa khó tránh khỏi khi không gian quá chật hẹp lại chất lên 2-3 lớp phòng bằng gỗ ép mà lối thoát thì chỉ có 1-2 cửa ở hai đầu", anh bày tỏ, nhận định có cầu mới có cung, "chứ không phải vì tiết kiệm mà bất chấp hậu quả như vậy".

Độc giả Thùy Linh cho hay sống trong các hộp ngủ rất bất tiện, chật chội và bí bách. Với những căn chung cư cũ rộng 35-45m2, giá khoảng 5-8 triệu đồng/tháng nhưng sống cùng 4-5 người khác sẽ thoải mái và an toàn hơn.

"Đi làm, đi học cả ngày về chui vào phòng như "hộp diêm" thế này giảm tuổi thọ quá. Rồi đến lúc xảy ra hỏa hoạn, tai nạn thương tâm thì ai chịu trách nhiệm?", chị thắc mắc.

Nguy cơ lớn nhất với mô hình hộp ngủ là vấn đề cháy nổ

Ông Trần Khánh, Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý tòa nhà Hà Nội, nhận định sự phát triển của mô hình hộp ngủ xuất phát từ nhu cầu thực tế khách hàng mong muốn thuê được chỗ ở đầy đủ tiện nghi nhưng giá cả hợp lý... Điều này khó tìm được tại các căn chung cư, phòng trọ, cho đến khi hộp ngủ ra đời.

Nhu cầu thuê hộp ngủ tăng cao dẫn đến nguồn cung cũng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các chủ đầu tư chung cư, căn hộ trong chung cư, nhà riêng có xu hướng cải tạo trên cơ sở hiện có thành những hộp ngủ. Họ thường sử dụng vật liệu có sẵn, nhẹ như sắt thép, vách ngăn alu (hợp kim nhôm và nhựa)... để lắp đặt.

"Nguy cơ cao nhất là về phòng cháy chữa cháy, vì các hộp ngủ được bố trí sát nhau, dễ gây ra cháy nổ khi sử dụng điện, các hộp đều chứa các vật liệu. Khi xảy ra cháy nổ, việc thoát hiểm sẽ rất khó khăn do không đủ ánh sáng, lối đi lại hẹp, đông người sử dụng..", ông Khánh nói.

Đối với những hộp ngủ trong chung cư, ngoài nguy cơ cháy nổ, thì tường cách âm không tốt dẫn đến sinh hoạt ảnh hưởng các căn hộ xung quanh. Do đó, Ban quản lý các tòa nhà cần xem xét việc giới hạn sự phát triển của mô hình này bằng cách bổ sung quy chế, thu phí dịch vụ cao hơn so với các căn hộ khác.

Ông Khánh khuyến cáo chủ đầu tư hộp ngủ cần đảm bảo PCCC, diện tích công trình, lối thoát nạn; sử dụng vật liệu chống cháy, hệ thống điện tự ngắt khi quá tải, hành lang, lối thoát hiểm đảm bảo an toàn.

Tranh cãi mô hình hộp ngủ 2m2 ở Hà Nội, TPHCM: Rẻ nhưng có an toàn? - 3

Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong hộp ngủ vỏn vẹn 2m2 (Ảnh: Minh Nhân).

Một chuyên gia lâu năm trong ngành bất động sản cho biết việc khai thác hộp ngủ bắt nguồn từ nhu cầu của sinh viên gần các trường đại học, đặc biệt là sinh viên năm nhất.

Đây là nhóm mới lên thành phố, chưa có bạn bè, chưa biết rủ người ở chung, nên thay vì thuê một phòng sẽ tốn nhiều tiền, các bạn lựa chọn thuê "một chỗ ngủ" nhằm tiết kiệm chi phí. 

Sau này, trong các quận trung tâm, khi giá cho thuê phòng ngày càng đắt đỏ, thì mô hình hộp ngủ lan rộng ra cho cả người đi làm.

Theo ông, hộp ngủ ban đầu chỉ là những chiếc giường tầng, mỗi phòng có từ 2 đến 4 giường, tương ứng 4-8 người như trong các ký túc xá sinh viên.

Thay vì cho thuê cả phòng, mô hình này cho thuê theo đầu người rồi 4-8 người xa lạ cùng ở ghép trong một không gian nhỏ với nhau. Điều này dẫn đến những bất cập trong sinh hoạt, đặc biệt là sự riêng tư, an ninh, an toàn tài sản.

Khách thuê sau thời gian ngắn ở thấy không phù hợp đều dọn đi, nên dần dần những chiếc giường tầng được chuyển thành hộp ngủ như hiện tại nhằm đáp ứng nhu cầu "cần sự riêng tư, an toàn tư trang đồ đạc" của khách.

Theo chuyên gia, các hộp ngủ tồn tại một số điểm bất tiện: không riêng tư, thiếu chỗ để xe, khách phải xếp hàng sử dụng nhà vệ sinh hay phòng bếp.

"Đó là lý do dẫn đến tỷ suất lấp đầy thực tế trong dài hạn của loại hình này không cao như nhiều người nghĩ ban đầu. Trung bình, hộp ngủ thường trống 20% - 30%, phải lấp khách liên tục. Khách ra/vào nhiều còn dẫn đến tốn thêm chi phí quảng cáo, môi giới", vị chuyên gia nói.

Theo ông, sự bùng nổ của mô hình này khởi phát từ năm 2018, đặc biệt nở rộ từ năm 2019, bắt nguồn từ "sự sáng tạo" tăng nguồn thu cạnh tranh của các đơn vị thuê nhà nguyên căn để kinh doanh cho thuê lẻ.

Tuy nhiên, điều họ không ngờ tới là mô hình này lại có tỷ lệ trống cao, chi phí quản lý vận hành và quảng cáo lớn, nên lợi nhuận thực tế không khác mấy so với việc cho thuê phòng như cũ.

Ông nhận định nguy cơ lớn nhất với mô hình hộp ngủ là vấn đề cháy nổ.

"Việc số lượng người ở quá đông, thường hơn gấp đôi loại hình cho thuê bình thường trong cùng một quy mô, sẽ làm tăng các nguy cơ về cháy nổ, an ninh trật tự, quản lý khách thuê", chuyên gia nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm