Trái cây Việt hưởng lợi từ chương trình "Kết nối vững bền"
(Dân trí) - Tìm ra quy trình sản xuất giúp đảm bảo giá trị sản phẩm, đồng thời thích ứng với tình hình gia tăng của sâu bệnh hại và biến đổi khí hậu, luôn là bài toán nan giải của nông dân và các vùng canh tác trái cây ở Việt Nam.
Nỗi lòng của nông dân trồng cây ăn trái
Tại Đồng Tháp, xoài là một trong 5 loại trái cây chủ lực với ước tính hơn 14.000 ha, chiếm hơn 33% diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh, xếp thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng. Dù xoài Việt Nam ngày càng có vị thế cao khi được các thị trường khó tính như Nga, Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản,... chấp nhận nhưng vẫn còn khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu chất lượng ngày càng khắt khe của các nước.
Gia đình anh Tuấn, ngụ tỉnh Đồng Tháp, có một ha trồng xoài cát chu cho biết: "Những năm trước trồng xoài không cho hiệu quả kinh tế cao. Do thời tiết bất thường nên tỷ lệ ra hoa và đậu trái thấp. Sâu hại nhiều, hết bọ trĩ, sâu đục cành đến bệnh thán thư trên bông trên trái, thối cuống khiến trái khi thu hoạch khó đảm bảo được chất lượng".
Tiền Giang có diện tích trồng thanh long lớn thứ 3 cả nước (9.600ha), sản lượng bình quân đạt hơn 200.000 tấn/năm. Do diện tích trồng ngày càng mở rộng, cộng thêm nhà vườn chưa canh tác và quản lý hiệu quả, khiến nhiều loại sâu bệnh hại như đốm nâu, bệnh thán thư, bọ trĩ, rệp sáp... xuất hiện gây thiệt hại đến sản lượng, chất lượng và giá trị thương phẩm thanh long...
Tương tự, sầu riêng monthong tại Việt Nam đang tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Đông Nam bộ với diện tích khoảng 110.000ha tính đến năm 2022. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất loại sầu riêng này đang gặp nhiều khó khăn trong việc phòng chống sâu bệnh hại và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, các nhà vườn vẫn còn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ tự phát, canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, tập quán của địa phương và áp dụng các quy trình sản xuất lạc hậu, ít được cải tiến dẫn đến khó khăn cho tổ chức liên kết sản xuất. Việc mỗi nhà vườn có cách áp dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau rất thường gặp khiến cho chất lượng và an toàn thực phẩm trái cây thương phẩm không đồng đều dù là cùng một loại trái cây.
Hiệu quả từ sáng kiến chung tay
Vừa qua, nông dân tại các tỉnh Tiền Giang, Khánh Hòa, Long An, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp… đã bắt đầu áp dụng mô hình canh tác trái cây áp dụng quy trình sản xuất bền vững dựa theo Chương trình "Kết nối vững bền" do Công ty TNHH Syngenta, Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Công ty Khử trùng Việt Nam (VFC) phối hợp thực hiện.
Sau 3 năm (2021 - 2023), độ chống chịu dịch bệnh và năng suất, chất lượng trên nhiều loại cây trồng (bưởi da xanh, sầu riêng, xoài cát chu, thanh long, bưởi...) ghi nhận đã được cải thiện rõ rệt.
"Sau khi áp dụng quy trình sản xuất bền vững, vườn tôi đạt các chỉ số về chất lượng với năng suất rất tốt, tăng 21,5% so với lô đối chứng. Các loại sâu bệnh như ở lô mô hình thấp hơn lô đối chứng ở giai đoạn ra đọt non và phát triển trái, khi đem kiểm tra thì xoài nhà tôi đạt các kiểm định về dư lượng. Bà con khu vực xung quanh cũng rất quan tâm, nên sắp tới tôi sẽ chia sẻ với họ các bí quyết mới học được", anh Tuấn chia sẻ.
Những mô hình thử nghiệm áp dụng quy trình sản xuất bền vững đều đem lại kết quả khả quan như chanh không hạt ở Long An cho chất lượng và năng suất cao, giảm tỷ lệ bệnh thối rễ, loét hay sâu ăn lá.
Tại tỉnh Tiền Giang, các lô bưởi da xanh tăng năng suất 13,5% so với lô đối chứng, quy trình giúp kiểm soát tốt nhiều loại dịch hại nguy hiểm. Các vườn thanh long ruột trắng cho năng suất trên trụ 16,2 - 16,9kg, sâu hại đều giảm khi so với mô hình canh tác theo kinh nghiệm địa phương.
Hành trình 3 năm "Kết nối vững bền" đã thành công trong việc xây dựng được quy trình sản xuất bền vững theo từng giai đoạn phát triển của các loại cây bưởi da xanh, sầu riêng, xoài cát chu, thanh long, chanh không hạt tại nhiều tỉnh thành trọng điểm cả nước, gia tăng sản lượng và chất lượng trái cây Việt. Đồng thời, chương trình còn giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con hiệu quả hơn nhờ vào các buổi tập huấn về quy trình và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.
Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI), chia sẻ: "Việc liên kết xây dựng quy trình sản xuất cây ăn trái theo hướng bền vững dựa trên các thành quả nghiên cứu của viện và bộ sản phẩm của Công ty Syngenta có ý nghĩa quan trọng trong việc kịp thời chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại cho bà con nông dân. Thông qua đó, bà con nông dân dễ dàng áp dụng quy trình vào canh tác sản xuất giúp cải thiện điều kiện kinh tế nói riêng, cũng như sản lượng và chất lượng trái cây Việt Nam nói chung".