Trải nghiệm cảm giác được nhân viên robot phục vụ cà phê
(Dân trí) - Khác với những quán cà phê thông thường, một quán cà phê ở Thủ Đức (TPHCM) đã sử dụng robot thông minh làm nhân viên phục vụ khách.“Nữ phục vụ” đặc biệt này còn biết la hét phản đối khi có khách nam sàm sỡ, chạm vào các vùng nhạy cảm.
Đến với quán này, khách sẽ ngạc nhiên khi thấy "cô gái robot" xinh đẹp chạy khắp quán để bưng cà phê. Nếu nhìn từ xa, khách hàng cũng khó nhận biết đây là robot vì nó được thiết kế khá giống người thật. Cung cách phục vụ của robot cũng rất chuyên nghiệp.
Ông chủ quán giới thiệu robot này có tên là "Cô Ba" và cao 1.65m. Robot "Cô Ba" được thiết kế từ da, tóc, vóc dáng như một cô gái thực sự vàăn mặc sành điệu. Mỗi khi có khách gọi món, robot lại chạy vào quầy để nhân viên đặt thức uống lên khay và đi ra từng bàn để phục vụ khách.
Khi bưng cà phê tới bàn cho khách, "Cô Ba" nhẹ nhàng chào hỏi khách như một người phục vụ lịch sự. Sau khi khách lấy cà phê từ khay xuống, "Cô Ba" lại nhẹ nhàng cất giọng "Cảm ơn và chúc quý khách ngon miệng" rồi quay trở về phía quầy pha chế.
Dọc đường bưng thức uống ra cho khách, khi gặp các vật cản, “Cô Ba” đều tự biết cách tránh để tiếp tục đi đến bàn đã được cài đặt sẵn. Khi có người đứng cản đường, "Cô Ba" sẽ nhỏ nhẹ năn nỉ "Xin cho em đi qua!". Những thiết kế đặc biệt này khiến khách hàng đến đây thấy rất thú vị và vui vẻ.
Chị Cẩm Tiên - một khách hàng tại quán, cho hay: "Đây là lần đầu tiên mình đến quán cà phê này. Mình rất ấn tượng bởi quán có robot phục vụ. Lúc đầu mình hơi ngạc nhiên nhưng sau khi tìm hiểu thì mình thấy đây quả là một phong cách phục vụ mới và ấn tượng”.
Để loan truyền thông điệp bảo vệ phụ nữ, người sáng chế cô robot phục vụ này gắn nhiều cảm biến ở những vùng nhạy cảm như ngực, eo, mông của "Cô Ba". Khi có khách đụng vào những vùng nhạy cảm trên, "Cô Ba" sẽ la hét lên những câu như "Má em la"... để cảnh báo.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải – người nghiên cứu xây dựng mô hình, đây là cửa hàng cà phê đầu tiên tại TPHCM áp dụng mô hình phục vụ ứng dụng công nghệ này vào hoạt động kinh doanh. "Cô ba" được lập trình trên cảm biến và tương tác với người dùng bằng 16 chức năng cơ bản để có thể trở thành “nữ phục vụ hoàn hảo” như trên. Để có thể thành công như hôm nay, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải đã mất 4 năm và tốn gần 2 tỉ đồng để thử nghiệm và sáng chế. Sắp tới, ông sẽ nhân rộng mô hình phục vụ này ra nhiều nhà hàng, quán cà phê trong cả nước.
Tiến sĩ Hải chia sẻ: "Ngay từ nhỏ tôi đã đam mê sáng tạo và dành nhiều thời gian để học hỏi về nó. Sau khi hoàn tất khóa học tiến sĩ tại Hàn Quốc, tôi đã quay về Việt Nam để thực hiện đam mê của mình. Tôi mong những công trình của mình có thể giúp một phần hữu ích cho xã hội. Đồng thời khuyến khích các bạn trẻ đam mê sáng tạo trên cả nước".
TS Nguyễn Bá Hải (quê Thanh Hóa) được bình chọn là Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2012. Anh nổi tiếng là người sáng chế ra "Mắt thần cho người mù". Chỉ cần đeo loại kính đặc biệt vào người khiếm thị có thể dò đường đi. Khi gặp vật cản, kính sẽ rung. Vật càng xa rung càng ít, vật càng gần rung càng nhiều. Sản phẩm trên đã đoạt giải nhất tuần Nhà sáng chế Việt Nam, giải thưởng Robocon Techshow 2012...
Ngoài ra, anh Hải còn là người sáng lập “Khóa học 1 đô la” nổi tiếng về nhận diện đam mê - sáng tạo, lập trình máy tính và robot. Một số công trình nghiên cứu khác do anh chủ trì được đánh giá cao là: Robot phục vụ xây dựng trong những hệ thống ống cống của các khu công nghiệp, chung cư (hợp tác bởi Công ty cổ phần Bốn Phương); Sáng chế tái tạo cảm giác lái trong ô tô nhờ việc đo dòng điện trực tiếp có giá thành thấp.
Xuân Hinh